May rủi khó lường!
Các Website khác - 07/01/2005

Người bệnh nghẹn lời khi bắt đầu câu chuyện với thầy thuốc là hình ảnh rất thường tình trong phòng khám. Hiện trạng đó càng rõ nét hơn nữa khi bệnh nhân thuộc nhóm “lưng dài, vai rộng” mà phải than thở về nỗi khổ của người đàn ông.

Theo thống kê dự kiến, con số nạn nhân sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập niên tới. Vì không dễ nói nên nhiều người đành chọn giải pháp tự điều trị bằng cách không tìm đến thầy mà chỉ chạy theo thuốc. Không hẳn là sai, nếu họ may mắn tìm được thuốc tốt.

Đoạn trường có qua cầu mới hay

Khi đã phải dùng thuốc, mấy ai không mong thuốc hiệu quả nhanh, mạnh và lâu. Điều này đã rõ lại càng rõ hơn nữa trong hoàn cảnh éo le của kẻ bị rối loạn cương (RLC). Đến lúc ngặt nghèo mà gặp thuốc tác dụng vừa chậm, vừa yếu thì còn lời nào tả cho xiết cảnh "đoạn trường ai có qua cầu mới hay".

Chính vì quyết tâm đuổi theo tác dụng mỗi lần "trên báo dưới chẳng thèm nghe" nên những loại thuốc dán nhãn bổ dương vẫn được giới “tuy còn mày nhưng xuội râu” âm thầm ưa chuộng. Cũng vì thế, nên nhiều bài thuốc mệnh danh "gia truyền” được tâng bốc đến mây xanh, được tán dương như thuốc thánh. Điều này không có gì khó hiểu khi khách thử thuốc nếu thất vọng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt", vì mấy ai can đảm đôi co với người bán thuốc, lỡ làng trên xóm dưới biết thì sao.

Cũng vì dễ tin vào lời quảng cáo đường mật nên tê giác bị cưa sừng, nhân sâm bị đào sạch rễ, thậm chí đến con bửa củi tí ti cũng không được tha.

Nhưng rồi sự thật cũng có ngày phơi bày dưới ánh sáng. Nhiều loại thuốc “bổ dương" chẳng bổ bao nhiêu cho người bị RLC. Nhưng không lẽ vì thế mà đành bó tay, bỏ rơi bậc quân tử đang “gục đầu khóc ngoài quan ải”.

Liệu có an toàn?

Từ phát hiện tình cờ trong nghiên cứu vì tác dụng trương mạch và gây xung huyết cục bộ của một số dược phẩm, nhiều loại thuốc đã được "trau chuốt” để điều trị chứng "gãy gánh dọc đường”. Thuốc xây dựng trên cơ chế “bơm hơi tiếp sức", tác dụng đủ để hài lòng một số khách hàng.

Nhưng nếu nơi này ứ huyết thì phải có nơi khác trong cơ thể đành chịu cảnh "thiệt thòi" vì thiếu máu. Nếu xui xẻo, nơi đó lại là cơ tim hay vỏ não thì hậu quả thật khó lường.

Người phải dùng thuốc vì hoàn cảnh đẩy đưa trong lòng khó tránh nỗi áy náy, vì thuốc cho dù có tốt nhưng liệu có an toàn, hay chỉ là lá bài lật ngửa khi khổ chủ đã lỡ vét túi cho ván cuối cùng? Câu hỏi dành cho người phải trông cậy vào thuốc là liệu có nhất thiết phải chấp nhận may rủi đến thế hay không?

Thuốc thế mới là thuốc!

Chính vì thế, một loại thuốc điều trị RLC muốn hội đủ tiêu chuẩn dược lý phải được thử lửa qua nhiều mô hình nghiên cứu khắt khe.

Từ quy trình thống kê MALES (Men's Attitudes on Life Events and Sexuality) (xác minh tác dụng trên nhiều nhóm đối tượng có màu da, tuổi tác, cơ tạng khác nhau), bước qua công trình nghiên cứu PROVEN (so sánh tác dụng trên nhiều nhóm bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp khác nhưng không hiệu quả), cho đến thử nghiệm mang tên ONTIME (chứng minh chính xác thời gian bắt đầu tác dụng), một loại thuốc muốn được các tổ chức quốc tế công nhận và xếp vào nhóm điều trị RLC phải "trầy vi tróc vẩy" mới được phép đến tay người tiêu dùng. Thuốc như thế mới là thuốc!

An toàn hay hiệu quả

Nếu chỉ được phép chọn lựa 1 trong 2 tiêu chuẩn: an toàn hoặc hiệu quả thì thuốc điều trị rối loạn cương dương trước hết phải đảm bảo không gây hại.

Thuốc, nếu đúng nghĩa là thuốc tốt, phải vừa an toàn vừa hiệu quả. Không thể có định nghĩa nào khác.

BS Lương Lễ Hoàng