Lời lẽ nào nói lên được niềm thương tiếc, lòng yêu mến, sự cảm phục và tâm tình gắn bó của đồng bào, đồng chí, của bạn bè xa gần trên thế gian này, của bất kỳ ai đã có lần tiếp xúc hay được làm việc với Võ Văn Kiệt!
Dù ở vị thế nào trên con đường đời của mình, từ người chiến sỹ cách mạng thời trai trẻ đến cương vị Thủ tướng, ở ông sự chân thành vì sự nghiệp chung và lòng vị tha đã luôn luôn tạo ra quanh mình sự hội tụ mọi tâm huyết và trí tuệ làm nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành những nhiệm vụ tưởng chừng không sao làm nổi. Song quan trọng hơn thế, ở Võ Văn Kiệt là niềm tin sâu sắc: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Chính niềm tin chân thành này đã tạo ra sự hội tụ Võ Văn Kiệt – một tính cách riêng làm nên chính con người và sự nghiệp của ông.
Niềm tin
Hỏi: Anh tìm ở đâu ra niềm tin ấy?
Đáp: Đơn giản lắm. Mình đi làm cách mạng vì hồi ấy chỉ biết là mất nước thì khổ thôi, không hiểu gì sâu xa lắm đâu, thắng thì chắc hết khổ, còn thua thì chỉ mất cái quần xà-lỏn. Còn anh em trí thức đi làm cách mạng với mình họ giảng giải cho mình nhiều điều lắm, thế nào là mất nước, vì sao mà mất nước, vì thế họ ý thức rõ ràng và sẵn sàng hy sinh tất cả… Yêu nước không là đặc quyền của riêng ai…
Ông đã có lần tâm sự với lính của mình như thế.
Thời chiến, cơ sở cách mạng trong vùng địch hậu ông phụ trách có lúc bị bóc trắng, song niềm tin ấy, sức hội tụ ấy đã thấm sâu vào từng cán bộ, từng người dân – từ bà buôn thúng bán bưng đến những nhà tư sản lớn, trí thức lớn, các nhà tu hành.., để rồi dần dần lại gây dựng lại được tất cả và làm nên tất cả.
Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tháng đầu tiên đầy gian lao sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao người đứng mũi chịu sào là anh Sáu Dân của mình. Khỏi phải kể lại muôn vàn khó khăn và cay đắng sau khi bước ra khỏi chiến tranh khốc liệt mà đường lối khôi phục và xây dựng đất nước còn mang dấu ấn chủ quan, nóng vội, đến mức không một chính sách, chỉ thị hay nghị quyết nào có thể kham nổi tình hình. Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt họp với BBT báo Tuổi Trẻ và gợi ý cách thoát khỏi cơ chế bao cấp năm 1981 - Ảnh tư liệu của Tuổi trẻ
Nhưng niềm tin vào dân và sự hội tụ Võ Văn Kiệt đã vượt ra ngoài mọi giáo điều, đã tập hợp được mọi trí tuệ và nghị lực của cả thành phố, nhờ đó có đủ sức cứu vãn tình thế. Và không bao lâu sau này, Thành phố Hồ Chí Minh đã xứng đáng là một ngọn cờ đầu của đổi mới.
Ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, tên tuổi Võ Văn Kiệt gắn liền với những bước đi quyết định của đất nước thời đổi mới, nêu gương sáng cho mọi tâm huyết, lòng khát khao và ý chí chấn hưng đất nước thời nay và mai sau.
Nói lên điều này chẳng có gì dính dáng đến tôn sùng cá nhân, mà là thừa nhận tính công bằng của sự thật mà đất nước ta đang rất cần để cổ vũ cho mọi tiến bộ và tuyên chiến không khoan nhượng với mọi tha hóa.
Không phải ngẫu nhiên trên thế giới nhiều bạn bè, chính khách, học giả và báo chí tôn vinh ông là một kiến trúc sư của đổi mới ở Việt Nam, là người trong hàng ngũ đi tiên phong tìm đường đưa Việt Nam ra khỏi đói nghèo để phát triển.
Mở cửa ra thế giới
Dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao người con ưu tú Võ Văn Kiệt của mình là một chiến sỹ tiên phong trên mặt trận chống phá mọi thế lực muốn bao vây cô lập Việt Nam. Trên cương vị Thủ tướng, ông đã góp phần xứng đáng của mình đưa đất nước hội nhập vào cộng đồng nhân dân thế giới.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm dân nghèo Phú Yên. Ảnh: NLD.
Ngoài niềm tin sắt son vào bản lĩnh dân tộc mình trong quá trình hội nhập, cần nhấn mạnh tầm nhìn Võ Văn Kiệt - được xác lập từ mọi trí tuệ và thiện chí trong nước và trên thế giới mà ông hội tụ được - đã góp phần quyết định vượt qua mọi định kiến và mở ra một đường lối đối ngoại mới mang lại vị thế quốc tế mới cho đất nước ta hôm nay.
Nói về quan hệ cá nhân, thật hiếm có một Thủ tướng nào sau khi mãn nhiệm lại có nhiều bạn quốc tế là các chính khách lớn, các nguyên thủ tướng từ Á sang Âu như ông.
