Đời 'gay' ở Trung Quốc
Các Website khác - 07/09/2005
Hai ngôi sao Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh trong
Hai ngôi sao Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh trong "Happy Together", bộ phim nổi tiếng về đề tài đồng tính năm 1997 của đạo diễn Vương Gia Vệ.

Gu Du bị tống tiền, cấp trên trách mắng và suýt cho thôi việc, cha từ, anh chị không thèm gặp. Lý do: anh là người đồng tính.

Gu thiết kế máy cho một công ty ở Thành Đô. Cha anh từng làm giám đốc công ty quốc doanh này và mẹ anh làm việc trong công đoàn của công ty. Anh ở chung phòng tại ký túc xá với một vài đồng nghiệp và thường dùng máy tính riêng để lên Internet sau giờ làm việc.

Một đêm khoảng 6 tháng trước, anh bị bạn chung phòng phát hiện đang vào một trang web cho người đồng tính. Bị căn vặn, ban đầu Gu phủ nhận mình là gay. Nhưng người bạn doạ: Gu phải trả anh ta 5.000 tệ (616 USD) để ngậm miệng, nếu không anh ta sẽ mách với sếp. Gu bối rối, nhưng nghĩ rằng người này chỉ doạ chơi.

Vài ngày sau, anh bị gọi tới gặp người đứng đầu công ty. "Tôi nghe nói anh đã tham gia và các hoạt động đồ truỵ", vị giám đốc tuyên bố. Ông ta dùng từ "shua liu mang". Trong tiếng Trung, từ này bao hàm các loại hành vi từ nhẹ như chửi tục cho đến nghiêm trọng như cưỡng hiếp.

Gu khẳng định không làm gì sai, nhưng khi bị chất vấn, anh thừa nhận mình là người đồng tính và từng lướt qua các trang web của dân gay trong thời gian rảnh. Nhưng, anh khẳng định không xem những trang khiêu dâm.

Ông sếp không quan tâm đến điều này và đe doạ sẽ áp dụng một hình thức trừng phạt. Trước khi điều đó xảy ra, Gu đã phải đối mặt với sự trừng phạt lớn nhất: Vụ việc đến tai cha mẹ anh.

Cha Gu phẫn nộ đến mức tuyên bố từ con. Ông hét lên : "Ước gì mày chưa từng là con tao".

Mẹ Gu thì như bị sét giáng trúng. Bà đổ bệnh và phải nhập viện. Anh chị của anh thì tuyên bố từ nay sẽ không nói chuyện với anh, vì họ "xấu hổ có một người em quái dị".

Tuyệt vọng, Gu Du nghĩ đến chuyện tự tử: "Tôi không thể đi làm được nữa. Mặc dù họ không sa thải tôi, nhưng tôi phải chịu đựng những ánh nhìn lạ của các đồng nghiệp". Cuối cùng Gu bỏ Thành Đô đi Hàng Châu, nơi anh không biết ai và cũng không ai biết anh là "gay".

Hồi tháng 11 năm ngoái, các cơ quan chính phủ ước tính số nam giới đồng tính ở Trung Quốc vào khoảng 5 – 10 triệu. Nhưng các nhà khoa học cho rằng trên thực tế có tổng cộng 30 – 40 triệu nam nữ đồng tính.

Từ năm 1997, luật hình sự Trung Quốc không còn coi quan hệ đồng giới là một tội. Từ năm 2001, đồng tính được các quan chức y tế rút khỏi danh sách các chứng bệnh tâm thần.

Nhưng nhận thức của dân chúng chưa thay đổi là bao. Đa số những người đồng tính được phỏng vấn trong bài báo này đều đồng ý rằng áp lực và sự khổ sở lớn nhất đến từ chính gia đình của họ. "Sếp của tôi không quan tâm đến đời tư của tôi, ngay cả bà cụ hàng xóm cũng không còn tọc mạch nữa. Nhưng tôi không làm thế nào có thể vượt qua bố mẹ mình", Lu Youni, một giáo viên trung học Quảng Châu tâm sự.

Hầu hết các bậc cha mẹ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi con mình lại là gay. Và khi chuyện vỡ lở, đối với họ đó là một cú sốc và sự sỉ nhục rất lớn.

"Thà rằng tôi bị bại liệt, ít ra cha mẹ có thể yêu quý và thông cảm cho tôi. Nếu tôi là người hành tinh khác, ít ra họ còn tò mò về tôi", Gu Du tam sự.

Ít gay dám nói thật với cha mẹ mình. Fei Xue, một chàng trai Giang Tô làm việc trong một cơ quan thuế, rất thân thiết với người cha, vốn là một chuyên gia ngành y. Tin rằng cha mình hơn đa số các bậc cha mẹ khác "không hiểu biết những chuyện này bằng", anh bèn cho cha xem quyển nhật ký, trong đó anh miêu tả cuộc sống nội tâm của mình. Người cha lật từng trang, rồi lặng lẽ ra khỏi phòng.

Ngày hôm sau, cha Fei yêu cầu anh cắt đứt mọi quan hệ với những người bạn đồng tính và cấm anh rời quê đi nơi khác làm việc. "Tôi khuyên những người khác cực kỳ thận trọng khi công khai giới tính của mình", anh thở dài.

