Bỏ chồng thời @
Các Website khác - 09/02/2009
“Vợ chồng là nghĩa keo sơn”, ông bà ta vẫn nói như vậy về sự bền vững của mối quan hệ hôn nhân trong đời sống xã hội. Chính vì xác định sự thiêng liêng, cái nghĩa nặng tình thâm như thế mà ngày xưa hầu như không có chuyện bỏ vợ, bỏ chồng cho dù trước đó hiếm đôi đến với nhau vì tình yêu mà thường chỉ là do cha mẹ sắp đặt. Thời hiện đại, nam nữ bình quyền, hôn nhân được dựa trên mối quan hệ của sự tự do yêu đương, tự do lựa chọn và tự nguyện gắn bó chứ không phải ép buộc như ngày xưa. Ấy vậy mà, đôi khi chỉ một câu “không hợp” là người ta có thể phủi tay, “anh đi đường anh, tôi đường tôi” một cách dễ dàng.

Bỏ nhau vì... cái tủ!

Có ngàn vạn những nguyên nhân khác nhau khiến một gia đình tan vỡ nhưng chung quy lại nếu được hỏi “Tại sao anh/chị ly hôn?” thì có lẽ câu trả lời nhanh nhất vẫn chính là “chúng tôi không hợp nhau”. Có vẻ như lý do “không hợp nhau” là lý do đơn giản, nhanh gọn và thường thấy nhất trong các tờ đơn ly hôn. Thế nào là hợp, thế nào là không hợp? Nếu hỏi câu hỏi này với chủ nhân của lá đơn ly hôn kia thì có lẽ chính họ cũng thấy hết sức mù mờ và cảm tính. Có tiếp xúc nhiều với các vị thẩm phán, những con người đang hàng ngày trực tiếp giải quyết những đơn ly hôn, có nói chuyện thường xuyên với những hòa giải viên, những “thuyết khách” có nhiệm vụ hàn gắn mối rạn nứt trong một gia đình mới biết được rằng, có những vụ ly hôn mà “không hợp nhau” chỉ là lý do ngụy biện. Lý do thật sự của sự tan vỡ này đôi khi đơn giản đến không thể tưởng tượng nổi.

Một vị thẩm phán công tác trên địa bàn tỉnh Nam Định đã kể cho tôi nghe câu chuyện mà chính ông là người trực tiếp thụ lý.

Hai vợ chồng đều là trí thức trẻ và mới cưới nhau chưa đầy 5 tháng nhưng đã lôi nhau ra tòa đòi ly dị. Anh chồng là kĩ sư thủy lợi và chị vợ là giáo viên dạy cấp 2 trường huyện. Trước khi cưới, họ đã có quãng thời gian gần ba năm tìm hiểu. Giống như vô vàn các đôi vợ chồng đòi bỏ nhau khác, lý do ly hôn họ viết trong đơn là “không hợp nhau”. Dĩ nhiên là không thể giải quyết ly hôn với một lý do vô thưởng vô phạt như thế nên tòa án phải tìm hiểu được những nguyên nhân thật sự khiến cho hai con người từng có ba năm thắm thiết thề nguyền sống chết bên nhau đòi đôi ngả chia ly như vậy. Không một ai nói gì, cả anh chồng và chị vợ đều đề đạt nguyện vọng lên tòa án mong được giải quyết sớm.

Sau nhiều lần gặp gỡ riêng từng người, trò chuyện chân tình như một người bạn, một bậc tiền nhân, vị thẩm phán mới biết được nguyên nhân thật sự của việc đòi ly dị đó đơn giản đến bất ngờ, đó là vì... một cái tủ.

Vì mới cưới nhau và ra ở riêng luôn nên kinh tế gia đình của hai vợ chồng còn khá khó khăn. Người chồng muốn chi tiêu tiết kiệm để dành dụm sau này có con sẽ đỡ vất vả hơn về đường kinh tế nhưng cô vợ lại không muốn như thế. Cô nghĩ cần phải sắm sửa đầy đủ các vận dụng để cuộc sống tiện nghi đã rồi mọi chuyện sẽ tính sau. Vì chuyện này mà cả hai đã có nhiều tranh cãi, bất đồng. Mọi chuyện chỉ trở nên đỉnh điểm khi cô vợ muốn mua một chiếc tủ quần áo mới nhưng anh chồng không đồng ý. Anh trách cô hoang phí, trách cô ích kỉ, chỉ biết thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà không biết lo tính cho tương lai. Người vợ cho rằng tất cả những gì mình muốn mua sắm không phải chỉ phục vụ cho nhu cầu của một mình cô ấy mà còn vì bộ mặt của cả gia đình, vì sự thuận tiện cho cả gia đình. Thế là cãi nhau. Trong lúc nóng giận, cô vợ đã nói: “Cứ như thế này thì cũng chẳng thể sống với nhau lâu được, chi bằng ly hôn ngay khi còn chưa ràng buộc nhau về con cái thì hơn”. Ngẫm nghĩ lại, thấy lời vợ nói cũng đúng, anh chồng đồng ý kí vào đơn ly dị.

