Thai phụ tuổi vị thành niên tăng cao
Các Website khác - 23/05/2005

Những người làm công tác giáo dục vẫn cứ loay hoay mãi về nội dung, cách thức đưa giáo dục giới tính vào chương trình chính khóa hay ngoại khóa. Một trở ngại khác, có đến 73% giáo viên dạy môn này chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Trong khi đó, số trẻ em gái đi nạo, phá thai đã tăng lên gấp ba lần so với những năm 1990.

Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình TPHCM lúc nào cũng đông người. Trên băng ghế, một cô bé khoảng 16 tuổi, mặt trắng bệch mệt mỏi, nép mình vào người phụ nữ tuổi khoảng 50, có lẽ là mẹ cô bé, chờ khám thai. Bà mẹ tên N.T.H, ngụ tại huyện Bình Chánh, nói với bác sĩ, vẻ mặt lo lắng: “Con gái tôi 16 tuổi, cách đây 2 ngày cháu cho tôi biết là đã “lỡ” với bạn trai của cháu...”.

Sau Noel, tết, các ca nạo phá thai tăng vọt

Tại Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, mỗi ngày có hàng chục ca đến làm thủ tục khám và xin bỏ thai. Đa số họ đều là những cô gái rất trẻ, tuổi chỉ chừng 15 đến 20.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, một thực trạng đáng quan tâm là sau các ngày lễ như Noel, tết, Ngày Tình nhân... số lượng các ca phá thai lại tăng lên. Theo thống kê của Khoa Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, số lượng thai phụ dưới 18 tuổi đến nhờ “giải quyết hậu quả” bình quân 1 năm khoảng 911 ca. Số liệu thống kê tăng dần theo từng năm. Bác sĩ Diễm Tuyết, Phó trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình, cho biết: So với những năm 1990, từ năm 2001 trở đi số trẻ vị thành niên đến “giải quyết hậu quả” ở đây đã tăng gấp 3 lần.

“Con dao hai lưỡi”?

Hậu quả trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân từ nhà trường: Giáo dục giới tính (GDGT) cho học sinh đang bị bỏ ngỏ. PGS-TS Đào Trọng Hùng, Trung tâm Tư vấn Giáo dục - Tâm lý- Thể chất, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Đề xuất và thử nghiệm giải pháp đưa GDGT vào trường trung học tại TPHCM”, cho biết: GDGT tại Việt Nam chưa được đề cập một cách căn cơ và thường bị cản trở bởi mối lo ngại của không ít người lớn coi đó là... “con dao hai lưỡi”!

Nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tư vấn Giáo dục - Tâm lý- Thể chất đã hỏi ý kiến 327 giáo viên ở các trường THCS, THPT và 182 phụ huynh tại TPHCM về việc có nên đưa GDGT vào nhà trường không. Có đến trên 90% số người được khảo sát đã trả lời đồng tình với việc mời bác sĩ nói chuyện chuyên đề về GDGT và cung cấp tài liệu in sẵn cho học sinh.

Cần một nội dung hoàn chỉnh

Nhóm nghiên cứu đề tài đề nghị đưa chương trình GDGT vào đối tượng học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, bao gồm phần giảng dạy chung cho cả nam sinh, nữ sinh và phần giảng dạy riêng biệt về các vấn đề tế nhị dành cho từng đối tượng. Chỉ có như vậy giáo viên sẽ không tránh né sử dụng các cụm từ chuyên môn và học sinh mới thu nhận được nội dung bài học một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải hỗ trợ và phối hợp với nhà trường để việc GDGT cho học sinh trong trường học, tại gia đình, ngoài xã hội đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh rất đồng tình: “GDGT đã trở nên bức xúc đến nóng lòng. Sắp tới, chương trình khung về GDGT dành cho các cấp lớp sẽ được đem ra bàn bạc một cách cẩn thận trước khi đưa vào áp dụng đại trà. Một ban tu chỉnh các tài liệu về công trình nghiên cứu này sẽ được thành lập để biên soạn sách giáo khoa. Vấn đề đưa GDGT vào chương trình chính khóa hay ngoại khóa không đáng lo ngại, cái cần nhất là một nội dung hoàn chỉnh, phù hợp mà thôi!”.

Bác sĩ nguyễn Thị Ngọc Phượng:

Hầu hết các em còn thiếu kỹ năng sống

Nguyên nhân trực tiếp cần phải đưa GDGT đến với học sinh là do hầu hết các em thiếu kỹ năng sống, nhất là khả năng phòng vệ sức khỏe sinh sản, sự xâm hại tình dục... Lối sống của đa số trẻ vị thành niên khá tự do, một phần cũng do các luồng văn hóa độc hại. Rất nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đến GDGT cho con cái. Nhà trường đã bỏ trống hoặc hời hợt trong GDGT. Ngoài việc đưa GDGT vào trường học, cần tổ chức cho các em học sinh tham gia công tác xã hội, sinh hoạt ngoại khóa... vào những năm học ít thi cử để các em vừa đóng góp cho xã hội vừa tránh thời gian nhàn rỗi. Ngày nay, GDGT được đưa vào trường học một cách nghiêm túc, khoa học và hợp lý sẽ được cả gia đình, nhà trường và xã hội đồng tình hưởng ứng.

Yến Thy - Hữu Nhã