“Lênh đênh” những container rác
Theo Cục Bảo vệ Môi trường, 14 trong số 26 container ắc-quy chì phải tái xuất khỏi cảng Hải Phòng nhưng cũng đã bị buộc phải quay trở lại Việt Nam. Đến ngày 21-3, 14 container này vẫn nằm tại cảng Hải Phòng sau khi bị Cơ quan bảo vệ môi trường của Hồng Kông không cho quá cảnh và bắt quay trở lại điểm xuất phát.
Số container này là của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Móng Cái (có chi nhánh ở Hải Phòng) đã cam kết xuất trả về đúng quốc gia xuất khẩu Nhật Bản. Các cơ quan chức năng của Hải Phòng và Bộ TN-MT đã phải tiến hành các thủ tục cho phép tái xuất theo quy định của Công ước Basel, đồng thời thông báo cho cơ quan thẩm quyền của Công ước Basel ở Nhật Bản và Hồng Kông.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, ắc-quy chì đã qua sử dụng là một trong những loại chất thải nguy hại có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài, nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời.
|
Theo ông Phạm Khôi Nguyên, 14 container nói trên sẽ phải được tái xuất lại Nhật Bản, không được tiêu hủy hoặc tái chế tại Việt Nam. “Trước sau như một, quan điểm của Bộ TN-MT là phải tái xuất những container này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. “ - ông Nguyên nhấn mạnh. Bộ TN-MT cũng đã yêu cầu Sở TN-MT Hải Phòng và Quảng Ninh truy tìm và giám sát chặt chẽ những container chứa ắc-quy chì đang có trên địa bàn để chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, phương án mang tính khả thi nhất cho các bên liên quan là cho tái xuất sang nước thứ ba và thanh lý, xử lý môi trường tận thu nguyên liệu... Về vụ ắc-quy chì phế thải, các doanh nghiệp cho rằng họ chỉ làm dịch vụ theo đúng chức năng sau khi được Bộ chủ quản cấp hạn ngạch tạm nhập tái xuất. Trong vụ việc này, họ không làm gì khuất tất để hưởng lợi.
Chờ được vạ, má đã sưng...!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy là rác thải công nghiêp nguy hại của “thiên hạ” vẫn dễ dàng đổ vào Việt Nam, nhưng để “gửi trả lại nơi sản xuất” là rất khó. Với cách giải quyết lùng nhùng như hiện nay, không biết đến bao giờ toàn bộ số container rác công nghiệp nguy hại trên được tái xuất sau hơn hai lần gia hạn. Trong khi nằm lại ở cảng Hải Phòng, cho dù có đậy kín đến đâu đi chăng nữa, những container rác này vẫn có thể gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, chừng nào chúng còn nằm tại đây mà chưa thể “tái xuất” hoặc có phương án xử lý hợp lý, chừng đó mối lo của người dân cũng như nhà quản lý hãy còn.
Có lẽ cũng cần phải nhắc lại vụ một số doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để nhập khẩu các loại nhựa phế liệu đã qua sử dụng không thuộc danh mục được phép nhập khẩu vào năm 2004. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, nhựa phế liệu được nhập ồ ạt trong các tháng 5, 6, 7 và 8 năm 2004. Chỉ tính trong hơn ba tháng rưỡi (từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8-2004) đã có tổng cộng 344 container nhựa phế liệu với gần 7.500 tấn được nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng !
Theo đánh giá của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2005, xu hướng vận chuyển chất thải và nhập khẩu các công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đang diễn biến ngày một phức tạp. Thời gian qua, việc thực hiện Quyết định số 03/2004/QĐ-BTNMT còn gặp nhiều khó khăn, vì ngoài nguyên nhân chủ quan do ý thức của các doanh nghiệp, một số Bộ, ngành và địa phương chưa quán triệt đầy đủ và bám sát các nội dung của Quyết định. Nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc cấp phép nhập khẩu, quản lý cửa khẩu, quản lý môi trường và chính quyền ở nhiều địa phương đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc ngăn chặn xử lý tình trạng nhập rác thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần ngăn ngừa hữu hiệu việc nhập khẩu chất thải trực tiếp, gián tiếp hoặc ẩn giấu dưới các hình thức trao đổi thương mại khác, đặc biệt là chất thải nguy hại. Có làm được như vậy chúng ta mới ngăn chặn được nguy cơ trở thành bãi thải của các nước công nghiệp phát triển.
Ngày 2-4-2004, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường đã ban hành Quyết định số 03/2004/QĐ-BTNMT về quy định bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhằm đáp ứng các nhu cầu về nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn cho một số ngành sản xuất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa mà vẫn bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường.
|
|