Ba lần hòa giải đều không thành công, tòa đành phải xử cho họ ai đi đường nấy. Nghĩa phu thê đá mòn sông cạn, tình vợ chồng muối mặn gừng cay, thế mà chỉ vì những lý do nhỏ nhặt tẹp nhẹp cũng đành “anh đi bỏ lại con đường”.

Vì một câu nói lỡ lời

Có những đôi vợ chồng bỏ nhau nhưng trong lòng chưa hẳn đã dứt tình. Một trường hợp ly hôn khác cũng ám ảnh người thẩm phán này.

Người vợ vốn là dân buôn bán còn anh chồng làm bên xây dựng. Hai người đã chung sống với nhau 7 năm và có một con gái 5 tuổi. Từ trước, cả hai cũng đã có nhiều lần xích mích cãi cọ nhưng sau khi anh chồng trở thành thất nghiệp vì công ty phá sản, kinh tế gia đình sa sút thì mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Một mình chị vợ phải đảm đương cả gia đình nên không tránh khỏi những lúc cáu gắt với chồng. Trong khi đó, anh chồng cho rằng mình giờ không còn làm ra tiền được nữa, bị vợ con khinh khi nên lao vào mượn rượu giải sầu.

Một lần, anh chồng đi uống rượu say cho đến tận nửa đêm mới về. Khi về lại còn ói mửa lung tung ra chăn chiếu khiến chị vợ trong lúc không giữ được bình tĩnh đã buông một câu nói chết người: “Anh là thằng đàn ông hèn mạt. Tôi thật ngu xuẩn mới lấy phải cái ngữ anh. Giờ thì tôi đã biết tôi ngu thế nào khi cãi lời bố mẹ không lấy anh X mà đi lấy cái loại như anh”. Và sau đó, là một loạt những so sánh giữa anh với anh X, anh Y, anh Z mà trước đây đã từng theo đuổi chị vợ. Dĩ nhiên, họ sáng láng thế nào, họ khiến vợ con sung sướng ra sao thì anh ngược lại thế ấy.

Dù đang say nhưng người chồng vẫn nghe và hiểu tất cả vấn đề. Tự ái và tự trọng của một người đàn ông đã bị xúc phạm nghiêm trọng. Ngay buổi sáng hôm sau, họ viết đơn ly dị.

Sau này, khi hai vợ chồng nhà nọ đã ai đi đường nấy, vị thẩm phán có dịp được gặp lại chị vợ mới biết được rằng, thực ra, lúc ly hôn, chị vẫn còn yêu chồng rất nhiều. Chị là dân buôn bán nên không thể tránh khỏi đôi lúc chanh chua quá lời. Lời lẽ nặng nề, độc địa như thế nhưng thực ra trong bụng không có gì. Chị thực lòng không muốn ly dị, nhưng lại muốn cho chồng... một bài học, cho chồng thấy rằng “còn lâu anh mới có thể kiếm được một người vợ nào đảm đang, tháo vát hơn tôi”. Anh chồng có lẽ cũng nghĩ rằng “không có cô thì tôi không chết được” nên mới nhất quyết đi đến một kết cục đau lòng như vậy dù bản thân không hề mong muốn. Sự háo thắng, cái tôi cá nhân quá lớn đã khiến hạnh phúc gia đình của họ là vô phương cứu chữa. Cho đến thời điểm vị thẩm phán gặp chị vợ thì cả hai chưa lập gia đình dù đã chia tay một thời gian khá dài.

Gia đình, nghĩa phu thê là điều thiêng liêng trong mỗi con người. Cổ nhân dùng từ “nghĩa phu thê” chứ không dùng chữ “tình phu thê” là bởi vì con người sống với nhau hết tình còn nghĩa. Trẻ là phu thê, già là bầu bạn. Chữ “nghĩa” cao cả là ở đó. Sống trong thời đại mà cơm áo, gạo tiền đều như cuốn con người vào vòng xoáy khốc liệt của nó đã khiến cho nhiều người nhất là các bạn trẻ đôi khi đã quên đi điều cao cả của chữ “nghĩa” này. Với nhiều người, lấy nhau hôm nay, ngày mai có thể ai đi đường nấy mà không hề hối tiếc. Những cuộc hôn nhân theo kiểu “bản nháp” này có thể đem lại cho con người điều gì ngoài nỗi đau khổ, sự tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần cho những đứa con chung? Chỉ hi vọng, mỗi người nhất là các bạn trẻ có thể suy nghĩ thật kĩ trước khi kí vào đơn ly dị. Đó chỉ là giải pháp cuối cùng để kết thúc tất cả theo chiều hướng mà ít người mong muốn nhất.

Theo Phununet