Tuyên Quang, quê hương cách mạng vững tin bước vào công nghiệp hóa
Các Website khác - 10/12/2005
Ngày 11-12, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khai mạc Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ 14. Trong nhiệm kỳ 2001-2005, Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với báo Nhân Dân. 
Phóng viên (PV): Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Tuyên Quang đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2001 - 2005?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Có thể nói rằng 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, tạo sự chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Sản lượng lương thực của tỉnh hàng năm đều tăng, đảm bảo được an ninh lương thực trên địa bàn. Công tác bảo vệ và trồng rừng được chú trọng, độ che phủ của rừng đạt 63%. Một điều dễ nhận thấy là phát triển nông, lâm nghiệp một cách bền vững là thế mạnh, là dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế của Tuyên Quang.

Cùng với phát triển nông, lâm nghiệp, tỉnh chúng tôi chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, lưới điện, trường học, bưu chính viễn thông …Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, 96,3% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống vận tải đường bộ phát triển mạnh; 100% trung tâm huyện, thị được phủ sóng điện thoại di động, 100% xã, phường, thị trấn có điện thoại. Công nghiệp, thương mại, du lịch cũng có những chuyển biến bước đầu.

Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, Tuyên Quang vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển văn hóa - xã hội. Về giáo dục, các bậc học, ngành học được phát triển cân đối. Hệ thống trường, lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Năm 2001 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2003 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Từ năm 2002, toàn tỉnh thực hiện chương trình phổ cập bậc trung học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, đến nay 97/100 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Các hoạt động văn hóa - thông tin được tập trung cho cơ sở, 80,2% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 74% thôn, bản đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa, 90% dân số được phủ sóng phát thanh, 80% dân số được phủ sóng truyền hình. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, với nhiều nỗ lực cố gắng, đến nay, tỉnh không còn hộ đói và cơ bản xóa xong nhà dột nát cho các hộ nghèo. Vấn đề lao động việc làm đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong 5 năm đã tạo được việc làm cho trên 44.400 người, trong đó xuất khẩu lao động 1.900 người. Đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và từng bước được nâng lên.

PV: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết những mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV để đưa quê hương cách mạng vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Vấn đề các đồng chí đặt ra cũng chính là sự trăn trở thường nhật của các cấp lãnh đạo, của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đó cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất tại Đại hội Đảng cấp cơ sở, cấp huyện, và tại Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng bộ chúng tôi. Phương hướng chung mà Đại hội đặt ra là: Tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2010, tỉnh Tuyên Quang có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp. Phương châm của chúng tôi được tựu chung trong 12 chữ "chớp thời cơ, đột phá mạnh, liên kết rộng, hợp tác sâu". Động lực của chúng tôi là truyền thống lịch sử văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2010 mà Đại hội đã quyết nghị: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 14%; GDP bình quân đạt trên 740 USD/người. Tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 trên 7.000 tỷ đồng. Đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng bình quân 27%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp tăng bình quân trên 7%/năm. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân trên 16%/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 32 vạn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 27 triệu USD, tăng bình quân 18%/năm. Thu hút trên 500.000 lượt khách du lịch đến Tuyên Quang. Trên 85% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Mật độ điện thoại đạt 9 máy/100 người dân. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 15%. Tạo việc làm mới cho trên 58.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 30% so với tổng số lao động toàn tỉnh; xuất khẩu lao động trên 8.000 người.

Để đạt được những mục tiêu cụ thể đó, Đại hội đã bàn và quyết đáp những giải pháp chủ yếu: Tiếp tục sắp xếp, bố trí lại sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch nhằm phát huy những ngành mà tỉnh có thế mạnh và thị trường đang có nhu cầu đó là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy điện nhỏ; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản. Với một địa phương có tới hơn 4 trăm di tích lịch sử văn hóa, hơn 22 dân tộc anh em, có độ che phủ của rừng vào hàng cao nhất nước, có chất lượng nước khoáng nóng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, thì phát triển du lịch gồm cả ba loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái trở thành tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã chủ trương phát triển mạnh ngành du lịch, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đầu tư phát triển điểm du lịch lịch sử Tân Trào trở thành "Điểm du lịch Quốc gia"; xác định điểm du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là đột phá khẩu của du lịch Tuyên Quang. Trong tương lai, hàng năm, Tuyên Quang sẽ là điểm đến của hàng trăm ngàn du khách. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Quy hoạch và phát triển vùng cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường xuất khẩu. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp theo hướng làm tốt công tác bảo vệ rừng, trồng rừng đi đôi với khai thác, sử dụng rừng hợp lý, tăng thu nhập của người trồng rừng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và huy động sức dân để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Phát triển đào tạo nghề; quy hoạch mạng lưới dạy nghề trong toàn tỉnh. Tăng cường tạo cơ hội cho người lao động có việc làm gắn với đào tạo nghề. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, có cơ chế khuyến khích các tổ chức trong hoặc ngoài tỉnh tham gia đào tạo, xuất khẩu lao động. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, từng bước thực hiện các tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa gắn với tăng cường quản lý nhà nước các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

PV: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết những giải pháp đột phá để Tuyên Quang trong giai đoạn 2005 - 2010 thực hiện được cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Để tỉnh sớm có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp trong giai đoạn 2005 - 2010, tại Đại hội XIV, Đảng bộ tỉnh chúng tôi đã xác định 5 khâu đột phá: Một là: thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch vùng, ngành như giao thông, công nghiệp, du lịch đến năm 2010 định hướng đến 2020; quy hoạch tổng thể cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An; quy hoạch chung và điều chỉnh mở rộng quy hoạch thị xã Tuyên Quang đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; quy họach, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Hai là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, như chế biến gỗ, chế biến chè, công nghiệp mía đường, sản xuất giấy, chế biến sữa… Đẩy mạnh phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng; khai thác và chế biến khoáng sản trong đó có khai thác quặng sắt để xây dựng nhà máy luyện gang, thép. Ba là phát triển giao thông vận tải; chủ động, tích cực đề xuất, phối hợp và tạo điều kiện để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh; đồng thời tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là lưới điện, bưu chính- viễn thông. Bốn là tiếp tục xây dựng hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An; các cụm công nghiệp ở huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và các khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Năm là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và của nước ngoài đầu tư vào Tuyên Quang.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Đào Ngọc Dũng
(Thực hiện)