Có khả năng xoá nợ cho ngư dân bị nạn
Các Website khác - 31/05/2006
Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc:
Có khả năng xoá nợ cho ngư dân bị nạn

Tích cực khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất cho ngư dân sau cơn bão số 1, đồng thời điều tra hậu quả thiệt hại của cơn bão là vấn đề mà phóng viên Lao Động đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc. Bộ trưởng cho biết:

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc xem thiết
bị cảnh báo bão của dân.
- Tại thời điểm này, tôi chưa nghĩ đến việc có cần thiết hay không lập một uỷ ban điều tra quốc gia hậu quả thiệt hại do bão số 1 gây ra, Bộ Thuỷ sản (BTS) đang tập trung giải quyết hậu quả của cơn bão và ổn định đời sống, sản xuất cho ngư dân. Tuy nhiên, việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản như cơn bão số 1 vừa qua cũng phải có phần trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan, từ đó rút kinh nghiệm nghiêm khắc ngay từ cơn bão số 2.

- BTS đã làm hết trách nhiệm chưa trong việc quản lý tàu thuyền đánh bắt xa bờ và cảnh báo cho ngư dân về công tác phòng, chống lụt bão?

- Ngày 8.3.2006, BTS đã có Chỉ thị 02 về công tác phòng, chống lụt bão năm 2006, yêu cầu tại những địa phương, khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra bão lũ, các sở thuỷ sản cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với hệ thống duyên hải và bộ đội biên phòng ven biển về thông tin liên lạc, chủ động xử lý các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Tuy nhiên, đối với ngư dân trên biển hiện nay có tình trạng nằm ngoài "tầm với" của BTS là hệ thống thông tin cảnh báo từ đất liền rất hạn chế.

- Qua cơn bão số 1 cho thấy việc cứu hộ vẫn mạnh ai nấy làm, chưa có một tổng chỉ huy thống nhất? Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Tôi không cho rằng như vậy. Ngay sau khi cơn bão xảy ra trong cuộc họp chiều ngày 20.5, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp các đơn vị liên quan chỉ đạo, khắc phục hậu quả. Trước đó, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) do Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó Chủ tịch Uỷ ban - đã kịp thời chỉ đạo công tác cứu hộ. UBQGTKCN là cơ quan chỉ huy cao nhất việc tìm kiếm, chứ không phải là không có chỉ huy. Công tác cứu hộ đã kịp thời vì khi biết có ngư dân gặp nạn là chúng ta triển khai làm ngay, nhưng việc biết của chúng ta là chậm. Thêm vào đó, phương tiện cứu hộ cũng còn thiếu, nếu có phương tiện hiện đại như trực thăng dẫn đường thì tàu sẽ không phải "bò" với tốc độ 20 hải lý/giờ.

- Việc tổ chức lại sản xuất cho ngư dân sau bão số 1 được BTS quan tâm đến đâu?

- Vấn đề là không chỉ là đào tạo nghề, mà còn phải tạo công việc cho những lao động trong gia đình đã không còn lao động chính. Giải pháp khoanh nợ, xoá nợ là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay để giúp ngư dân có thể trang trải nợ nần, sửa chữa tàu bè để tiếp tục ra khơi... Còn những tàu đã bị đắm, Nhà nước cần xem xét những trường hợp cụ thể, có thể giúp đỡ về thủ tục giải quyết bảo hiểm (nếu chủ tàu mua bảo hiểm), nếu họ vay vốn thì được giải quyết để khoanh nợ, xoá nợ. Việc này, Chính phủ phải có một chỉ thị như Chỉ thị 985 khắc phục hậu quả, cải thiện đời sống cho ngư dân trong cơn bão số 5 năm 2001 tại Cà Mau.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Hồng Quân thực hiện