"Từ vô thức, tôi không bao giờ nghĩ mình dám nói về tình dục một cách trắng trợn. Về khía cạnh nào đó, tôi vẫn dùng ý thức để kìm nén, dùng cái khôn ngoan để lấp liếm nó đi..." - Nhà thơ Phan Huyền Thư bày tỏ.
Chị từng nói tình dục là một ám ảnh, điều đó có nghĩa như thế nào?
- Tôi không bao giờ nhìn tình dục là chuyện sinh lý bình thường. Nó là tâm lý, nó là một quyền năng mang ý nghĩa tái sinh luôn luôn khiến người ta phải đợi chờ. Nó kỵ sự đơn điệu và vì thế nó luôn đòi hỏi người ta phải nếm trải, phải sáng tạo.
Nhưng rất ít nhà văn đối mặt với những chuyện nhạy cảm đó sòng phẳng như chị. Làm thế nào để chị có được sự sòng phẳng đó?
- Riêng chuyện này phải thẳng thắn với nhau. Tôi nghĩ nếu cuộc sống tình dục không được cởi bỏ trong cuộc sống thì cũng không bao giờ được cởi bỏ trên trang viết.
Nhiều ý kiến cho rằng cái được nhất của thơ trẻ là đưa tình dục vào văn chương một cách thoải mái nhất, chị nghĩ sao?
- Điều ấy không sai, vì trừ đi một số yếu tố tình dục là căn bản để nhận diện thơ trẻ. Thơ nói về tình yêu, về chuyện gối chăn thời nào cũng có, nhưng để tình dục bước chân mạnh mẽ vào văn chương thì phải tìm ở ngôn ngữ thơ ca hiện đại.
Tại sao thơ trẻ lại có thể thẳng thắn nói về tình dục, thậm chí thẳng thắn đến mức nhiều người thấy "trơ tráo" là vì xã hội không chấp nhận được và đã ngấm ngầm có một sự đồng thuận từ trước.
Căn cứ vào đâu mà chị nói rằng xã hội có sự đồng thuận từ trước?
- Số người đồng tình và ủng hộ thơ trẻ khá đông. Tại sao Vi Thuỳ Linh xuất hiện mà không bị ném đá, phản đối, chẳng phải người ta đã có một sự chấp thuận ngầm với nhau hay sao?
Và ngay từ khi mới xuất hiện, chị đã có ý thức sử dụng sex như một đề tài hấp dẫn. Sex có ý nghĩa thế nào với chị?
- Chuyện tôi viết về sex thuộc về bản năng, nó là ức chế của chính tôi, nhưng tôi hoàn toàn có ý thức về cách diễn đạt những chuyện đó bằng nghệ thuật thi ca ở cấp độ nào.
Tại sao chị lại nói viết sex là nói về ức chế của chính mình?
- Chuyện ấy có gì lạ đâu, đấy là những ức chế thông thường, ai cũng có, nó không phải là ức chế bệnh lý. Và người ta đều phải có cách này, cách khác để giải tỏa nó, tôi giải tỏa bằng ngôn ngữ, thế thôi.
Vậy đến lúc này, văn chương đã giúp chị giải tỏa như thế nào?
- Tất cả những tác phẩm của tôi đều xuất phát từ nhu cầu sống thật, nó ra đời trong quá trình tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Mình là ai, tạng mình thế nào?
Ban đầu tôi cố dùng những thứ kim sa lấp lánh để che đậy những chuyện mà mọi người vẫn coi là vùng cấm. Sau tôi thấy tình dục là một đề tài hấp dẫn nếu nhìn ở khía cạnh văn hóa ứng xử giữa người với người. Khi ấy, tình dục không còn là chuyện vô thức, là nhu cầu sinh lý bình thường nữa, tự nhiên nó có một vẻ đẹp riêng, một vẻ nhân văn riêng.
Khám phá đó của chị xuất hiện từ khi nào?
- Từ khi tôi đọc bài thơ Muộn của Dư Thị Hoàn.
"Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, qua đi, qua đi
Chúng ta sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một chuyện như đêm nay
Sau giây phút êm đềm trên ghế đá
Anh đã quên cài lại cúc áo ngực cho em"
Đó thực sự là cuộc cách mạng đối với tôi trong cách nhìn nhận về sex.
Có khi nào chị nghĩ sẽ viết khác về tình dục như dùng những ngôn từ nhẹ nhõm hơn?
- Tôi nghĩ đó là một sự quanh co. Tôi căm ghét và sợ sự quanh co, lẩn trốn ấy. Phụ nữ muốn bình đẳng, muốn giải tỏa ẩn ức mà không nói ra thì đàn ông không biết để ứng xử lại với mình.
▪ Khóa học đầu tiên nghiên cứu về những người đồng tính. (29/08/2005)
▪ Thanh thiếu niên VN 'quan hệ' lần đầu lúc gần 20 tuổi (26/08/2005)
▪ Sex tràn ngập châu Á (26/08/2005)
▪ Bao cao su dành cho nữ (26/08/2005)
▪ Đau khi quan hệ (25/08/2005)
▪ Tử tự ở thanh thiếu niên (25/08/2005)
▪ Những thói quen ảnh hưởng đến tình dục và sinh sản (23/08/2005)
▪ Quý ông yêu nhan sắc... mình (23/08/2005)
▪ Các ngôi sao đồng tính ủng hộ Mark Feehily (22/08/2005)
▪ Ngực đẹp phải khỏe (20/08/2005)