Theo truyền thống, người Trung Quốc không bài xích đồng tính luyến ái như các nước theo Cơ đốc giáo ở phương Tây. Đời Hán, nó còn được coi là "sành điệu". Nhưng mặt khác, người Trung Quốc đặt nặng vấn đề duy trì nòi giống. Nếu một người đàn ông đến 30 tuổi vẫn chưa kết hôn, cha mẹ anh ta sẽ lo lắng và còn dành thời gian để tìm vợ cho anh ta.

"Tôi có thể làm gì kia chứ ? Nếu tôi không kết hôn, tôi sẽ làm đau lòng cha mẹ mình. Nếu tôi kết hôn, tôi sẽ làm hỏng đời một người con gái vô tội", Lu Youni, một giáo viên ở Quảng Châu, người cuối cùng đã bị kéo vào vòng hôn nhân, tâm sự.

Một số người tìm kiếm các phụ nữ đồng tính để cả hai tham gia cuộc hôn nhân giả có lợi cho cả đôi bên. Nhưng vì ở Trung Quốc tìm một lesbian khó hơn gay nhiều, đa số phải bước vào một đám cưới không tình yêu, trong đó người vợ không biết chuyện riêng của chồng. Nhiều chàng trai cũng tin rằng nếu cố gắng họ có thể thay đổi khuynh hướng tình dục của mình.

Những cuộc hôn nhân này thường có kết thúc bi kịch. Nhưng chúng cũng giúp làm giảm áp lực đối với các gia đình. Các bậc cha mẹ tin rằng những người con đồng tính của họ không tái hôn vì vẫn còn đau khổ về cuộc hôn nhân trước, và nếu cuộc hôn nhân sản sinh ra con cái, thì càng tốt hơn.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều thanh niên phản đối những sự dàn xếp như vậy vì lý do đạo đức. Họ cho rằng trừ phi người vợ biết rõ tình cảnh của chồng mình khi kết hôn, sẽ là phi đạo đức nếu đưa họ vào những âm mưu được che đậy.

Ngoài ra còn mối nguy hiểm sinh lý. Theo các bác sĩ, những người đàn ông đồng tính phải đóng hai vai dễ truyền virus HIV cho gia đình và cộng đồng hơn.

"Sự phân biệt đối xử làm cho cuộc sống của người đồng tính trở nên rấ khó khăn", Cai Yumao, một chuyên gia y tế ở Thâm Quyến tham gia vào chương trình Nhóm Cầu vồng, chương trình giúp giới gay những vấn đề về sức khoẻ, cho biết. "Vì họ không thể có một cuộc sống tình dục bình thường, một số dễ liều lĩnh hơn".

Cai thừa nhận rằng người đồng tính phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tránh hoạt động tình dục thiếu an toàn. Nhưng ông nhận xét việc đánh đồng gay với AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục là điều hoàn toàn sai lầm: "Nhắm mắt trước sự tồn tại của người đồng tính hay gán tội cho họ đều chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn mà thôi".

Một hiện tượng mới khiến những người đồng tính càng khép mình hơn là sự xuất hiện của các "trai bao" những người không phải đồng tính nhưng quan hệ với "gay" để lấy tiền và thường sau đó quay sang tống tiền họ. Kết quả là xảy ra những vụ cướp của và thậm chí giết người.

Theo Zhang Beichuan, một chuyên gia về vấn đề này ở Thanh Đảo, 38% các gay cho biết đã bị tổn thương vì các cuộc tình, 21,3% bị những bạn tình không đồng tính làm tổn hại và 21% bị tiết lộ thân phận, phải chịu đựng những lời phỉ báng, đánh đập hay bị tống tiền.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng cuộc sống của giới gay ở Trung Quốc nói chung đã được cải thiện và Internet đóng vai trò rất lớn. Những người đồng tính trước đây cho rằng mình là những người khác thường duy nhất trên thế giới, nay đã có thể nhờ các cộng đồng trên mạng giúp đỡ để giúp đỡ, giao lưu hay hò hẹn. Nhiều câu chuyện tình được đưa lên mạng và người ta có thể thấy chuyện tình đồng tính cũng lãng mạn không kém gì tình yêu của những người khác giới.

Các đường dây nóng và trung tâm y tế cũng xuất hiẹn tại những thành phố như Thâm Quyến, Trùng Khánh và Hàng Châu, nơi dân gay có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia tâm lý và y tế. Việc khám HIV và bệnh hoa liễu được tiến hành miễn phí.

Lại nói về Gu Du, anh vẫn chưa từ bỏ hy vọng được bố mẹ chấp nhận. Nhưng mỗi lần anh gọi, họ đều gác máy. Có lẽ anh nên gửi cho họ quyển sách của Li Yinhe, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề đồng tính hay dẫn lời của Wang Xiaobo - người chồng quá cố của Li, cũng là một nhà bình luận có tiếng : "Bất kỳ mối quan hệ tình dục nào lâu dài, bền vững và được xây dựng dựa trên tình yêu cũng nên được tôn trọng. Người đồng tính cần lạc quan trong cuộc sống".

M.C. (theo China Daily)