Đàn ông “xuống sức” từ tuổi 30
Tại các phòng tư vấn sinh lý nam học, ngày càng có nhiều những nam thanh niên độ tuổi sung sức tới nhờ tư vấn về chứng “về hưu” trước tuổi. Theo lý giải, căn bệnh bất lực có thể xảy ra ở những nam giới trẻ tuổi. Đây là hiện tượng mất đi khả năng cương dương (liệt dương) dẫn đến hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.
Bệnh tắt dục nam cũng có những biểu hiện tương tự như chứng bất lực. Nó cũng xảy ra với những nam giới khi sắp bước vào tuổi ngũ tuần. Đó là những biểu hiện của hiện tượng lão suy các tế bào sản sinh ra tinh trùng và các nội tiết tố nam được thực hiện ở hai tinh hoàn.
Căn bệnh này có thể xuất hiện với nam giới trong độ tuổi 30- 40. Ngay trong độ tuổi này, phần lớn đàn ông đã xuất hiện hiện tượng lão hoá các tế bào của tinh hoàn nhưng tốc độ diễn ra chậm, ảnh hưởng một cách không rõ rệt đến sinh hoạt tình dục. Hiểu cho đúng, tắt dục nam là hiện tượng suy giảm từ từ và không đồng đều lượng hormone nam trong cơ thể.
Tắt dục nam cũng có những biểu hiện về thể chất và tinh thần khá giống với mãn kinh ở nữ. Sự suy giảm nội tiết tố nam mà chủ yếu là chất testosterone sẽ gây chứng bốc hoả, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, làm việc mất tập trung, trí nhớ giảm sút. Sự suy giảm này kéo theo các thay đổi về thể chất như cơ bắp không còn được săn chắc, xương bắt đầu trở nên xốp và đặc biệt là giảm hứng thú trong chuyện chăn gối. Thông thường, nếu chồng hơn vợ chừng 7 - 8 tuổi thì quá trình mãn kinh nữ và tắt dục nam sẽ xảy ra khá trùng hợp với nhau. Hiện tượng hài hoà có tính tự nhiên đó khiến cho cả hai cùng tự nguyện chấp nhận sự suy giảm ham muốn tình dục.
Theo các nghiên cứu và điều tra dịch tễ gần đây, nếu một người đã “đến kỳ tắt dục” mà trong khoảng 6 tháng vẫn “sinh hoạt” đều thì nói chung mọi chuyện vẫn ổn. Nếu vượt quá giới hạn này càng dài thì nguy cơ “tắt hẳn” càng lớn. Tốc độ và hiện tượng tắt dục nam cũng có nhiều yếu tố tác động như thể chất, tâm lý, quan hệ gia đình, xã hội và sử dụng thuốc... Có nhiều loại thuốc làm suy giảm hoạt động tình dục cho cả hai giới, đó là loại thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị nhóm steroid, thuốc điều trị trầm cảm, an thần, thuốc ngủ, các bệnh loét dạ dày, chữa bệnh về khớp...
Chạy trốn khỏi “nam mãn”
Theo các chuyên gia tư vấn nam học, trước hết, nếu quan niệm như một thực tế lâm sàng, kiểu như “mãn kinh” trong phụ khoa chẳng hạn, thì rất nhiều thầy thuốc sẽ không nhất trí, đa phần là chính các... bác sĩ nam khoa (andrologist) chuyên trách về nam giới. Bởi việc hết thấy kinh của phụ nữ xuất phát từ sự giảm sút đến mức rất thấp nội tiết tố nữ, có thể chứng minh dễ dàng bằng xét nghiệm, trong khi đàn ông trên 50 tuổi luôn kèm theo những đặc tính khác không kém phần quan trọng cần phải khảo sát, đánh giá. Chưa kể trong thực tế đời thường, không ít những nam giới cao tuổi vẫn bảo lưu “khả năng hành sự” khá tốt, ngay cả khi nội tiết tố nam androgens chỉ còn chưa tới 60%.
“Nam mãn” thường được mô tả như một trạng thái phức tạp xảy ra ở đàn ông trên 50 tuổi, bao gồm những biểu hiện rất đa dạng: Từ cảm giác nóng nảy, bứt rứt (hoặc bức xúc) giống cơn bốc hỏa ở phụ nữ khiến họ trở nên khó khăn, hay quát tháo... cho đến tình trạng mất ngủ, thậm chí trầm cảm... tự “thấy suy yếu” nói chung và trong “chuyện đó” nói riêng.
