"Không bàn chuyện này nữa!"
Các Website khác - 14/05/2008

 

Việc bàn bạc với vợ là không cần thiết!

Thế nhưng, dù là vợ, chị Lệ cũng ít khi có quyền cất lên tiếng nói của mình. Khép anh Tấn vào tội gia trưởng hay độc đoán, e rằng hơi oan cho anh. Thứ nhất, anh chưa bao giờ buộc vợ phải làm điều gì quá đáng. Thứ hai, anh cũng chẳng khi nào xúc phạm hay mạt sát vợ. Chỉ có điều, anh đã bảo “Một là một, hai là hai”, trời đất không thể lay chuyển nổi.

 

Khi còn độc thân, chị Lệ làm thư ký cho một Tổ chức phi chính phủ. Công việc bận rộn và nhất là hay phải đi công tác xa khiến anh Tấn không vừa lòng. Tự anh hối hả xin chuyển việc cho vợ sang một cơ quan nhà nước để chị đỡ cơ cực lại có nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ chồng. Mãi đến khi mọi chuyện êm xuôi, đâu vào đấy, anh mới tươi cười thông báo cho vợ. Bất ngờ, nhưng chị Lệ cũng chỉ khẽ trách: “Lần sau anh có quyết định gì thì bàn với em một tiếng nhé!”.

 

Nguyên tắc sống của anh Tấn là “Cái gì hợp lý thì làm”. Việc bàn bạc với vợ là không cần thiết. Từ trước đến nay, anh quen tự lên kế hoạch, tự hành động…mà kỳ lạ, hết thảy đều mang lại kết quả tốt đẹp. Bố mẹ tin tưởng và giao hết mọi trọng trách lớn bé cho anh. Vì thế anh Tấn không có thói quen hỏi ý kiến bất kỳ ai. Trao đổi với vợ lại càng không. Trong suy nghĩ của anh, dù nói ra chị Lệ cũng đâu giải quyết được gì, hơn nữa đàn bà lại hay lo xa, có khi còn ngăn cản, phản đối, khiến vợ chồng sứt mẻ.

 

Mang thai bé đầu lòng, chị Lệ ốm lên ốm xuống. Xót vợ, anh Tấn viết đơn xin nghỉ việc, chị Lệ chỉ việc ký là xong. Dù chị có đi làm hay không, anh Tấn cũng dư sức chu cấp kinh tế cho cả gia đình. Vả lại, mẹ chồng mới ngã trẹo chân cũng cần người cơm nước. Chị Lệ miễn cưỡng đồng ý với chồng.

 

Xưa nay, tính chị vẫn dịu hiền, nhu mì. Anh Tấn làm mọi việc cũng chỉ vì mong muốn vui vẻ, hạnh phúc cho gia đình. Chị đâu có lý gì mà phản đối hay khiến chồng bực dọc. Tạm yên lòng ở nhà “hưởng phúc” đến ngày "mẹ tròn con vuông"…

 

Giờ, bé Bi đã được gần 1 tuổi. Ở nhà mãi, chị Lệ thành ra buồn, chán. Vóc dáng thon thả, mảnh mai từ hồi thiếu nữ biến thành thân hình “Sumo” dù chị rất chăm thể dục thẩm mỹ. Muốn đi làm để vừa thay đổi không khí vừa trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chị hỏi ý kiến chồng: “Anh à, em định bàn với anh thuê một người về trông con cho em đi làm. Em mới tìm được công việc gần nhà mình lắm mà cũng không vất vả gì nhiều...”.

 

Chẳng để vợ nói hết câu, anh Tấn chỉ lạnh lùng, cương quyết: “Khi nào con đến tuổi đi mẫu giáo em hãy đi làm. Anh sẽ tìm cho em công việc nào phù hợp”. Chị Lệ "tiu ngỉu như mèo cắt đuôi". Chị kiên trì đề cập đến chuyện này đôi ba lần nữa nhưng anh gạt đi, chả buồn nghe. Tủi thân, chị Lệ nghĩ ra sáng kiến viết mail cho chồng, tâm sự khát khao cháy bỏng muốn ra ngoài làm việc của mình, không quên kèm theo lời hứa sẽ chu toàn việc nhà, chăm nom bố mẹ, con cái…Vậy mà, anh cũng chỉ kết lại bằng mấy câu: “Không bàn chuyện này nữa”.

 

Biết có đôi co với chồng cũng vô ích, chị lại không muốn cam chịu mãi. Ngập ngừng chị Lệ chậc lưỡi: “Cứ đi làm” nhưng chị rùng mình thoáng sợ hôn nhân sẽ rạn nứt vì tính chồng cương quyết và rất dứt khoát.

 

Trong đời sống vợ chồng, thói quen lâu ngày là cơ sở hình thành nên một phần tính cách mỗi người. Khó khăn là việc cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau.

 

Ban đầu, các bà vợ vì thương yêu chồng có thể nhường nhịn, hy sinh. Nhưng lâu dần, sẽ sinh ra tâm lý ức chế khi tiếng nói của bản thân mình không được chồng xem xét, chấp nhận. Đến một giới hạn nhất định, khó tránh khỏi tình trạng đối đầu, chống lại chồng.

  Trớ trêu ở chỗ, các ông chồng không cho rằng mình đang gia trưởng hay áp đặt vợ. Bởi, họ luôn muốn là người quyết định trong nhà và mang lại hạnh phúc cho vợ, cho con. Hơn nữa, ngay từ đầu, các bà vợ đã vui vẻ, tự nguyện tuân thủ theo sự xếp đặt của chồng. Nếu đột ngột phản kháng lại, họ sẽ điên tiết vì cho là vợ không biết điều, cố chấp và coi thường chồng. Đấy chính là nguyên nhân của mâu thuẫn gia đình.

 

Vì vậy, nếu muốn tạo cơ hội để được lên tiếng, các bà vợ cần thay đổi và xây dựng thói quen giao tiếp hàng ngày. Hãy nói đơn giản và ngắn gọn những ý kiến của mình, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt và vô hại. Chẳng hạn nấu những món hợp khẩu vị chồng thì cũng nên thêm vào mấy món mình thích…

 

Muốn chồng quan tâm thì bản thân phải chủ động lên tiếng trước. Dần dần tạo thói quen cho chồng để ý đến nhu cầu cũng như nguyện vọng của vợ. Hai vợ chồng sẽ hòa hợp và biết lắng nghe nhau hơn.

 

Ngọc Anh