![]() |
Saskia Schenck với đứa con vừa sinh ở bệnh viện Hochst. |
Nơi vắng vẻ nhất bệnh viện Hochst ở thành phố Frankfurt là khoa sản. Những chiếc giường cho trẻ sơ sinh xếp cạnh nhau, dọc theo tường. Một quả bóng đầy màu sắc im lìm trong căn phòng vắng lặng.
Với hơn 1.000 giường, đội ngũ bác sĩ và bà đỡ, nhưng chỉ với vài ca sinh mỗi ngày, bệnh viện Hochst có sẵn mọi thứ, trừ trẻ sơ sinh.
Tỷ lệ sinh giảm của Đức, cũng giống như phần lớn Tây Âu, đang bước vào thế hệ thứ hai. Điều nay có nghĩa không chỉ những bà mẹ tiếp tục chỉ có 1-2 con, mà số lượng bà mẹ tiềm năng cũng đang giảm.
Việc tái thống nhất với đông Đức, nơi tỷ lệ sinh thậm chí còn thấp hơn phía tây, đã làm vấn đề trầm trọng hơn. Dresden, thủ phủ Saxony thưa dân, phải đóng cửa 43 trường học trong mùa hè qua vì thiếu học sinh.
Đức, giống như một số nước láng giềng, đang không có đủ số người cần thiết để duy trì hệ thống xã hội và cơ sở hạ tầng công cộng hiện đại. "Toàn bộ cơ sở hạ tầng của chúng tôi được thiết kế để phục vụ một dân số lớn hơn", Frank Schirrmacher, biên tập viên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, tác giả cuốn sách bán chạy nhất về các xu hướng dân số ở Đức, cho biết. Schirrmacher và các nhà bình luận khác cho rằng, nếu xu hướng này không thay đổi, thì Đức sẽ là vùng đất của những thành phố những người già, với vùng nông thôn vắng vẻ.
Sự khan hiếm trẻ em đã châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các bệnh viện. Chẳng hạn, một buổi tối, 5-6 cặp vợ chồng tụ tập ở bệnh viện Hochst với hoa quả tươi và nước uống để nghe trưởng khoa sản, bác sĩ Volker Mobus, thuyết phục nên sinh con tại đây. Ông cho biết bệnh viện có đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho các bà mẹ mới sinh, như châm cứu, liệu pháp massage... Hochst không còn phản đối việc sinh mổ mà không vì lý do y khoa như trước nữa.
Số ca đẻ ở bệnh viện này đã giảm từ năm 1995. "Tại tất cả các thành phố của Đức, bạn có thể đóng cửa 20% số bệnh viện mà không ai để ý", ông Mobus nói. "Chúng ta có quá nhiều bệnh viện và giường bệnh".
Ngay cả những gia đình người nhập cư cũng đang có xu hướng có trung bình 1,3 con mỗi thế hệ. Một trong những lý do khiến các cặp vợ chồng không muốn có con hoặc có nhiều con là tài chính. Slobodanka Jovanovic, người Bosnia tới Đức cách đây 13 năm, vừa mới sinh một cô con gái - đứa con thứ hai. Nằm trong khoa sản, cô cho biết sẽ không sinh đến đứa thứ ba. "Chúng tôi không có đủ sự hỗ trợ từ nhà nước", Jovanovic nói. "Hơn nữa, mỗi khi con tôi khóc vào ban đêm, hàng xóm phàn nàn nhiều hơn cả khi chúng tôi tổ chức tiệc tùng hay bật nhạc lớn".
Các cặp vợ chồng còn muốn có nhà riêng, xe hơi và như vậy thì họ không có đủ tiền để sinh con nữa. Về phía phụ nữ, các bà mẹ còn lo ngại sự nghiệp sẽ bị cản trở nếu họ ở nhà quá lâu. Theo luật gia đình, cha/mẹ có thể nghỉ sinh con tới 3 năm rồi mới đi làm trở lại. Tuy nhiên, Schonhoff, thư ký, sắp sinh đôi, cho biết sẽ nghỉ không quá 6 tháng. "Họ sẽ giao cho tôi công việc liên quan đến thư ký khi tôi đi làm trở lại", cô nói. "Nhưng tôi không rõ liệu nó có giống như trước hay không".
Trong bản báo cáo hồi tháng 6, Ngânn hàng Trung ương Đức cảnh báo nước này sẽ phải cắt giảm các dịch vụ công cộng, vì nguồn thu thuế từ dân số đang giảm không đủ để chống đỡ. Bệnh viện Hochst, do hội đồng thành phố Frankfurt quản lý, gặp phải khó khăn tài chính cách đây 5 năm. Khi đó, chính quyền địa phương tuyên bố không thể bù lỗ cho hoạt động của bệnh viện được nữa. Dù không có nguy cơ bị đóng cửa, nhưng Hochst không còn tiền để có những khoản đầu tư mới.
Manfred Haubrock, chuyên gia tài chính y tế ĐH Công nghệ Ứng dụng ở Osnabruck, ước tính số bệnh viện ở Đức sẽ giảm từ 2.200 xuống còn 600 trong 10 năm tới. "Chúng ta sẽ thật may mắn nếu số bệnh viện hiện nay được duy trì", ông Haubrock nói. "Lương thấp hơn, nhiều bác sĩ, y tá giỏi sẽ bỏ nghề".
Saskia Schenck, nhà chiến lược kinh doanh 35 tuổi làm việc cho Mercedes-Benz, cho biết có thể sinh con ở bất kỳ bệnh viện nào. Cô Schenck, người Hà Lan lấy chồng Đức, chọn sinh cậu con trai thứ hai ở Hochst vì bệnh viện này cho phép sinh mổ. Cô cho biết đang tính chuyện sinh thêm đứa thứ ba nữa vì hiện giờ có quá nhiều gia đình chỉ có một con.
Nguyễn Hạnh (theo NYT)
▪ “Lên đỉnh” – chứng chỉ của chất lượng ái ân (21/11/2004)
▪ Liệu “Thủ dâm” thường xuyên sẽ bị “nghiện tình dục”? (21/11/2004)
▪ Người Úc thích lãng mạn hơn sex (21/11/2004)
▪ Bùng nổ… đồng tính trên sân cỏ (18/11/2004)
▪ Hướng tới văn hoá tình dục lành mạnh cho giới trẻ (17/11/2004)
▪ Một số nguyên nhân gây khó khăn trong quan hệ tình dục ở nữ (17/11/2004)
▪ Những bất thường về tinh dịch (17/11/2004)
▪ Chocolate tăng hoạt động tình dục (17/11/2004)
▪ Gay vào giảng đường (17/11/2004)
▪ Điều trị vô sinh cho nam giới bằng kỹ thuật mới (16/11/2004)