![]() |
Ảnh minh họa |
Giadinh.net - Vì không năng đến phòng khám hay lắng nghe những "trở mình" bất thường của "cô nhỏ", những người phụ nữ này đã phải nuối tiếc, ân hận vì không thể sinh con và làm mẹ.
“Thả” 17 năm vẫn không “đậu”
Khi nhận kết quả khám bệnh, tại phòng khám Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa nghe bác sĩ nói câu đầu tiên: “Chị bị vô sinh thứ phát”, chị Trần Thị N (dân tộc Thái) quê ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã oà khóc nức nở.
Con gái đầu của chị đã 18 tuổi, vợ chồng “thả tự do” suốt 17 năm nhưng chị vẫn không có thai lại. Chị N tâm sự: “Nhà chồng tôi chỉ có mình anh ấy. Độc đinh mấy đời rồi mà tôi cố mãi vẫn không thể có con nữa chứ chưa nói gì đến con trai. Bố mẹ chồng thì luôn miệng bảo: “Không đẻ được nữa tao cho thằng Tào lấy vợ mới”. Uất ức quá tôi mới phải dành dụm tiền lặn lội xuống tận Hà Nội để khám bệnh không ngờ kết quả khám bệnh lại buồn thế này”.
Với chị Trịnh Nguyệt M, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội trước khi đến phòng khám chị đã chuẩn bị tinh thần vì chu kỳ “đèn đỏ” thường kéo dài hàng tháng. Tay nhận kết quả bị u nang buồng trứng, nước mắt chị lưng tròng. Nghe bác sĩ giải thích: “Chị bị u nang buồng trứng khiến hiện tượng phóng noãn không xảy ra, nên chị không thể mang thai” mà tai chị ù đi.
Tuy nhiên theo thông tin chúng tôi nhận được từ các sĩ chuyên khoa thì những căn bệnh này không quá bi đát như suy nghĩ của các chị. Việc có con ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang và bị u nang buồng trứng vẫn có thể xảy ra.
Đối với trường hợp bị u nang buồng trứng kích thước nhỏ chỉ cần dùng thủ thuật chọc nang và trường hợp bị hội chứng buồng trứng đa nang chỉ cần đốt điểm vỏ buồng trứng (chỉ được sử dụng sau thất bại với Metformin), là ổn. Và đến thời điểm này các viện sản trong nước đã thành công nhiều với Metformin và phẫu thuật cắt góc buồng trứng bằng nội soi hoặc mổ hở.
“Tinh binh” gục ngã “trước bình minh”
Sau gần hai năm chung sống nhưng vẫn chưa có “sản phẩm của tình yêu” chị Nguyễn Thị M, phố Lê Lợi, thị xã Phủ Lý, Hà Nam mới nói chồng nghỉ làm cùng đi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để kiểm tra sức khoẻ.
Kết quả khám bệnh khiến chị ngã ngửa: Chị khó thụ thai vì “cô nhỏ” bị viêm, “tinh binh” nhanh chóng bị các độc tố tiêu diệt, chất nhầy ở cổ tử cung lẫn mủ đã ngăn cản các “tinh binh” thâm nhập và “kết bạn” với “nàng trứng”. Thông tin về khả năng có con sau khi chữa trị chỉ chiếm khoảng 5% khiến chị thêm lo lắng.
Ngồi cạnh chị khá lâu nhưng phải mất gần 1 tiếng khi đã qua cơn xúc động chị M mới bắt đầu thổ lộ với tôi: “Tôi biết sức khoẻ của mình có vấn đề nhưng nghĩ không nghiêm trọng nên lần nữa mãi không muốn đến bệnh viện. Tôi tự chữa bằng cách thường xuyên rửa nước muối và cẩn thận dùng băng vệ sinh hàng ngày.
Nhưng không ngờ cả hai cách đó đều làm bệnh nặng thêm. Bác sĩ nói hai biện pháp của tôi là sai lầm vì đều tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển mạnh: Nước muối thì có khả năng giữ ẩm. Còn băng hàng ngày sẽ khiến “vùng kín” không thông thoáng”.
Nước “đặc”, “vận động viên” khó bơi
Chị Đặng Thị Vân A, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình mang bệnh án khác nhưng hậu quả cũng tương tự chị M. Nhưng may mắn hơn chị M là chị A đã có một cháu trai đầu lòng lên 5 tuổi, đang muốn có con thứ hai. Nhưng hai vợ chồng đã “lao động chuyên cần” suốt gần 1 năm vẫn chưa có kết quả.
