Nghị sĩ chuyên nghiệp
Lê Thanh Phong Tại phiên họp thảo luận dự thảo Nghị quyết 05 sửa đổi về dự án, công trình quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội mạnh dạn đánh giá Quốc hội đã giám sát không kịp thời, hời hợt nên đã để xảy ra những sai phạm, tiêu cực hoặc không đảm bảo chất lượng, tiến độ của các công trình. Đại biểu Nguyễn Đình Lộc còn khẳng định có dự án Chính phủ đã báo cáo về các vấn đề liên quan, nhưng Quốc hội không có cuộc họp nào để phân tích đến nơi đến chốn. Một nhận định thẳng thắn khác, là đại biểu Quốc hội không thể thẩm định các dự án, ôm đồm nhiều nhưng không nắm chắc chuyên môn thì không thể thẩm định chính xác.
Cả hai hệ quả trên đều xuất phát từ một tiền đề, đó là đại biểu Quốc hội không chuyên nghiệp. Phần lớn đại biểu là người nắm giữ các chức vụ cao của Chính phủ, của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Với các chức vụ đó, hằng ngày, họ phải giải quyết nhiều công việc thuộc trọng trách của mình, thời gian dành cho trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội rất ít ỏi. Và khi không nắm rõ các vụ việc, thiếu thời gian để xử lý thông tin thì không thể giám sát hoặc giám sát không hiệu quả. Tương tự như vậy, công việc thẩm định và thông qua các dự án chỉ là hình thức một khi đại biểu Quốc hội không kiểm soát được chuyên môn kỹ thuật. Đại biểu Phan Anh Minh không ngại ngần khi nói: "Chúng ta không đủ trình độ quyết định như một nhà chuyên môn. Các đại biểu ngồi với nhau, không biết ý kiến nào đúng". Ngay cả đại biểu Đào Văn Hưng - Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN - cũng dè dặt, trong 5 dự án trọng điểm quốc gia, chỉ hiểu tương đối về dự án thuỷ điện Sơn La. Chính vì lẽ đó nên nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội phải lập hội đồng thẩm định để thẩm định dự án. Đây là cách thức chuyên nghiệp hoá từng bộ phận trong tổng thể không chuyên. Tất nhiên, người ký quyết định và hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm, không phải đổ cho Quốc hội, nói như lời một vị đại biểu là "hoà cả làng".
Tăng cường việc giám sát của Quốc hội là điều dứt khoát. Nhưng đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện việc giám sát đòi hỏi phải có cơ chế đảm bảo tính khách quan và tính chuyên nghiệp. Nhiều vị đại biểu thuộc các cơ quan của Quốc hội hay thuộc các đoàn đại biểu lại là quan chức của Chính phủ, chính quyền địa phương có trực tiếp hoặc liên quan đến các dự án, công trình. Các vị này lại kiểm tra, giám sát chính công việc của mình thì khả năng chí công vô tư rất thấp. Tạo cơ chế tốt để thẩm định, giám sát là cần thiết, nhưng căn bản nhất là xây dựng tính chuyên nghiệp. Đòi hỏi đầu tiên cho công việc này là tăng dần tỉ lệ "nghị sĩ chuyên nghiệp" trong các chiếc ghế của Quốc hội. |