Phục hồi thiên chức đàn ông
Các Website khác - 24/11/2004

Đàn ông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nòi giống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nhưng trong quá trình phát triển, có nhiều yếu tố tác động khiến đàn ông không làm tròn trọng trách của mình.


Từ tâm sự của những người vợ...

"Mười lăm năm chung sống với chồng, tôi vẫn... còn trinh". Lời thú thật của chị T.D cư ngụ tại Hà Nội khiến bác sĩ phụ trách điều trị ngỡ ngàng và thán phục, bởi chỉ phụ nữ Việt Nam với nền giáo dục truyền thống, chịu thương chịu khó mới chấp nhận đời sống gia đình như thế. Chị cho biết: "Tôi khuyên chồng đi chữa bệnh vì các thông tin gần đây cho biết tình trạng bất lực có thể chữa được và đây là bệnh như các bệnh tim mạch, tiểu đường mà thôi".

Điều đáng nói là chị T.D không phải là trường hợp duy nhất mà các bác sĩ chuyên điều trị nam khoa được tiếp cận! Và cũng chỉ mỗi bác sĩ biết mà thôi.

Chị A.T cư ngụ ở quận 3 (TP.HCM) tâm sự: "Lấy nhau đã 20 năm, thời gian gần đây anh ấy luôn tránh mặt tôi. Nếu có việc cần trao đổi thì chỉ là những câu ngắn gọn. Nghi ngờ anh ấy có "bồ nhí", tôi thuê xe ôm theo sát nút cả tháng trời vẫn không thấy gì. Tôi bắt đầu tỏ thái độ ghen tuông, nói xa, nói gần, kể cả hờn giận nhưng anh ấy chỉ có một thái độ duy nhất: trốn tránh. Một hôm trong lúc đang đi lấy hàng, tôi nhận được điện thoại của chồng bảo đến phòng khám bệnh viện gấp. Vào đến nơi, gặp bác sĩ tôi mới biết anh ấy bị bệnh. Bác sĩ nói: anh yêu cầu tôi báo kết quả chẩn đoán cho chị, để chị đừng nghĩ ngợi lung tung. Anh bị bệnh chứ không có ai khác ngoài chị đâu".

... Đến chuyện trị bệnh

Tiến sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết: "Tuổi thọ con người càng dài thì tần suất bị rối loạn cương càng cao. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong số người thuộc nhóm tuổi 40 - 70, chỉ có 48% là không bị bệnh". Nước ta chưa có thống kê này, nhưng tại phòng khám nam khoa bệnh viện Bình Dân, số bệnh nhân đến điều trị ngày càng tăng: năm 1999 có 500 bệnh nhân thì năm 2003 đã trên 4.500 người. Họ đến để điều trị các bệnh như: rối loạn cương, vô sinh, rối loạn xuất tinh, giãn tĩnh mạch tinh... và một số ít bị rối loạn giới tính. Đa số bệnh nhân tìm đến bác sĩ khi đã mắc bệnh từ 6 tháng đến trên một năm, 8% trong số đó bị bệnh nặng và 56% ở mức độ vừa và nhẹ.

TS Chuyên cho biết thêm nghề nghiệp của bệnh nhân rất đa dạng, từ lao động chân tay, trí óc cho đến doanh nhân. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bệnh nhân khai báo làm nghề dược sĩ và phóng viên. Có lẽ dược sĩ tự mua thuốc uống điều trị, còn phóng viên thì chưa đoán được nguyên nhân (!?). Điểm đáng lưu ý là đến 80% số bệnh nhân đến khám bệnh vì lo lắng cho hạnh phúc gia đình hiện tại. Có 3 trường hợp trên 60 tuổi đến khám và giải thích: "Lớn tuổi rồi, không còn "làm việc đó" nữa. Nhưng cơ thể là một khối thống nhất, nếu một cơ quan bất ổn chứng tỏ sức khỏe có vấn đề nên đến điều trị".

Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội từ 1996 - 2003 điều trị cho 1.200 bệnh nhân. Bác sĩ điều trị cho biết: "Về tư tưởng, bệnh nhân đều lo lắng, chán nản trong cuộc sống và phổ biến nhất là muốn giấu bệnh. Nhưng ngược lại, nhu cầu muốn chữa bệnh của họ rất cao".

Nhu cầu điều trị và thuốc điều trị đã trở thành vấn đề được ngành y tế quan tâm. Thời gian qua, GS TS Trần Quán Anh - trưởng đơn vị điều trị nam học bệnh viện Việt Đức cùng cộng sự đã thực hiện nhiều nghiên cứu thuốc điều trị rối loạn cương dương. Ông cho biết: "Đây là chương trình cấp bộ, giúp Bộ Y tế khẳng định độ an toàn của thuốc nên chúng tôi thực hiện cẩn thận và khắt khe". Một trong những nghiên cứu có kết quả tốt đó là điều trị bằng Levitra. Có 102 người tham gia nghiên cứu là những người có vợ, lộ trình điều trị từ 5 - 10 tuần. Trước khi điều trị, bệnh nhân được kiểm tra chức năng: tim, phổi, gan, mật, thị lực. Tùy tình hình bệnh mà một tuần dùng 2 viên Levitra trong 5 tuần hay mỗi tuần dùng 1 viên trong 10 tuần. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 76,47% đạt kết quả tốt, 13,73% trung bình và 9,8% không kết quả. Thuốc không gây tai biến: tử vong, đột quị, cương đau... Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ nhẹ như: rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau lưng...

Sau nghiên cứu này, GS TS Trần Quán Anh đã trình kết quả lên Bộ Y tế và đề nghị cho phép nhập thuốc điều trị. Levitra là thuốc được Liên minh châu Âu (EU) cho phép lưu hành từ tháng 3/2003. Đến tháng 8/2003, đến lượt Cơ quan thực - dược phẩm Mỹ FDA cho phép lưu hành thuốc này. Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành từ 6/10/2004. Đến khoảng tháng 12, bệnh nhân sẽ có thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần có chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ chuyên về nam khoa còn phát hiện những yếu tố "tham gia" làm giảm... khí thế đàn ông như: hút thuốc lá, uống rượu, bị các bệnh tim mạch, tiểu đường, thất nghiệp (mất uy tín đối với vợ con), liệt dương khi ngoại tình (lo sợ bị bắt gặp, sợ có con...). Do đó, để phòng bệnh từ xa, quý ông nên tránh các yếu tố nguy cơ nêu trên và nếu tình trạng không cải thiện thì nên đi điều trị tại phòng khám nam khoa bệnh viện Bình Dân.

(Theo CNTD)