Tuy nhiên, thẩm phán Nguyễn Thị Bông, Phó chánh án tòa án quận Thủ Đức, TP.HCM nói: “Chấm dứt hôn nhân và chia tài sản thì dễ, nhưng chia con chẳng dễ dàng chút nào”.
Cưa hai… là xong?
Theo bà Bông, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong việc giao con cho ai nuôi là ranh giới giữa lợi ích vật chất và tinh thần cho đứa bé đôi khi rất mong manh, khó lòng cùng lúc được cả đôi đàng. Ngoài nguyên tắc con dưới 3 tháng tuổi được ưu tiên giao cho mẹ, thì khi xét đến quyền lợi tốt nhất cho đứa bé, nhiều thẩm phán thường giao trẻ cho bên có khả năng kinh tế (vật chất) vững vàng hơn dù môi trường tình cảm (tinh thần) không bằng bên ngược lại. Chính vì thế, đã phát sinh một nhận thức sai lệch về vấn đề “chia con”; nhất là không ít trường hợp, người bên này đã dùng nghĩa vụ trợ cấp nuôi con để làm áp lực cho phía bên kia phải thực hiện theo ý muốn của mình.
Tháng 5-2003, Tòa án Q.1 xử ly hôn theo nguyện vọng của anh Trần A., ngụ P. Đa Kao (vì anh A. đã có quan hệ với người phụ nữ khác). Tại phiên tòa, lúc đầu anh A. xin được nuôi hai con trai: 9 tuổi và 11 tuổi, không yêu cầu trợ cấp nuôi con từ phía vợ. Nhưng đến khi HĐXX chuẩn bị nghị án, thấy 2 con ở với mình sẽ khó khăn cho quan hệ của mình với “người đến sau”, anh vội vã đề xuất: “Nếu tòa giao hai con cho mẹ chúng nuôi, tôi xin trợ cấp cho 2 con 3 triệu đồng/tháng”, Tuy nhiên, khi thấy điều đó vẫn không làm lung lay suy nghĩ của vợ, mục đích ly hôn của mình có nguy cơ không đạt được, anh A. nói thẳng với tòa: "Con chia 2, mạnh ai nấy nuôi, tôi không trợ cấp một xu nào hết".
Suy nghĩ "cưa đôi" khi chia con như chia tài sản của anh A. không phải là cá biệt. Mới đây, phiên toà ly hôn theo nguyện vọng của chị Hoàng Thi, phó giám đốc một khách sạn, được tòa án Q.Phú Nhuận đưa ra xét xử sau hai lần hoãn lại. Chồng chị Thi là con trai một trong gia đình đông em gái, vốn quen phụ thuộc mẹ. Chị đã tìm cách giúp anh thấy rõ điều đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống chung của vợ chồng, nên từ một hướng dẫn viên du lịch, chị động viên anh sang Úc du học, rồi trở thành trợ lý giám đốc cho cơ quan chủ quản của đơn vị chị.
Những tưởng đi nhiều, biết nhiều sẽ có cách sống tốt hơn, nhưng chồng chị vẫn không điều hoà được mối quan hệ giữa mẹ và tổ ấm của mình. Thậm chí đến khi ra toà, anh còn làm rất nhiều người ngạc nhiên về suy nghĩ sai lệch của một người vốn có ăn học. Lá đơn xin nói thêm cho rõ của anh dày đến 6 trang đánh máy vi tính khổ A4, bố cục 3 phần rõ rệt.
Trong đó, riêng phần thứ 3, nói về vấn đề con chung dài 3 trang, anh còn xin HĐXX cho thêm 5 phút để bổ sung những gì mà 3 phần còn mù mờ, với ý chủ yếu là xin được nuôi một đứa con trai, con gái giao cho vợ. Anh lập luận: “Mỗi người một con, mạnh ai nấy nuôi, khỏi phải trợ cấp cho con suốt 18 năm, đỡ phải rách việc”.
Thực ra, không phải chia hai phần con là xong như suy nghĩ của nhiều người. Theo luật gia Nguyễn Thế Giai, Hội Luật gia Hà Nội, việc vợ chồng thỏa thuận mỗi người nuôi một con chung là căn cứ vào tình hình thực tế, người vợ nuôi con nào, người chồng nuôi con nào thì hợp lý và đảm bảo lợi ích của con cái, chứ không có nghĩa là mỗi bên vợ, chồng chỉ có trách nhiệm đối với đứa con mà mình nuôi dưỡng, không có nghĩa vụ đối với đứa con bên kia nuôi dưỡng. Người vợ hoặc chồng vẫn phải có mọi nghĩa vụ và quyền lợi của người mẹ, người cha đối với đứa con người kia đang nuôi dưỡng, giáo dục.
