(ANTĐ) - Tại nước ta, từ xưa đến nay, tình dục vẫn được xem là một vấn đề nhạy cảm, thậm chí là cấm kị. Vấn đề khẳng định tình dục, quyền được tình dục, quyền bình đẳng tình dục vẫn còn rất hạn chế. Tại hội nghị “Sự trong sáng và tình dục: Mâu thuẫn giữa chuẩn mực xã hội và thực tế cuộc sống” diễn ra trong 3 ngày, từ 16 đến 18-4 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (cũng là lần đầu tiên ở châu á), 500 chuyên gia đến từ khắp thế giới đã thảo luận để khuyến cáo đưa ra cách nhìn đúng hơn về vấn đề này.
Quan niệm về tình dục đang thay đổi
Những năm gần đây, ở nhiều nước châu á nói chung, Việt Nam nói riêng bắt đầu xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều hơn các vụ bê bối về tình dục. Các bê bối này bắt đầu từ những người nổi tiếng như các nghệ sĩ điện ảnh, âm nhạc, chính trị gia... rồi lan dần đến cả những người không nổi tiếng, trở thành một vấn đề “nóng” của xã hội. Nó cho thấy quan niệm của người dân về tình dục ở các nước châu á, ở Việt Nam đang có rất nhiều thay đổi.
TS. Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội, chủ tọa Hội nghị lần này cho biết, nếu như trước đây người ta coi tình dục là những vấn đề riêng tư, không dám thể hiện trước xã hội thì nay có thể thể hiện một cách rất hồn nhiên, công khai. Các đôi trai gái ngày nay nắm tay nhau đi trên đường, ôm nhau, hôn nhau giữa chốn công cộng mà không sợ xã hội phê phán.
Ngay cả đến trinh tiết, sự “trong trắng” trước đây vốn được xem là điều cực kỳ quan trọng của mỗi phụ nữ thì nay dường như cũng đang có thay đổi trong quan niệm.
Cũng vì vậy, thông điệp mà Hội nghị “Sự trong sáng và tình dục: Mâu thuẫn giữa chuẩn mực xã hội và thực tế cuộc sống” muốn gửi đến cộng đồng rằng: mỗi cá nhân có quyền để sống cuộc sống tình dục đúng với mong muốn của mình, nhưng cũng phải có trách nhiệm với xã hội. Ngược lại, xã hội cũng phải có trách nhiệm với từng cá nhân, chẳng hạn những việc liên quan đến cuộc sống tình dục riêng tư của các cá nhân được phơi bày trước công chúng cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, xã hội phải có trách nhiệm trong việc này.
Bác sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, cho rằng: khi quyền sinh sản đã được công nhận là quyền con người thì quyền tình dục cũng cần phải được coi là quyền con người. Điều này được thể hiện ở các quyền không bị phân biệt đối xử, ép buộc và bạo lực, quyền sở hữu toàn vẹn thân thể, quyền bình đẳng (giữa nam giới, phụ nữ và những người chuyển giới)...
Cần được giáo dục, khẳng định về tình dục
Tại Hội nghị, vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là: thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội mạnh mẽ ở châu á những năm gần đây có dẫn đến thay đổi về mặt tình dục hay không? Liệu những thay đổi về tình dục, về cá nhân, tự do cá nhân, quyền cá nhân trong tình dục có phải là những tác nhân thúc đẩy sự thay đổi về mặt kinh tế, xã hội, chính trị hay không? Đối với riêng Việt Nam, vấn đề được quan tâm nhất chính là có nên mở rộng, đẩy mạnh giáo dục tình dục hay không? Và giáo dục tình dục như thế nào để khỏi rơi vào cảnh “vẽ đường cho hươu chạy”.
Bác sĩ Lynne Millier, đại biểu đến từ Australia chia sẻ: “Giáo dục tình dục là một điều vô cùng quan trọng ở đất nước Australia. Chúng tôi tin rằng một đứa trẻ có quyền được biết thông tin, kiến thức về tình dục để có thể tự chọn lựa, sắp đặt được một cuộc sống tốt hơn cho chính mình. Giáo dục tình dục không phải chỉ ở góc hẹp là tình dục giữa nam với nữ (dị tính) mà cả tình dục đồng giới cũng phải được học một cách đầy đủ, để mọi người có được kiến thức tổng hợp về tình dục nói chung.
Cũng theo bác sĩ Millier, ở phương Tây, mọi người có không gian để nói nhiều về tình dục hơn là các nước phương Đông, họ cũng có rất nhiều khoảng trống để mọi người có thể được nói, được thực hành, được thể hiện về tình dục, trong khi ở phương Đông dường như không có khoảng trống để nói về vấn đề này.
Tại nước ta, vấn đề giáo dục tình dục chưa được chú ý. Quan niệm truyền thống vẫn cho rằng, phụ nữ cần phải tỏ ra thụ động và biết kiềm chế trong quan hệ tình dục. Chẳng hạn, trên một website bàn về vấn đề này, rất nhiều bạn gái đặt những câu hỏi tư vấn như:
“Em cũng muốn bảo anh ấy dùng bao cao su, thậm chí em có mang bao cao su theo nhưng rất sợ anh ấy hỏi tại sao em lại có kinh nghiệm thế...”. Theo website này, cần khẳng định quyền của các bạn nữ có một mối quan hệ tình dục đồng thuận, an toàn, thoải mái và không bị phán xét.
Tại Hội nghị, nhà báo Grant McCool, Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng: quan niệm khắt khe hay cấm đoán của các bậc phụ huynh, của xã hội về tình dục ngoài hôn nhân thì ở nước nào cũng có nhưng nếu phụ huynh, cộng đồng cứ ngại ngùng, không giáo dục trẻ thì nạn nhân chính là trẻ vị thành niên.
Nguyễn Phan
▪ Lúc nào cũng gợi cảm (18/04/2009)
▪ Trào lưu nữ sinh đồng tính (15/04/2009)
▪ “Cậu nhỏ” và câu chuyện kích cỡ (13/04/2009)
▪ Khoác "áo mưa" cho cơn "bão" tình dục tuổi 9x (13/04/2009)
▪ Trẻ dậy thì sớm: Mừng hay lo ? (07/04/2009)
▪ Hiểu đúng điều nàng thốt ra trên giường (25/02/2009)
▪ Sở thích trái ngược về sex giữa chàng và nàng (25/02/2009)
▪ “Chuyện ấy” (25/02/2009)
▪ Chuyện “yêu” không có chuẩn chung (25/02/2009)
▪ Đoán ý nàng trong "chuyện ấy" (25/02/2009)