Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Các Website khác - 15/10/2005
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Ðảng (15-10-1930 - 15-10-2005) và  sáu năm Ngày Dân vận của cả nước, bà Tòng Thị Phóng, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, đã có cuộc trả lời phỏng vấn về công tác vận động quần chúng kể từ khi có Ðảng, nội dung như sau:

PV: Thưa bà, xin bà cho biết, vì sao ngày 15-10 lại được Ðảng, Nhà nước ta lấy làm Ngày Dân vận của cả nước? Ý nghĩa của ngày này là gì?

Bà Tòng Thị Phóng: Cách đây 75 năm, ngay sau khi Ðảng CS Việt Nam được thành lập, Hội nghị T.Ư lần thứ nhất của Ðảng đã họp và thông qua Luận cương Chính trị, Ðiều lệ Ðảng và Nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động (địch vận), vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Nghị quyết của T.Ư đã chỉ rõ "Trong các Ðảng bộ (từ thành và tỉnh ủy) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động" để làm công tác vận động và giác ngộ quần chúng đứng lên làm cách mạng. Từ tháng 10 - 1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Ðảng ra đời bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận và Mặt trận phản đế. Ðây là những tổ chức tiền thân đặt nền tảng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Ðảng và hệ thống chính trị.

Từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn nói trên, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15-10 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Ðảng. Ðồng thời, ngày 15-10 cũng là ngày bài báo Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật số 120, ra ngày 15-10-1949. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày bài báo Dân vận ra đời, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là Ngày Dân vận của cả nước. Ngày 15-10 hằng năm trở thành Ngày truyền thống công tác Dân vận của Ðảng, Ngày Dân vận của cả nước, đang đi vào đời sống chính trị của Ðảng và nhân dân, động viên và nhắc nhở trách nhiệm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và đội ngũ cán bộ công tác Dân vận của Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị làm tốt hơn chủ trương của Ðảng và lời dạy của Bác Hồ.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết, tư tưởng chủ đạo chi phối mạnh mẽ, toàn diện công tác vận động quần chúng của Ðảng ta trong suốt 75 năm qua và những bài học kinh nghiệm của công tác dân vận?

Bà Tòng Thị Phóng: Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Ðảng, công tác dân vận đã gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Ðảng CS Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp của Ðảng và nhân dân ta. Song, trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, Ðảng ta đã vận dụng rất sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đề ra đường lối, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng một cách phù hợp và hiệu quả.

Ngay sau khi thành lập, Ðảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành ngay bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Các đảng viên của Ðảng đã đi vào các giai cấp, các tầng lớp nhân dân để tuyên truyền vận động. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, bằng mục tiêu, đường lối vận động quần chúng đúng đắn, phù hợp, Ðảng ta đã phát động và tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào như: Xô-viết Nghệ Tĩnh; Mặt trận Việt Minh. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Ðảng đã có những kinh nghiệm sáng tạo về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân". Ðó là bước phát triển mới của công tác dân vận trong điều kiện Ðảng lãnh đạo chính quyền vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Lực lượng vũ trang nhân dân đã trở thành lực lượng quan trọng trong công tác dân vận của Ðảng.

Sau gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận của Ðảng đã có những bước đổi mới một cách cơ bản cả về quan điểm, nhận thức, nội dung, phương thức hoạt động, đến tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, góp phần quan trọng vào thành tựu công cuộc đổi mới. Ðảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Nghị quyết T.Ư 8 (khóa VI) ngày 27-3-1990 về "Ðổi mới công tác quần chúng của Ðảng, tăng cường mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân" là sự tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Ðảng. Nghị quyết nêu lên bốn quan điểm chỉ đạo công tác quần chúng của Ðảng trong thời kỳ mới mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Ðộng lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng. Công tác quần chúng là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Qua các thời kỳ lịch sử, Ðảng, Nhà nước ta đã khẳng định vấn đề đại đoàn kết dân tộc của Ðảng là tư tưởng chủ đạo, hạt nhân chi phối công tác dân vận của Ðảng 75 năm qua. Công tác vận động quần chúng của Ðảng đã để lại những kinh nghiệm quý báu, đó là: Luôn luôn tin tưởng vào lực lượng và sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức, tập hợp, hoạt động và vận động nhân dân phù hợp chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cách mạng. Có những hình thức đa dạng, phong phú trong việc vận động, tổ chức và tập hợp quần chúng nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng phải phù hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành, địa phương, cơ sở và trong từng giai đoạn cách mạng.