Ở lứa tuổi trung niên, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đáng kể, như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường v.v... và đều là những bệnh rất dễ xảy ra vào thời điểm nói trên. Chính vì vậy, việc bổ sung nội tiết tố bên ngoài sẽ không đủ khả năng giải quyết “rốt ráo” các triệu chứng khó chịu như trường hợp mãn kinh ở phụ nữ.
Tuy nhiên, nếu androgens thực sự giảm sút, chứng minh bằng kết quả xét nghiệm máu, thì việc phục hồi nồng độ sinh học vừa rất hợp lý, vừa rất có lợi, bởi tổng trạng sẽ được cải thiện rõ rệt, cho dù nhiều khi không hẳn sẽ hoàn toàn “như trước” (thậm chí còn hơn trước) nếu androgens là nguyên nhân duy nhất.
Không nên kỳ vọng quá nhiều vào testosterone, vì chẳng bao giờ có loại thuốc “vạn năng” nào giải quyết được tất cả mọi thứ. Nhưng ít nhất về mặt thể chất sẽ giúp gia tăng khối lượng cơ bắp, giảm mỡ, đồng thời phục hồi “dạ cương” (vào lúc nửa đêm về sáng...) dẫn đến trạng thái sảng khoái, thanh thản, lạc quan... về mặt tinh thần, khiến dễ “cảm thấy hưng phấn”.
Có nên bổ sung hormone sinh dục?
Theo BS Đào Xuân Dũng, chứng suy giảm tình dục ở nam giới từ tuổi trung niên trở đi thường có nguyên nhân từ sự giảm nồng độ hormone nam testosterone. Tuy nhiên, các bác sĩ thường rất thận trọng khi cho dùng hormone bổ sung vì có thể xảy ra nhiều phản ứng phụ.
Từ tuổi tứ tuần, cơ thể giảm lượng testosterone - hormone giúp duy trì ham muốn, tác động đến sản xuất tinh trùng và sự phát triển lông, cơ, xương. Điều này dẫn đến giảm khả năng tình dục. Tuy nhiên, không phải ai cũng bắt đầu “suy thoái” từ tuổi này. Nhiều người đàn ông bắt đầu giảm hormone sinh dục từ rất sớm, độ 35 tuổi, nhưng cũng có người duy trì sự cường tráng đến quá lục tuần.
Sự giảm nồng độ testosterone không chỉ làm suy yếu chức năng tình dục, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Theo các chuyên gia, Hội chứng nam giới có tuổi bao gồm các dấu hiệu sau: béo ra, có vấn đề về giấc ngủ, ít quan tâm đến tình dục, dễ cáu giận, mất hứng thú và sự hăng hái làm việc, có vấn đề về chức năng cương dương, giảm trí nhớ và sự tập trung, không quyết đoán, giảm lòng tự tin, mỏi mệt, teo cơ, đi tiểu khó, trầm cảm, tính khí thất thường, có hiện tượng tiêu xương, rụng tóc.
Mặc dù nguyên nhân của các biểu hiện trên là thiếu testosterone nhưng nhiều thầy thuốc vẫn ngại dùng hormone này cho những người đàn ông “suy yếu” do tuổi tác. Họ rất khó trả lời chắc các câu hỏi: Cách bổ sung testosterone liệu có cải thiện được tình trạng giảm chức năng tình dục không; nồng độ testosterone thấp đến mức nào thì ảnh hưởng đến sức khỏe nam giới; bổ sung testosterone có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Cẩn thận khi điều trị bằng testosterone Theo BS Đào Xuân Dũng, khi lựa chọn điều trị bằng testosterone, cần tuân thủ nhiều quy định: Trước khi điều trị, nên làm xét nghiệm định lượng PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt) và khám trực tràng, định lượng hematocrit (tỷ lệ khối lượng hồng cầu trên máu toàn phần) hoặc nồng độ huyết sắc tố. Bệnh nhân cũng phải cho thầy thuốc biết có hay bị ngừng thở khi ngủ không (nếu không biết chắc thì có thể làm test), có đi tiểu lắt nhắt không. Sau khi điều trị 1-2 tháng, người bệnh phải đến khám lại để báo cho thầy thuốc kết quả điều trị. Cứ 3 đến 6 tháng lại tái khám để đánh giá mức đáp ứng với thuốc. Nếu dùng testosterone đường uống thì phải xét nghiệm chức năng gan. |
Khánh Chi
Theo Giadinh.net