Kết quả khám bệnh cũng khiến Vân A bị sốc: Chị bị viêm lộ tuyến ở cổ tử cung, khiến nước của “cô nhỏ” đặc lại, cản trở vận động viên “tinh binh” bơi vào “làm tổ”. Vân A tâm sự: “Bác sĩ nói nếu đi khám bệnh sớm khi ống cổ tử cung chưa phình ra thì việc điều trị khỏi hẳn rất đơn giản. Nhưng tôi lại thờ ơ với bản thân mình quá, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng chẳng bao giờ tìm đến bệnh viện
Chẳng may bị sổ mũi, hắt hơi thì cứ làm liều ra hiệu thuốc gần nhà lấy thuốc. Bây giờ, con trai thì còn nhỏ, cả hai bên bố mẹ đều đã già, tôi lại phải lặn lội lên Hà Nội chữa bệnh, vừa mất việc, mất thời gian và tốn kém. Tôi muốn được chữa khỏi để con trai có em cho đỡ đơn độc nhưng không biết sự cố gắng này có kết quả tốt hay không?”.
Chặn đường làm “tổ”
Theo sự mách bảo của nhiều người, tôi có mặt tại phòng khám trên đường Giải Phóng, Hà Nội, nơi được xem là uy tín chữa hiếm muộn. Trong vai người cùng hoàn cảnh, tôi lân la hỏi chuyện một phụ nữ đã luống tuổi đưa con đi khám hiếm muộn tại một phòng khám tư trên đường này.
Người phụ nữ thổ lộ: “Con gái tôi số nó chẳng ra gì. 25 tuổi người yêu bị tai nạn giao thông chết. Mãi 29 tuổi mới đi lấy chồng nhưng ba năm nay vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đi khám bác sĩ bảo tại nó bị tắc vòi trứng. Từ hôm đó đến nay tinh thần nó suy sụp hẳn. Hai mẹ con tôi phải lặn lội từ Sơn La xuống đây khám theo địa chỉ người quen giới thiệu không biết kết quả có đúng như bệnh viện huyện khám hay không”.
Câu chuyện đang dở dang, con gái của bà được bác sĩ đọc tên vào nhận kết quả. Khi trở ra mắt chị đỏ hoe. Gục đầu vào vai mẹ chị Nguyễn Thị H nói qua làn nước mắt: “Kết quả vẫn thế mẹ ạ, không thể sinh con được thì con chết mất. Con sợ lắm, không có con thì con sẽ phải sống thế nào đây. Nhà chồng thì khó tính thế. Với tin dữ này không biết họ ứng xử với con thế nào hả mẹ?...”. Rồi hai mẹ con chị cứ ôm nhau khóc thút thít trước sự chứng khiến của nhiều người ngồi chờ khám.
Ngồi đối diện với chị H là chị Đặng Huyền Tr, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Khi tôi bắt chuyện chị ngửng mặt lên nhìn với khuôn mặt gầy guộc, hai mắt trũng thâm quầng. Chị Tr tâm sự: “Tôi bị tắc vòi trứng đã điều trị bằng phương pháp vi phẫu tạo hình vòi trứng cách đây 1 năm nhưng vẫn thất bại. Bây giờ lên đây khám lại không biết nguyên nhân sẽ là gì nữa đây. Tôi thấy mình đã kiệt sức với khao khát được làm mẹ. Vì muốn có con mà có bao nhiêu tiền tôi đều dồn vào việc “vái tứ phương” không biết sự kiên trì này có cho tôi toại nguyện?”.
▪ Những thứ hỗ trợ cho chuyện ấy (26/03/2008)
▪ Những phiền toái đều đặn (24/03/2008)
▪ Giấc mơ tình dục - Đừng xấu hổ! (21/03/2008)
▪ Quay cảnh “nóng”: Coi chừng! (19/03/2008)
▪ "Yếu" - Nguyên nhân và khắc phục (18/03/2008)
▪ Phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục (16/03/2008)
▪ Đóng thử vợ chồng… (13/03/2008)
▪ Trinh tiết không là số một (12/03/2008)
▪ Tuổi nào trẻ em cần nói chuyện nghiêm túc về tình dục ? (11/03/2008)
▪ Giáo dục giới tính "ảo": Bàn nhiều trinh tiết và đồng tính (10/03/2008)