Gánh nặng chồng quê
Các Website khác - 07/10/2008

Thêm một người cháu vào trọ học, chắc chắn sinh hoạt gia đình sẽ có không ít xáo trộn. Bức bối, khó chịu vì quan điểm sống khác biệt, các bà vợ e ngại không dám nói ra trước mặt khách mà cứ "đè cổ" chồng chịu trận, nhất là khi những vị khách ấy lại là họ hàng ruột thịt nhà chồng.

Cô cháu ẩu đoảng

Mấy ngày nay, hàng xóm nhà Nga (ở khu vực Diễn – Hà Nội) cứ thấy hai vợ chồng liên tục đi siêu thị mua sắm bát đĩa. Nguyên nhân xuất phát từ khi Thúy – cô cháu lớn (con anh trai cả bên nhà chồng Nga) đỗ Đại học Công Nghiệp, đang tạm tá túc nhờ.

Thúy là con một nên được vợ chồng ông anh trai cả hết mực cưng chiều. Con gái 18, 19 tuổi mà không phải động tay động chân vào bất kỳ việc lớn nhỏ nào trong gia đình, cho nên, từ ngày có cháu chung sống, hai vợ chồng Nga trở thành “bảo mẫu" bất đắc dĩ.

Các bà vợ e ngại không dám nói ra những điều không bằng lòng trước mặt khách mà cứ "đè cổ" chồng chịu trận, nhất là khi những vị khách ấy lại là họ hàng ruột thịt nhà chồng.

Nga tâm sự: “Cô cháu tính tình ẩu đoảng chưa từng thấy trên đời. Lần nào mình nhờ rửa bát là y như rằng, bát đĩa cứ rơi loảng xoảng. Trong vòng hơn tháng trời ở chung, mình đã phải thay đến hàng chục bộ bát đĩa, lớn bé. Nghĩ mà xót hết cả ruột”.

Nỗi phiền muộn của hai vợ chồng Nga chưa dừng lại ở đó. “Hôm trước, bận việc cơ quan đột xuất, mình giao chìa khóa nhà cho cháu, nhắn rằng, đi học về sớm thì khóa cửa cẩn thận vì khu vực này trộm cắp nhiều lắm. Đúng là lời nói gió bay. Chẳng biết cô cháu lơ đãng thế nào mà để cửa nẻo tanh bành mà ngủ quên. Lúc mình về, chiếc đầu đĩa DVD ở phòng khách đã không cánh mà bay” - Nga ngán ngẩm kể tiếp.

Giận cháu mà không biết làm cách nào cho hả, Nga đành kéo chồng vào phòng trách mắng chán chê kèm theo vài lời hăm dọa: “Cháu nhà anh, anh phải dạy dỗ chứ, cứ để thế này, em chịu không sống nổi đâu”.

"Ông cháu" ở bẩn

Nhà My (cư trú tại Phùng Khoang – Hà Nội) cũng đang trong tình trạng “lục đục” vì ông cháu “ngỗ ngược”. Thành – cháu ruột gọi vợ chồng My là cậu mợ đang là tân sinh viên Đại học Hà Nội. Từ ngày, cháu lên “ở trọ”, không ngày nào My không phải chứng kiến những cảnh bực mình.

My tâm sự: “Ông cháu mắc tật ở bẩn 'kinh khủng khiếp'. Lần nào đi vệ sinh cũng quên giật nước, áo quần thì chua loét, hôi mù cũng không bao giờ tự mình vác xuống máy giặt”.

Khó chịu hơn nữa khi “ông cháu” nghiện thuốc lá hạng nặng. Hàng ngày, quét dọn nhà cửa, My đều giật mình vì hàng chục đầu mẩu thuốc lá rơi vãi khắp phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn thậm chí cả phòng tắm.

Ngọt ngào nhắc nhở thì cháu chỉ “vâng, vâng, dạ, dạ”, hôm sau đâu lại vào đấy. Có lần, My tức giận nên hơi to tiếng vài câu, tức thì, ngay tối hôm đó, mẹ chồng đã điện thoại hỏi thăm tình hình…

Khổ nhất là một lần vợ chồng My đang “thơm nhau” trong phòng riêng thì “ông cháu” thình lình xô cửa, hỏi mượn xe đi sinh nhật bạn.

Cực chẳng đã, My đành “triệu tập” ông xã, cảnh cáo: “Anh mà không nhắc nhở cháu anh thì em sẽ ra ngoài sống đấy”.

Vài lời chia sẻ dành cho các bà vợ

Ở vào hoàn cảnh này, các bà vợ nên thường xuyên nhắc nhở để “thượng khách” biết cách hòa hợp với nếp sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Nếu không xử lý khéo, hai vợ chồng sẽ kéo dài tình trạng căng thẳng, ức chế vì có cháu chắt ở nhờ.

Sự cảm thông, độ lượng của các bà vợ đóng vai trò tích cực. Yêu thương, kiên trì nhắc nhở, coi con cháu nhà chồng cũng như nhà mình, chắc chắn nhà cửa sẽ thêm phần yên vui hơn.

 Theo Ngọc Bình
logomebe


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA