Chứng rong kinh cơ năng
Các Website khác - 04/02/2005
Buồng trứng tổn thương có thể gây rong kinh.

Gọi là rong kinh cơ năng khi bệnh nhân không có tổn thương ở tử cung hoặc buồng trứng; thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm thăm dò (siêu âm, chụp tử cung, định lượng hoóc môn) đều không phát hiện tổn thương.

Rong kinh là tình trạng chảy máu kéo dài từ buồng tử cung, lượng nhiều và có chu kỳ; cũng có thể hiểu là hiện tượng hành kinh kéo dài trên 7 ngày. Nó khác với rong huyết là tình trạng máu âm đạo có thể xuất phát từ buồng tử cung hay chỗ khác, không có chu kỳ, lượng có thể nhiều hay ít. Để phân biệt ra máu kinh nguyệt với ra máu không phải kinh nguyệt, phải dựa vào những hiện tượng thường gặp khi hành kinh như: mỏi lưng, đau lưng trước khi ra máu, lượng máu nhiều vào vài ngày sau chứ không phải nhiều ngay từ ngày đầu, máu không đông, không có cục.

Rong kinh được chia làm hai loại: thực thể và cơ năng. Rong kinh thực thể là hành kinh kéo dài do có tổn thương ở tử cung hay ở buồng trứng như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang. Còn trong rong kinh cơ năng, người ta không tìm thấy tổn thương ở các cơ quan trên, nguyên nhân chính là rối loạn đông máu và rối loạn nội tiết.

Rong kinh cơ năng hay gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động sinh sản, tức là thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. Trong 2 giai đoạn này, các vòng kinh thường không có phóng noãn, không có hoàng thể và không chế tiết progesteron - một chất rất cần thiết để giúp nội mạc tử cung bong gọn, bong triệt để. Trong tuổi hoạt động sinh sản, rất ít khi có rong kinh cơ năng.

Trừ rong kinh do rối loạn đông máu, các trường hợp khác đều có thể cầm máu nhanh sau nạo buồng tử cung. Đối với rong kinh tuổi dậy thì, cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc co tử cung và hoóc môn. Thuốc co tử cung có tác dụng ép các mạch máu của tử cung giống như thắt ga rô và giúp cầm máu nhanh.

Về hoóc môn, tiện nhất là dùng thuốc tránh thai loại viên kết hợp. Liều lượng 1 đến 3 viên mỗi ngày, tùy thuộc vào tình trạng ra máu nhiều hay ít, mới rong kinh hay rong kinh đã lâu. Nguyên tắc dùng hoóc môn là cho liều mạnh rồi giảm dần để tránh gây băng huyết khi ngừng thuốc. Trong trường hợp rong kinh hay tái phát, có thể dùng 3-5 tháng liền, mỗi tháng 10 ngày uống thuốc tránh thai viên kết hợp, ngày 1 viên, bắt đầu từ ngày thứ 16 của vòng kinh.

Đối với rong kinh ở tuổi tiền mãn kinh, việc đầu tiên là nạo nội mạc tử cung toàn bộ, thử giải phẫu bệnh lý mảnh nạo. Sau nạo, bệnh nhân thường cầm máu nhanh sau ít giờ; có nhiều trường hợp hết được rong kinh trong nhiều năm. Nếu xét nghiệm thấy có quá sản nội mạc tử cung và rong kinh tái phát thì nên cho dùng thuốc progestin dự phòng, uống trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 16 của vòng kinh.

Tất cả các trường hợp rong kinh cơ năng phải được điều trị sớm ngay từ lần đầu tiên để đỡ bị thiếu máu và dễ giải quyết được nguyên nhân. Các thiếu nữ nếu để thiếu máu lâu dài thì vùng dưới đồi sẽ bị tổn thương khó hồi phục, dễ rong kinh tái phát nhiều lần hoặc vô sinh do kém hoặc không phóng noãn. Rong kinh tiền mãn kinh nếu không điều trị hoặc điều trị không triệt để có thể diễn biến thành ung thư nội mạc tử cung.

GS Nguyễn Khắc Liêu, Sức Khỏe & Đời Sống