Nhân tâm thu về một mối
Thấu hiểu nỗi đau của dân tộc mình là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược khốc liệt kéo dài nhiều thế hệ, chịu đựng không biết bao nhiêu sự can thiệp chia cắt từ bên ngoài, Võ Văn Kiệt là người của đoàn kết, của hòa hợp và hòa giải dân tộc. Ở nước ta, có gia đình họ tộc nào không bị chiến tranh chia lìa, ly tán? Có gia đình nào không có người ngã xuống, cho cả phía bên này và phía bên kia?
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc với nhà máy khí điện đạm Cà Mau.
Không phải chỉ ở Viêt Nam, tìm kiếm trong các quốc gia trên thế giới, cũng khó mà thấy được một con người, một nhân cách, một chính khách có được tiếng nói mà người nghe hôm qua còn cầm súng đứng bên kia chiến tuyến hôm nay cũng phải mở lòng lắng nghe? Con người đó, chính khách đó không ai khác là Võ Văn Kiệt, với một suy tư mộc mạc: Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả…
Đơn giản, ông hiểu nỗi đau của dân tộc bằng nỗi đau của gia đình mình, của chính bản thân mình.
Làm thế nào để Tổ quốc yêu dấu của chúng ta có được nhân tâm thu về một mối ? Tổ quốc Việt Nam ta sẽ phát triển ra sao, sẽ có vị thế nào và sẽ đi về đâu trong thế giới này nếu Tổ quốc là của nhân tâm thu về một mối như thế?
Xây dựng Đảng: Nỗi suy tư khôn nguôi
Những năm cuối đời, nhất là từ sau Đại hội X, điều day dứt tâm can Võ Văn Kiệt là nỗi lo và những suy tư của ông về Đảng. Đôi lần ông tâm tình: Nếu coi điều day dứt này là thách thức phải đối mặt, thì đây là thách thức lớn nhất của cả đời mình kể từ khi lớn lên biết làm người. Mọi thách thức đã trải qua không ăn nhằm gì!..
Đứng trước nhiệm vụ mới của đất nước, người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam Võ Văn Kiệt xác định lại cho mình rõ ràng thế nào là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng Đảng đã ghi trên lá cờ của mình: Phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc!
Chia sẻ điều trăn trở day dứt nhất này, không biết bao nhiêu lần ông mời các lính cũ của mình, lúc trong Nam, lúc ngoài Bắc, chỉ để nêu một câu hỏi: Phải đổi mới Đảng như thế nào?
Trong tâm khảm Võ Văn Kiệt, trước sau chỉ một ý nguyện: Đảng phải là đảng của dân tộc – là Đảng Việt Nam! Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói lên từ trái tim mình trước quốc dân đồng bào và thế giới. Nói lên như thế là nói lên tất cả!
Trong các phát biểu chính thức trong Đảng, các bài viết, nhiều lần ông khẳng định: Đi vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoà bình, Đảng phải đổi mới chính mình một cách triệt để: Làm tốt vai trò lãnh đạo, nhất là phải thực hiện tốt hơn nữa phương châm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Với tư duy như vậy, ông đấu tranh không mệt mỏi chống lại bệnh “đảng hóa”, bệnh “cơ cấu” và tư tưởng “nhiệm kỳ”. Ông luôn luôn nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cần người tài đức chứ không cần “cơ cấu” theo lối sắp đặt; đất nước là trường tồn và không có “nhiệm kỳ”, muốn cách mạng thực sự là sự nghiệp của quần chúng thì Đảng phải thực sự làm được nhiệm vụ lãnh đạo, chứ không phải là “đảng hóa”…
Ông coi thực hiện dân chủ trong Đảng là việc đầu tiên phải làm và cũng là điều bức xúc nhất, từ đó sẽ có thể thực hiện được dân chủ trong cả hệ thống chính trị và Việt Nam sẽ có một sức vươn lên mới…
Vài ngày trước khi qua đời, họp mặt với lính cũ, câu chuyện của ông vẫn chỉ xoay quanh câu hỏi: Đổi mới Đảng như thế nào? Ông giục giã: Nói đi, cần gặp ai tôi cũng sẵn sàng. Đi đâu tôi cũng đi! Không thể bỏ cuộc được!
Trong bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chỗ Người dặn: Kháng chiến thành công xong việc phải làm trước tiên là phải lo chỉnh đốn lại Đảng. 39 năm rồi... Có lẽ Võ Văn Kiệt là người nặng lòng nhất với lời trối trăn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
▪ "Tiếng nói cộng đồng: Trái tim và công lý" (14/06/2008)
▪ Báo chí thế giới ca ngợi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (13/06/2008)
▪ Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời (12/06/2008)
▪ Bế mạc Festival Huế 2008 (12/06/2008)
▪ Những giọt máu tình người (09/06/2008)
▪ “Chợ tình” phố núi Kỳ Anh (09/06/2008)
▪ Quận Tân Bình: Tích cực giúp đỡ người sau cai nghiện (07/06/2008)
▪ Việt Nam bị Disney khiếu kiện bản quyền văn hóa phẩm (07/06/2008)
▪ Phó Thủ tướng khen thưởng 5 đơn vị phá vụ vận chuyển hơn 8 tấn nhựa cần sa (06/06/2008)
▪ Tràn lan văn hóa phẩm đồ chơi độc hại (05/06/2008)