Bất bình đẳng về tình dục là phổ biến
Các Website khác - 07/03/2006
(Inmagine.com)

Chiếm quá nửa dân số và chiếm tới 48% tổng số người trong độ tuổi lao động, phụ nữ đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xã hội Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây của VnExpress cho thấy chị em vẫn còn chịu bất bình đẳng, nhất là trong quan hệ tình dục và công việc gia đình.

Trong quan hệ tình dục với bạn tình và ngay cả với chồng, chị em luôn ở tâm thế thụ động, nhiều khi chấp nhận sự ép buộc. Một phụ nữ đề nghị giấu tên tâm sự: "Cả ngày làm việc cơ quan, tối về lo cơm nước cho gia đình, dạy dỗ 2 con nhỏ, mệt muốn đứt hơi, chỉ muốn ngủ thôi. Nhưng nhiều lúc chồng đòi hỏi dữ quá, chiều ông thì mình thêm mệt mà không chiều thì ông mặt nặng như chì, rồi đá thúng đụng nia, giận cá chém thớt, mình khổ, con cũng vạ lây".

Tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giới và phát triển, đã gọi hiện tượng trên là bạo lực tình dục, một hình thức của bạo lực gia đình. Một cuộc khảo sát mới đây ở Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nội của trung tâm này cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình rất phổ biến và đáng báo động. "Không chỉ ở nông thôn, nơi dân trí thấp mới có bạo lực gia đình, mà ngay thành thị, trong những gia đình trí thức, bạo lực xảy ra thường xuyên, nhưng được che giấu kỹ", bà nói.

Sự bất bình đẳng trong quan hệ tình dục còn thể hiện ở chỗ người chồng có quan hệ ngoài luồng thì dễ được xã hội bỏ qua, gia đình, bạn bè còn khuyên người vợ nghĩ lại vì "đánh kẻ chạy đi, không đánh người trở lại". Còn phụ nữ nếu trót lầm lỡ sẽ được gán ghép cho những từ rất khó nghe như mất nết, lăng loàn và hạnh phúc gia đình của họ rất khó được duy trì.

Sau quan hệ tình dục thì công việc gia đình là lĩnh vực mà chị em bị bất bình đẳng. Nếu sau giờ làm việc, việc là cà quán xá, rủ rê bạn bè làm vài chầu bia, vài ván cờ tướng... của đàn ông là chuyện bình thường thì chị em có gia đình phải sấp ngửa về đón con, cơm nước cho cả nhà. Sau bữa cơm tối, các đấng phu quân được thảnh thơi xem tivi thì chị em phải rửa bát, dọn nhà cửa. "Cũng thương vợ đấy, 9h tối mà vẫn chưa được nghỉ. Tôi muốn giúp, nhưng thấy kỳ quá. Làm việc nhà là thiên chức của mấy bà mà", anh Nam, một kỹ sư điện tử thổ lộ.

Giống như anh Nam, rất nhiều người cho rằng việc nấu nướng, chăm sóc nhà cửa là thiên chức của phụ nữ. Nhưng tiến sĩ Lê Thị Quý thẳng thắn bác bỏ: "Thiên chức chỉ là những gì tạo hóa ban cho phụ nữ và không thay đổi được, ví dụ như sinh con, cho con bú. Còn các công việc không tên trên là do xã hội gán cho chị em, áp đặt họ làm, chứ không phải thiên chức".

Ít được tham gia công tác quản lý cũng là lĩnh vực thể hiện sự bất bình đẳng giới. Mặc dù chủ trương của nhà nước là tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, cơ quan quản lý, nhưng thực tế số nữ giới làm lãnh đạo không nhiều. Trừ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là khả quan (27,3%), còn tỷ lệ nữ giới tham gia quản lý ở địa phương là rất thấp. Cuộc bầu cử HĐND các cấp năm 2004 cho thấy, đại biểu nữ ở cấp tỉnh chỉ chiếm 23,8% (918 người), cấp huyện 23,22% (5.448 người), cấp xã 20,1% (55.968 người). Trong khi đó, chỉ tiêu định hướng của trung ương là 25% ở cả 3 cấp.

Lý giải tình trạng này, nhiều chị em tự nhận mình không có khả năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về giới, nguyên nhân chính là phụ nữ bị chi phối quá nhiều bởi công việc gia đình. Họ phải làm việc nhiều hơn nam giới ít nhất 3-4 tiếng mỗi ngày. Sự bất bình đẳng về công việc nhà, lại phải mất tới 10 năm cho việc sinh đẻ, nuôi con nhỏ, dẫn đến hệ quả người phụ nữ không có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và do đó không được đề bạt.

Làm gì để đạt được sự bình đẳng nam nữ? Câu hỏi này đã được VnExpress trao đổi với một số nhà nghiên cứu. Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt Group, cho rằng cách tốt nhất là vợ chồng phải chia sẻ, giúp đỡ nhau để nữ giới làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người nội trợ. Còn đàn ông cố gắng kiếm tiền, vững chãi để thành trụ cột gia đình. "Bình đẳng không phải là thay đổi vai, phụ nữ phải nói cứng rắn hơn, người chồng thì ẻo lả đi. Mà giúp nhau làm hết thiên chức của mình là bình đẳng nhất", ông Việt nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Thị Quý thì cho rằng để đạt được sự bình đẳng trước hết người phụ nữ phải thay đổi tư duy. Không thể mãi phụ thuộc chồng, núp bóng tùng quân mà phải đối thoại với chồng để tìm được sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình và trong sự nghiệp.

Hồng Khánh