Một đôi khoác tay nhau đi trong siêu thị ở Bắc Kinh. |
Zhu Zi và Gao Yanping, cặp vợ chồng có gương mặt sáng sủa và nghiêm nghị, điền vào tờ đơn xin đăng ký kết hôn bằng nét chữ đều đặn tại một phòng đăng ký nằm trên một hiệu bánh.
Zhu đã đợi rất nhiều năm để kiếm một tấm chồng như Gao. Và chính Zhu, một cô gái nhí nhảnh, đã gọi điện trước cho Gao, một chàng trai khá trầm tĩnh. Họ rất tâm đầu ý hợp: cả hai đều chưa đến 30, đều là kỹ sư, thông minh, sống ở Bắc Kinh và quan trọng nhất là họ cùng quê ở tỉnh Thiểm Tây. Điều đó có nghĩa là họ có thể về thăm nhà cùng nhau hàng năm. Hai người sống cùng mà không kết hôn trong vòng 14 tháng, điều được coi là bất hợp pháp, cho đến tận lúc Zhu chủ động đề xuất sau một thời gian dài chờ đợi mệt mỏi. Gao đồng ý ngay lập tức.
Đăng ký kết hôn ở Trung Quốc ngày nay dễ dàng hơn nhiều so với 4 năm trước: hai người nhận tích kê, đứng xếp hàng và nói "Tôi đồng ý", mọi thủ tục được hoàn thành trong vòng hơn một tiếng đồng hồ. Tờ giấy chứng nhận kết hôn tốn gần 10 tệ (khoảng 20.000 VND). Trong bản đăng ký không còn những câu hỏi về cha mẹ như trước nữa. Các đôi cũng không cần xin phép thủ trưởng cơ quan - một thay đổi lớn so với trước.
Giờ đây người dân Trung Quốc ở thành thị được tự do theo đuổi tình và tiền. Tại 200 thành phố có hơn 1 triệu người, hai yếu tố này đang tạo ra những thay đổi mang tính lịch sử trong gia đình truyền thống, vốn bị tác động bởi chính sách một con. Chuyện hẹn hò lãng mạn trở nên quan trọng trong khi việc sống với cha mẹ không còn được chú trọng nữa và vai trò của phụ nữ cũng được nâng lên. Những quan niệm và giá trị mới đang làm biến đổi sâu sắc xã hội Trung Quốc.
"Chuyện hẹn hò ngày nay dễ dàng hơn nhiều, nhưng lại rất khó tìm được người ưng ý", một cô gái trẻ nói trong khi uống nước từ chiếc chai. "Trước đây chúng tôi không có điện thoại di động hay nhắn tin, còn bây giờ chúng tôi có thể gặp nhiều người mới mỗi ngày. Nhưng đòi hỏi về người ấy ngày càng cao và ít người đáp ứng được".
Tình và tiền
Giờ đây, người Trung Quốc có thể tự ý chọn bạn đời. Trước đây chỉ có 20% thanh niên nước này chọn bạn đời; giờ đây tỷ lệ này là 90%, theo một bài báo của China Daily. Đồng thời, những từ như "cảm xúc" và "tình cảm" vốn thường chỉ nghe nói trong giới thượng lưu giờ có thể nghe nói đến ở khắp nơi, từ nhà kinh doanh cỡ bự cho tới người lái taxi. Các cửa hiệu quảng cáo về "phong cách đam mê" cho ôtô và nhà bếp. Các cuốn tiểu thuyết lãng mạn bán chạy như tôm tươi.
Trước đây, các đôi yêu nhau thường không dám bày tỏ tình cảm bởi thông lệ nghiêm ngặt về sự kính trọng trong gia đình. Nhà xã hội học tại Harvard Martin Whyte cho rằng tốt nhất là không làm vậy bởi điều đó có thể khiến người ta nghĩ rằng chàng trai không có hiếu với gia đình. Các đôi vợ chồng thường sống cùng gia đình của người chồng và khi có mâu thuẫn, người con trai được cho là nên đứng về phía gia đình anh ta chứ không bênh vợ. Con trai phụ thuộc vào cha mẹ. Việc ly hôn không được khuyến khích và gần như không tồn tại khái niệm này. Các cuộc hôn nhân sắp đặt là khá phổ biến và chủ yếu được đơn vị nơi họ công tác vun vào.
"Bố mẹ tôi là giáo viên và họ đã được đoàn thể tác thành", Qi Mei, người tư vấn cho một công ty sơn ở Bắc Kinh, cho biết. "Các đôi vợ chồng thường chẳng có vai trò gì, nhưng giờ đây hôn nhân dựa trên tình cảm. Điều đó làm xã hội của chúng tôi cởi mở hơn".
"Tôi muốn yêu", Xin, một sinh viên 19 tuổi cho hay. "Tôi không muốn mãi kêu ca về tiền bạc hay công việc. Tình yêu là trước hết, những thứ khác cũng quan trọng nhưng không phải là nhất".
Giấc mơ của những cô gái trẻ như Xin có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế. Cô là thành viên của thế hệ đầu tiên của Trung Quốc phải tự tìm việc làm và kiếm tiền, điều khiến một số người lo lắng. Người ta không còn được bao cấp nhà ở và đảm bảo việc làm nữa.
Tiền bạc khiến cho nhiều người Trung Quốc ở thành thị suy nghĩ và cư xử theo cách không phải lúc nào cũng nghĩ đến gia đình. Các trường nội trú đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Các mối quan hệ ngoài hôn nhân trở nên phổ biến. Và khi chi phí cho cuộc sống tại thành thị tăng lên, nhiều phụ nữ trẻ, chủ yếu là đến từ các vùng nông thôn, được bạn trai chu cấp.
Yu Weijing, 25 tuổi, ở lại Bắc Kinh học cao học. Bạn trai của cô, một người đàn ông 40 tuổi đã ly dị, có một con trai và đang sở hữu một cửa hàng thuốc. Họ sống cùng nhau 5 ngày mỗi tháng. Ông trả tiền thuê nhà cho cô. Yu cũng hẹn hò với một thương nhân và đang phân vân liệu cô có nên thay đổi nguồn thu nhập không bởi cô nghe nói chàng dược sĩ cũng đang cặp kè với người khác. Yu muốn đi đường tắt để đảm bảo về tài chính và một cuộc sống dễ dàng. Cô nhắc đi nhắc lại rằng "cặp được với một người đàn ông khá giả còn tốt hơn là có một việc làm tốt". Các quan chức Trung Quốc đang cân nhắc việc ban hành luật, theo đó chồng phải công khai thu nhập với vợ, bởi hiện có nhiều vụ ly hôn mà các bà vợ chỉ được để lại ít tài sản.
Ngọc Sơn (theo CSM)
* Còn tiếp
▪ Chàng nói gì sau lưng bạn? (12/01/2005)
▪ Khi “mày râu” thất tình (12/01/2005)
▪ "Hâm nóng" tình yêu trong cuộc sống vợ chồng (12/01/2005)
▪ Lắng nghe nàng nói (11/01/2005)
▪ 7 cách để gần nhau hơn (11/01/2005)
▪ "Vợ là cơm nguội trong nhà" (10/01/2005)
▪ Họ không như phụ nữ tưởng (08/01/2005)
▪ 9 bí mật của đàn ông (08/01/2005)
▪ 7 cách tỏ tình của nàng (07/01/2005)
▪ Làm gì khi chồng nổi cáu? (06/01/2005)