Công tác dân vận phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước gắn với việc chăm lo và bảo vệ lợi ích của quần chúng nhân dân; động viên được đông đảo nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng đất nước phát triển bền vững. Công tác dân vận phải luôn gắn bó mật thiết với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin". Quan tâm chính sách, chế độ với người cán bộ dân vận...

PV: Ðể thực hiện tốt công tác dân vận của Ðảng thời gian tới, theo bà, cần tập trung nhiệm vụ chủ yếu gì?

Bà Tòng Thị Phóng: Ngày nay, bước vào thời kỳ mới, Ðảng đã chỉ rõ những thuận lợi và tiềm năng to lớn của nhân dân ta để tiến hành CNH, HÐH đất nước. Trước mắt chúng ta còn không ít khó khăn và thử thách, đó là: ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình hội nhập đang từng ngày, từng giờ có thể làm nảy sinh tiêu cực với mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, những mặt yếu kém trong hệ thống chính trị chậm được khắc phục. Các thế lực thù địch bằng diễn biến hòa bình đang tìm mọi cách chống phá, hòng xóa bỏ CNXH trên đất nước ta. Ðảng đã khẳng định: Ðại đoàn kết toàn dân là "đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội".

Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của công tác dân vận trong thời kỳ mới, hệ thống công tác dân vận của Ðảng các cấp phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các ngành, để tham mưu cho Ðảng chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và tư tưởng dân vận của Bác Hồ, trong hệ thống chính trị, trước hết là trong đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Tập trung cao cho việc triển khai học tập Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X sắp tới của Ðảng; đồng thời phải chủ động cụ thể hóa nghị quyết thành những chương trình hành động cụ thể, sát thực với địa phương, cơ sở để sớm đưa Nghị quyết X của Ðảng đi vào cuộc sống.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Về công tác dân tộc; Về công tác tôn giáo".

4. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nền nếp quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; cùng phối hợp để làm tốt công tác dân vận của chính quyền; bảo đảm dân chủ và kỷ cương xã hội; tạo môi trường thuận lợi để các cơ sở, các thành phần kinh tế ổn định và phát triển.

5. Tham mưu cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư sớm bàn về công tác vận động và xây dựng giai cấp công nhân trong tình hình mới. Bàn về vấn đề nông dân, xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ CNH, HÐH và sau khi tổng kết Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) "về công tác thanh niên trong thời kỳ mới" sẽ bàn nhiệm vụ tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

6. Phối hợp tham mưu cho cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

7. Tiếp tục đổi mới và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến thật sự công tác đoàn kết tập hợp nhân dân và thi đua yêu nước ở các đơn vị công tác và các địa bàn dân cư. Chăm lo bồi dưỡng cán bộ dân vận, Mặt trận và các đoàn thể ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới.

8. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, phương thức vận động quần chúng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận với mục tiêu sát với yêu cầu của thực tế, hướng mạnh về cơ sở, với phương châm hành động là "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin".

Công tác dân vận ở thời kỳ mới là hết sức nặng nề. Ðể xứng đáng với lòng tin của Ðảng và nhân dân, đội ngũ cán bộ dân vận sẽ đoàn kết một lòng, cùng nhau kế thừa những kinh nghiệm quý về công tác dân vận, tác phong công tác dân vận của các thế hệ trước, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tận tụy và lăn lộn với phong trào quần chúng, để làm tốt công tác vận động nhân dân, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của cuộc sống để tham mưu cho Ðảng, Nhà nước chăm lo lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Tình hình đó đặt ra cho công tác dân vận của Ðảng hàng loạt nhiệm vụ mới cần phải giải quyết. Ðể công tác dân vận của Ðảng ngày càng tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và để thực hiện ngày một tốt hơn lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận đó là: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

PV: Xin cảm ơn bà.