Teen và sex trong thế giới giải trí: “Bán lúa non”!
Các Website khác - 15/05/2008

Trang web giải trí TMZ (thuộc Tập đoàn Time Warner) viết một cách khôi hài như sau: “Hãng Disney xác nhận Miley Cyrus đã bị rút khỏi danh sách xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên (theo lịch định trước) bởi thảm họa Vanity Fair".

Miley Cyrus với tấm lưng trần trên nguyệt san Vanity Fair số tháng 6/2008

"Miley Cyrus dự kiến xuất hiện trên thảm đỏ nhân dịp ra mắt Disney Channel Games vào thứ sáu tới, nhưng thay vào đó cô sẽ ngồi trong một tòa lâu đài, chải tóc và than thân trách phận trước chiếc gương về thói đời bạc ác của mụ mẹ kế Disney”.

Chuyện gì thật sự xảy ra?

Tất cả đều bắt đầu từ tấm ảnh hở lưng của ngôi sao 15 tuổi đăng trên tờ Vanity Fair tháng 6/2008...

Miley Cyrus là ngôi sao đang lên. Từ khi xuất hiện năm 2006, Cyrus đã bán được bốn DVD, hai CD, video game, một chương trình lưu diễn nhạc đến “cháy vé”...

Bộ phim tài liệu nhạc Hannah Montana and Miley Cyrus: Best of both worlds đã mang lại doanh thu 31 triệu USD chỉ trong tuần đầu tiên công chiếu.

Los Angeles Times cho biết trong năm 2008, doanh số bán lẻ các mặt hàng ăn theo Hannah Montana, từ thời trang, mỹ phẩm, váy, túi xách, dây chuyền, video game, búp bê đến “đồ nghề” spa, có thể lên đến 1 tỉ USD!

Chỉ một tuần trước khi tấm ảnh hở hang của Miley Cyrus xuất hiện như một quả bom trên Vanity Fair (do bậc thầy nhiếp ảnh Annie Liebowitz chụp, khiến có lúc trang web Vanity Fair “chết cứng”!), tờ Publisher's Weekly cho biết cô đào nhí này vừa ký hợp đồng viết về cuộc đời mình; và cô cũng vừa ký hợp đồng trị giá hàng triệu đôla cho việc đóng trong bộ phim nhựa (màn ảnh rộng) Hannah Montana đầu tiên.

Nhiều phụ huynh Mỹ đã chỉ trích gay gắt việc khai thác “bán lúa non” của nguyệt san Vanity Fair nói riêng và giới truyền thông Mỹ nói chung với mức độ ngày càng táo tợn.

Một xu hướng toàn cầu xuất hiện nổi cộm thời gian gần đây: hình ảnh ngây thơ của những cô gái tuổi “lúa non” đang được thương mại hóa một cách đáng báo động (mà giới xã hội học gọi là “sexualized marketing”- tiếp thị nhục cảm hóa).

Tại sao hiện tượng “sexualized marketing” bùng nổ? Joan Jacobs Brumberg - giáo sư phụ nữ học thuộc Đại học Cornell (Mỹ) - cho rằng tình trạng này là sự tương tác phức tạp của những thay đổi trong gia đình, các yếu tố kinh tế và sự phát triển của công nghiệp quảng cáo.

Vấn đề ở chỗ Miley Cyrus - qua hình ảnh Hannah Montana - đang là thần tượng của hàng triệu khán giả thiếu niên lẫn nhi đồng Mỹ (cũng như nhiều nước thế giới).

Cho nên, bức ảnh lưng trần của cô đã trở nên phản cảm và có sức tác hại, đặc biệt ở góc độ giáo dục. Sự tình còn được nhìn ở “biên độ” tiêu cực hơn khi cả bố mẹ Miley Cyrus đều có mặt tại studio nơi tấm ảnh được chụp!

Leslie Goldman - tác giả quyển Locker room diaries: The Naked truth about women, body image and Re-imagining the “Perfect” Body - cho rằng truyền thông, chứ không phải Cyrus, mới là mục tiêu cần lên án.

Thông điệp nguy hiểm mà các cô gái nhỏ tuổi rút ra từ những tấm ảnh tương tự Cyrus, theo Goldman, là “tôi cũng muốn cởi hết để được yêu”!

Nhà tâm lý Peter Kanaris cho rằng sự kiện Miley Cyrus một lần nữa cho thấy yếu tố khai thác tình dục ngày càng trở nên đậm đặc quá mức. “Sex sells” (cái gì liên quan tình dục đều hốt bạc) vẫn là “khẩu ngữ” đúng đối với giới kinh doanh công nghiệp giải trí và quảng cáo.

