Tôi bị ung thư vú?
Các Website khác - 07/03/2005

"Tôi 40 tuổi, gần đây ở vú trái có một chỗ cứng nổi lên, sờ không thấy đau. Tôi rất lo lắng vì sợ mình đã bị ung thư vú. Xin bác sĩ cho lời khuyên".

Trả lời:

Khi nhận thấy vú có chỗ cứng, hầu hết phụ nữ đều lo lắng về bệnh ung thư. Tuy nhiên, bạn không nên quá hốt hoảng vì có tới 80-85% cục cứng ở vú là lành tính. Nếu là ung thư thì việc phát hiện ra cục cứng ở vú cũng đã là một bước quan trọng để chẩn đoán và điều trị sớm.

Sau đây là một số bất thường ở vú:

Nang nước: Phình các ống dẫn sữa, tạo nên những túi nước có hình bầu dục hay tròn, nhẵn và chắc, hơi di động khi ấn. Những phụ nữ độ tuổi 40, sắp đến giai đoạn mãn kinh thường gặp nang nước này khi nồng độ hoóc môn dao động. Nang có thể tự biến mất, cũng có khi phải chọc hút dịch với sự hướng dẫn của siêu âm.

Biến đổi dạng xơ nang: Một vùng vú trở nên dày và đau khi sờ nắn, vùng này lẫn vào mô bao quanh và hơi di động khi ấn. Xơ nang vú rất hay gặp ở phụ nữ (khoảng 50%) nên được coi là khá bình thường. Bệnh nhân đau, đám cứng ở vú tăng lên hàng tháng mỗi khi sắp đến ngày hành kinh và giảm sau đó. Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có thể nhận thấy đám cứng tăng lên và đau đớn khi nồng độ các hoóc môn sinh sản dao động. Tổn thương thường thấy ở cả hai bên vú, có thể bị đau âm ỉ và cảm giác căng đầy, dễ nhận thấy nhất ở vùng phía trên và ngoài của vú. Bệnh giảm bớt sau khi đã mãn kinh.

Về điều trị, có khi chỉ cần điều chỉnh lối sống, có khi phải dùng thuốc. Mặc áo nâng ngực vừa vặn, dùng thuốc giảm đau.

U tuyến xơ hóa: Thể hiện là những khối tròn, mật độ chắc, lành tính; xuất hiện do sự tăng sinh quá mức của các mô liên kết và mô tuyến. Những u tuyến xơ hóa này thường không đau, có thể nổi nhô lên hoặc hơi di động khi ấn. Nó có xu hướng to lên khi mang thai, thu nhỏ sau khi đã mãn kinh. Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị tổn thương này, nhưng thường được phát hiện vào độ tuổi 30. Đôi khi u tự nhiên biến mất; nếu kéo dài to ra thì có thể tiến hành mổ lấy u và xét nghiệm để loại trừ ung thư.

Ung thư vú: Một cục cứng nghi ngờ là ung thư thường không đau, rắn và không nhẵn. Nếu dính vào lớp cơ bên dưới thì có thể không di động. Mặt da bên trên có thể kéo lõm hoặc đỏ. Những dấu hiệu khác là vú tiết dịch trong hay có máu; núm vú co kéo hay tụt; vú thay đổi kích thước hoặc có sự thay đổi ở quầng; mặt da lõm, phẳng hay rỗ giống như vỏ cam.

Trường hợp của bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định xem u thuộc loại nào để có hướng điều trị thích hợp.

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống