Xử lý trách nhiệm Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Các Website khác - 17/04/2008

 - Chiều ngày 16/4, Thanh tra TP.HCM đã chính thức công bố kết luận thanh tra trách nhiệm công vụ đối với ông Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM,  liên quan tới vụ nước tương có hàm lượng 3-MCPD gây ung thư.  

>>Điều chuyển công tác Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

>>Đề nghị kiểm điểm GĐ Sở Y tế TP.HCM

Cả 3 lãnh đạo Sở Y tế đều sai phạm  

 

Theo nguồn tin của VietNamNet, trong phần kết luận, Thanh tra TP.HCM cho rằng ngày 10/9/2007, UBND TP.HCM áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “khiển trách” đối với ông Lê Trường Giang là có cơ sở.

 

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM: ông Lê Trường Giang (đứng) và Nguyễn Thế Dũng trong một cuộc họp bàn về VSATTP. Ảnh: Đặng Vỹ   

Bởi lẽ, với tư cách là Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM,  ông Lê Trường Giang đã không tham mưu, tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất Bộ Y tế và UBND TP giải quyết hoặc đề xuất Ban chỉ đạo liên ngành họp thảo luận, đề ra biện pháp ngăn chặn một cách triệt tình trạng nước “đen” xuất hiện tràn lan trên thị trường.

 

Theo Thanh tra, ông Giang chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của chất 3-MCPD, dẫn đến chỉ đạo điều hành theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất nước tương và có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó gây tác hại xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế và vai trò lãnh đạo của cơ quan quản lý.

 

Qua xác minh, Thanh tra TP.HCM cho rằng: Không đủ cơ sở kết luận ông Lê Trường Giang có “ém nhẹm” thông tin hàm lượng 3-MCPD vượt quá quy định.

 

Về những tố cáo liên quan đến dấu hiệu “tham nhũng”, “vụ lợi” khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.., cơ quan thanh tra kết luận: "chưa có điều kiện, tài liệu và chứng cứ để kết luận ông Lê Trường Giang vi phạm". 

 

Tuy nhiên, theo cơ quan này, cần xem xét trách nhiệm ông Lê Trường Giang khi ký công văn số 4326/SYT-NVY ngày 16/09/2005 và số 4820/SYT-NVY ngày 17/10/2005 liên quan đến việc gia hạn công bố hàm lượng 3-MCPD.

 

s

Ông Nguyễn Đức An trong một lần đi kiểm tra tại doanh nghiệp sản xuất nước tương. Ảnh: VNN       

Đối với Nguyên Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An, Thanh tra TP.HCM cho rằng với từ tháng 8/2004, ông An được Giám đốc Sở giao làm Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại thời điểm tháng 8/2005 nhưng đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

 

Cụ thể, ông An đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt mức quy định, nhưng ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp phạt bổ sung “tái chế” mà không áp dụng biện pháp “tiêu hủy” là không khả thi, không đúng với Nghị định số 45/CP2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, không giám sát chặt chẽ việc thu hồi, tiêu hủy là xử lý không triệt để, vi phạm khoản 4,5 điều 47 Pháp lệnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003….

 

Ngày 15/04, Chánh Thanh tra TP Lâm Xuân Trường đã ký quyết định chuyển nội dung kết luận thanh tra trách nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM sang UBND.TP. Theo quy trình, lãnh đạo UBND.TP sẽ có buổi họp nghe Thanh tra TP báo cáo, từ đó sẽ có kết luận xử lý chính thức vụ việc này.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức An được giao làm Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đợt 1,2/2007, nhưng lập báo cáo kết quả Thanh tra đợt 1,2/2007 không đúng hoặc không nêu đầy đủ đối tượng thanh tra, không rõ ràng vệ nội dung và hình thức, là thiếu trách nhiệm..

 

Theo Thanh tra TP.HCM, hành vi thiếu trách nhiệm của Chánh thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nêu trên đã gây tác hại xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, uy tín của ngành y tế và vai trò tham mưu quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố. Việc kiểm điểm, xử lý kỷ luật (hình thức “cách chức” Chánh thanh tra Sở Y tế - NV) mà UBND TP áp dụng đối với ông Nguyễn Đức An là có cơ sở.

 

Trường hợp ông Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HMC với tư cách là Giám đốc Sở từ tháng 12/2002, trực tiếp phụ trách lĩnh vực thanh tra đã thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ..

 

Theo cơ quan thanh tra, ông Dũng “điều hành còn hạn chế, kiểm tra quản lý không chặt chẽ nên gây tác hại xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, uy tín của ngành Y tế và vai trò lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước thành phố”.

 

Kết luận nêu: ông Nguyễn Thế Dũng tố cáo Lê Trường Giang có dấu hiệu tham nhũng, lạm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật, đặt lợi ích của Doanh nghiệp lên trên lợi ích của người tiêu dùng, của xã hội là chưa đủ cơ sở.

 

Xử lý trách nhiệm nghiêm túc!    

 

Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP xử lý theo hướng xem xét hành vi thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Đức An; kiểm điểm trách nhiệm ông Nguyễn Thế Dũng.    

 

s
Người tiêu dùng từng mất niềm tin vào ngành Y tế..Ảnh: Tuổi Trẻ   

 

Đồng thời, xem xét trách nhiệm ông Lê Trường Giang về việc đã ký các công văn liên quan đến việc gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD.

 

Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị thuộc Sở Y tế...; giao Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố củng cố nhân sự (thành viên thuộc Sở Y tế) và xây dựng Quy chế hoạt động theo kiến nghị của Sở y tế.

 

Ngoài ra, Thanh tra TP cũng kiến nghị UBND.TP có văn bản gửi Bộ Y tế về việc kiểm tra, xem xét xử lý công văn số 607 QLTP-VP ngày 20/09/2005 do Phó Cục trưởng Chu Quốc Lập ký thay Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vì không đúng quyết định số 11/2005QĐ-BYT ngày 25/03/2005 của Bộ Y tế.

 

Đề nghị Bộ ban hành quy chế đình chỉ, thu hồi sản phẩm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó quy định chi tiết về thẩm quyền, mức độ, trình tự thủ tục công bố các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh có vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...