Và Kanaris đặt câu hỏi: liệu có phải cha mẹ Cyrus đã mờ mắt vì tiền và hí hửng bán đứng con gái mình hay không, bởi một số phụ huynh đang xem con mình là một thứ “vốn”?

Thị trường teen đang được xem là thị trường hốt bộn bạc. Theo Guardian (30/4/2008), nhóm đối tượng 6-12 tuổi tại Mỹ đã chi xài đến 51 tỉ USD/năm, chưa kể 170 tỉ USD được chi cho chúng từ bạn bè và gia đình.

Hiện tượng trên cho thấy một phần cái gọi là tình trạng “giú ép”, khi truyền thông bắt đầu biến lứa tuổi teen trở nên già dặn hơn, quen mắt và quen tai hơn với những hình ảnh hoặc câu chuyện mà trước kia chỉ người lớn mới được tiếp cận.

Trong khi đó, vai trò giáo dục gia đình có phần bị buông lỏng cho xã hội. Còn một số công ty giải trí lại ào ạt lăngxê hình ảnh ngôi sao teen như một cách khẳng định thương hiệu của mình và tạo ra “thương hiệu” cho ngôi sao.

Năm 2006, đĩa phim High School Musical (trong bộ phim cùng tên của Disney sản xuất) trở thành album bán chạy nhất thị trường Mỹ với 3,7 triệu bản.

High School Musical cũng là một trong những sản phẩm thành công nhất trong lịch sử của Disney. Năm 2007, phần hai phim này trở thành tập phim truyền hình cáp được xem nhiều nhất với 179 triệu khán giả (High School Musical 3 dự kiến tung ra tháng 10/2008).

Tương tự, loạt phim truyền hình nhiều tập Hannah Montana (phát sóng lần đầu vào tháng 3/2006) cũng làm tăng thêm thương hiệu Disney đồng thời tạo ra “thương hiệu” Miley Cyrus.

“Những ngôi sao nhí hiện nay được nhào nặn, tiếp thị và tung ra theo cách trước nay chưa từng có” - nhận xét của Janice Page trong bài viết mang tựa “Idol Worship” (Tôn sùng thần tượng) đăng trên tờ Boston Globe Magazine.

Với trợ giúp của công nghiệp truyền thông, công nghiệp giải trí mặc sức thực hiện những chương trình nhắm vào thị trường giới trẻ và đứng đằng sau là sự khuyến khích của các công ty kinh doanh nằm dưới danh nghĩa nhà tài trợ.

Tại Mỹ, nơi có ngành công nghiệp giải trí phát triển nhất thế giới, người ta tạo ra vô số chương trình truyền hình nhắm vào đối tượng vị thành niên mà vô hình trung dẫn đến hiện tượng sùng bái thần tượng hoặc ganh đua để trở thành thần tượng.

Có thể kể: American Idol, America's Most Talented Kid, Star Search, Nashville Star, Making the Band, Popstars, The It Factor, Project Greenlight... Có chương trình chỉ riêng cái tên cũng đã cho thấy “bản chất vấn đề”, chẳng hạn chương trình 30 Seconds to Fame (Chỉ cần 30 giây để trở thành nổi tiếng).

Ở độ tuổi còn chưa chín chắn trong suy nghĩ, hào quang mà truyền thông tạo ra chỉ khiến ngôi sao nhí thêm lu mờ trong định hướng quan điểm sống. Vanessa Anne Hudgens (sinh năm 1988) - nữ diễn viên chính trong High School Musical - đã một phen gây xôn xao khi tháng 7/2007 xuất hiện trong “bộ sưu tập” ảnh nude nhan nhản trên Internet.

Thần tượng khán giả teen một thời Melissa Joan Hart (từng được biết qua màn ảnh nhỏ Việt Nam với bộ phim truyền hình nhiều tập Sabrina the Teenage Witch) cũng khỏa thân trên trang bìa tạp chí nam giới Maxim.

Thậm chí Joss Stone (sinh năm 1987) - ca sĩ Anh từng chinh phục người yêu nhạc với thể loại soul qua chất giọng cực kỳ hoàn hảo (đoạt hai Brit Award và một Grammy), vốn được đánh giá là “ngoan”, đối lập với hình ảnh siêu quậy của thế hệ Britney Spears - cũng gây xìcăngđan với tấm ảnh nude chụp vào trước sinh nhật thứ 20.

Theo Kim Nguyên