Trợ cấp nuôi con có thời hạn?
Cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của những người làm cha mẹ không trực tiếp nuôi, nhưng phần lớn các bản án thường chỉ tuyên buộc trợ cấp nuôi con “cho đến khi trưởng thành”, khiến không ít người lầm tưởng trách nhiệm nuôi con là có giới hạn.
Chính vì thế, khi nghe tòa án tuyên giao cả hai con cho chị Huỳnh Tuyết, ngụ phường 2, quận 3 trực tiếp nuôi dưỡng, hàng tháng anh Trần Văn, chồng cũ của chị Tuyết, có nghĩa vụ đến đội thi hành án nộp số tiền 800.000đ phụ cấp nuôi dưỡng 2 con một đang học lớp 9, một đang lớp 12, cho đến khi 2 con trưởng thành, anh Văn đã mừng ra mặt. Theo anh, tuổi trưởng thành mà pháp luật quy định là 18 tuổi, tính ra anh chỉ phải trợ cấp cho đứa nhỏ thêm 4 năm, đứa lớn thêm 2 tháng nữa là tròn 18 tuổi; mỗi năm anh chỉ bỏ ra 5 triệu đồng là… dứt “nợ”.
Nhiều người ở Hóc Môn vẫn còn nhớ chuyện “chạy trời không khỏi nắng” trợ cấp của anh Văn Nhật, cán bộ phòng thuế huyện, dù cách tính toán của anh còn hơn cả “Trùm Sò”. Hơn 10 năm trước anh và chị Nguyễn Thị Tâm tìm hiểu nhau, chị Tâm có thai nhưng anh không cưới. Sau đó nhờ có những chứng cứ xác thực, toà án huyện đã quyết định truy nhận cha cho con, buộc anh Nhật phải trợ cấp hàng tháng 200.000đ để phụ chị Tâm nuôi đứa bé cho đến lúc trưởng thành. Lúc đó còn sống chung với cha mẹ ruột, nên việc thi hành án của anh chưa thực hiện được.
Cách đây 5 năm, anh cưới được một người vợ giàu, có cơ ngơi riêng, công việc ổn định… Thấy vậy, đội THA quyết định cưỡng chế trợ cấp nuôi con. Bị vợ cằn nhằn, anh lấy máy tính ra vừa bấm vừa nói: “Tính ra, một năm có 2 triệu tư, 18 năm vị chi hơn 40 triệu. Mình mới bán phần đất gần 1 tỉ bạc, hay là trích cái phần lẻ giao phứt số tiền kia cho rảnh nợ?”
Thật ra nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn không chỉ chấm dứt ở tuổi thành niên (truởng thành) của con. Luật sư Hồng Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, lưu ý: Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Như vậy, nếu con đến tuổi thành niên (theo quy định là 18 tuổi) nhưng bị tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ vẫn phải tiếp tục. Những điều này cần được ghi cẩn thận và chính xác trong bản án để tránh ngộ nhận và rắc rối sau này.
Theo bà Bùi Thị Son, hội thẩm TAND TP.HCM, trên thực tế, khi đến tuổi trưởng thành, trẻ chưa học hết lớp 12, nên chưa thể tự lao động nuôi bản thân mình; do vậy vẫn rất cần được trợ cấp. Trong nhiều trường hợp, khi đến giai đoạn quan trọng và cần nhiều khoản chi tiêu để tích luỹ hành trang cho cuộc sống tự lập sau này thì trẻ bị cắt nguồn viện trợ cần thiết. Nhiều trường hợp trẻ phải bỏ học giữa chừng để lao động tự nuôi bản thân. Đây là một bất cập cần phải xem xét và điều chỉnh trong luật, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền được học hành đến nơi đến chốn của đứa con vốn đã chịu bất hạnh khi cha mẹ chia tay.
Theo Phụ Nữ TP.HCM
▪ Sai lầm khi quá yêu (08/11/2005)
▪ Lấy vợ "quê" (06/11/2005)
▪ “Nhập gia” nhưng không “tùy tục”! (30/10/2005)
▪ Tình...tạm ứng!? (29/10/2005)
▪ Lười - SOS trong hôn nhân (28/10/2005)
▪ Vợ chồng sinh viên (28/10/2005)
▪ Bước qua ngưỡng cửa hôn nhân (20/10/2005)
▪ Rạc cẳng tìm chốn... yêu nhau (18/10/2005)
▪ 10 quan niệm sai lầm trong hôn nhân (18/10/2005)
▪ Thân phận kẻ thứ ba (16/10/2005)