Sức khỏe sinh sản vị thành niên
Các Website khác - 15/01/2005

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ người nạo thai ở độ tuổi vị thành niên cao nhất thế giới. Đó là một thực tế đáng buồn. Dự án Sức khỏe sinh sản vị thành niên do Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Mỹ, phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Anh, Báo Mực Tím và Báo Yêu Trẻ thực hiện bắt đầu từ tháng 6-2002 đến nay đã kết thúc.

Mục đích của dự án là nhằm nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ ở độ tuổi vị thành niên khu vực đô thị. Sau một thời gian dài thực hiện, dự án đã thu được những kết quả nhất định đồng thời cũng mở ra nhiều vấn đề cần sớm thực hiện.

Nói “không” với tình dục không mong muốn

. Vấn đề:

Có nên đưa giáo dục giới tính vào trường học? Đây là cách “vẽ đường cho hươu chạy” hay cách giúp các em tự bảo vệ mình bằng sự hiểu biết?

Qua khảo sát, những người thực hiện dự án Sức khỏe sinh sản vị thành niên thấy một thực tế là gần như không có nguồn tài liệu, các chuyên đề truyền thông hướng tới các bậc cha mẹ. Cần phải thức tỉnh trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với việc hướng dẫn, chia sẻ với các con mình những kiến thức về giới tính. Vì vậy, Báo Yêu Trẻ đã mở chuyên mục Giúp con tập làm người lớn với thông điệp chính là hãy trò chuyện cởi mở với các con về vấn đề sức khỏe sinh sản, xây dựng mối quan hệ gần gũi, tin cậy với các con. Còn đối với các em, phải giúp các em nâng cao nhận thức để phòng tránh việc quan hệ tình dục sớm, hiểu được thế nào là tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và chống lạm dụng, quấy rối tình dục. Thông điệp này đã được truyền tải trong chuyên mục Từ bàn tay đến trái tim của Báo Mực Tím với cách thể hiện khá hấp dẫn.

Bên cạnh đó là những cuộc điều tra, khảo sát đối với các độc giả đặc biệt này, đa số vị thành niên được hỏi đều trả lời: Sẵn sàng nói “không” với tình dục không mong muốn. Nhiều vị thành niên đã mạnh dạn và nghiêm túc trao đổi với cha mẹ về các vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản tuy chỉ dừng lại ở một số chủ đề.

Có nên đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào nhà trường?

Thực tế các bậc phụ huynh và thầy cô giáo trong nhà trường còn ngần ngại mỗi khi đề cập đến vấn đề này trước các em, trong khi đó một số nước đã đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ năm cấp 1. Có nên đưa giáo dục giới tính vào trường học? Bởi đa số thời gian các em ở lớp, mà kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng là hành trang cần thiết để bước vào đời, hơn nữa người thầy dạy các em cũng chính là những người cha, người mẹ.

Phụ huynh Đỗ Thị Kim Oanh cho biết: Cậu con trai rất hay hỏi tôi về mọi vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính, cũng may là tôi đọc nhiều sách báo để có thể tự tin trả lời con. Đừng coi thường vì nghĩ rằng chúng còn rất bé, tuổi này đã biết yêu rồi. Con tôi 15 tuổi, rất đẹp trai và luôn nhận được rất nhiều thư kết bạn, thậm chí là bày tỏ tình cảm của các bạn gái. Đám bạn của chúng đã từng xem những bộ phim có nội dung rất “nhạy cảm”. Và nếu như các cháu được trang bị kiến thức này kỹ lưỡng hơn trong nhà trường, trước khi bước vào tuổi thành niên thì cũng đáng hoan nghênh.

Em Hồng Vân (sinh viên ĐH Ngoại thương) có đứa cháu học lớp 8 đã từng tâm sự rằng: “Cô ơi ở lớp con các bạn đã có người yêu hết rồi”. Khi đem điều này kể lại với mẹ cháu, cũng là một giáo viên thì chị gạt đi và cho rằng đó là nhảm nhí và còn quá sớm để nói điều ấy với một học sinh lớp 8. Trong bài học về giới tính năm lớp 9, cô giáo của em cũng không dám giảng nhiều và có lẽ các em cũng ngại khi phải hỏi han trước đông đảo mọi người, nên chăng trong nhà trường có một văn phòng tư vấn, giải đáp những thắc mắc của các em.

Bà Đỗ Thị Mỹ, Tổng Biên tập Báo Mực Tím, cho biết nhiều em phải vào tù khi đang tuổi vị thành niên vì phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Các em đáng thương vô cùng vì bản thân chưa thể ý thức hết được tội lỗi mình gây ra. “Cần phải giáo dục để các em biết tự đề phòng trước sự lạm dụng, cũng như biết kiềm chế mình trước nhu cầu khám phá bản thân”, ý kiến của đại diện Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TPHCM. Đây là việc phải làm nhiều lần, làm tới nơi tới chốn và phải được thể hiện đa dạng hơn trên các phương tiện truyền thông, các cuộc hội thảo, giao lưu. Nhà trường, bậc phụ huynh và các phương tiện truyền thông không được né tránh vấn đề này, phải cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức, tổ chức những chuyên đề giao lưu... Tuy nhiên, phải thể hiện cách nào để đạt hiệu quả cao, không bị phản tác dụng là điều không đơn giản.

LÂM ANH