Những chị em đã qua tuổi 30 lấy chồng kém 6-7 tuổi hiện nay không còn là cá biệt. Không chỉ ở nước ta mà ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có hiện tượng này. Rất nhiều bạn đọc đa số đều thắc mắc vì sao hiện tượng này ngày càng gia tăng, liệu đây là một “mốt” mới hay là một xu hướng mới của hôn nhân hiện đại? Chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu vào vấn đề này.
Một xu hướng... quốc tế
Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, chuyên viên tư vấn tâm lý tình cảm cho hay, hiện tượng “phi công trẻ lái máy bay bà già” bây giờ cũng không phải chuyện hiếm. Trung tâm tư vấn hôn nhân tiếp rất nhiều khách hàng là phụ nữ ở độ tuổi hơn 40 có ý định tìm bạn đời bằng tuổi mình hoặc trẻ hơn.
Ảnh minh họa |
Trong cuộc sống hiện đại, số các cặp vợ chồng ly hôn có chiều hướng gia tăng dẫn đến những người phụ nữ ly hôn ở tuổi 40 – 50 có nhu cầu tìm kiếm bạn đời mới.
Song, trong quá trình tìm người đàn ông độc thân thì người bằng hoặc hơn tuổi họ là rất khó, vì không có hoặc nếu có thì không đạt yêu cầu của họ về nhiều mặt như là hình thức, sức khỏe, thu nhập, địa vị xã hội... Những người phụ nữ này thường có khả năng tài chính cao, cuộc sống độc lập nên họ cũng không cần dựa dẫm vào những người đàn ông giàu. Họ muốn hưởng thụ cuộc sống, muốn có hôn nhân hạnh phúc nên “chuyển hướng” sang các chàng trai trẻ.
Những chị em đã qua tuổi 30 lấy chồng kém 6-7 tuổi hiện nay không còn là cá biệt. Không chỉ ở nước ta mà ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có hiện tượng này, nhà nghiên cứu Trịnh Trung Hòa cho biết. Câu chuyện về những phụ nữ thành đạt “cặp” với các chàng ít tuổi hơn xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí dành cho phụ nữ.
Kaori Haishi, tác giả hai cuốn sách về đề tài “Vợ già chồng trẻ” ở Nhật cho rằng, trước đây lấy chồng còn là vì chuyện sinh nhai thì giờ đây những “quý cô” ở căn hộ 5 phòng, một mình sở hữu 2 ôtô con, chọn chồng trước hết là chọn người tình tuyệt vời dù anh ta không mạnh về kinh tế. Năm 1997, ở Nhật mới có 20% phụ nữ lấy chồng kém tuổi thì năm 2002, tỷ lệ này đã là 35%, chắc chắn bây giờ còn cao hơn nữa.
Còn nhà xã hội học Rika Kayama (Nhật Bản) nhận thấy phụ nữ có địa vị xã hội càng cao càng không muốn lệ thuộc vào chồng. Nếu trước kia cặp kè với một chàng trai kém mình 5-7 tuổi là điều xấu hổ thì bây giờ họ lại coi đó như niềm tự hào vì “bồ” trẻ còn là dấu hiệu “vị thế xã hội” của họ. Cũng giống như các ông tóc muối tiêu giàu có hãnh diện khi chinh phục được các cô gái trẻ đẹp, thì phụ nữ cũng khẳng định “đẳng cấp” của mình qua việc chinh phục được các chàng trai trẻ. Và đây cũng thể hiện một sự bình đẳng trong xã hội của hai giới.
Chênh lệch có thể tạo ra lợi thế
Không ít người lo ngại sự chênh lệch về tuổi tác, quan điểm sống giữa các “phi công trẻ” và “máy bay bà già”. Đã có những mối tình tan vỡ bắt nguồn từ mục đích không trong sáng của một số chàng trai lợi dụng những phụ nữ đứt gánh để sống tầm gửi.
Có chuyện bắt nguồn từ chuyện chồng trẻ ham chơi, không chịu được sự “uốn nắn” của vợ... Một số chàng trai có mặc cảm non nớt trước bạn tình, cố gồng mình lên để trở nên già dặn và đôi lúc thấy quá sức, hoặc người vợ lo lắng vì mình chóng già hơn chồng nên hay kiểm soát và ghen tuông, khiến cả hai cùng mệt mỏi.
Thực ra, ở bất cứ mối quan hệ hôn nhân nào cũng đều cần sự chia sẻ, thông hiểu và thích nghi với nhau. Ngày xưa, có tập tục lấy vợ cho con trai khi con còn rất bé để có người về làm việc giúp gia đình, khiến nhiều người phụ nữ thiệt thòi tuổi xuân, khóc trong phòng the vì sống với ông chồng trẻ ranh, vắt mũi chưa sạch. Ở thời đại này không còn chuyện đó nữa, nên các chàng trai khi đã trưởng thành, tự quyết chuyện hôn nhân của mình cần biết vun đắp, bảo vệ nó.
Và nhiều khi sự chênh lệch “ngược” về tuổi tác này lại tạo lợi thế cho cả hai bên. Những anh chồng trẻ dễ chịu hơn, không bao giờ buộc vợ thôi việc ở nhà nội trợ như các “đức ông” lớn tuổi có thu nhập thừa sức nuôi cả nhà.
Những “phi công trẻ” cũng hay vào bếp cùng làm cơm với vợ, chứ không nằm khểnh xem tivi đợi vợ dọn bàn và nếu “bà già” có mải mê công việc về muộn thì họ cũng chẳng tức bực gì mà còn rất ủng hộ. Họ không gia trưởng cực đoan, bắt vợ phải thế này, thế nọ mà còn rất mong vợ biết làm đẹp, trẻ mãi để đi trên con đường hạnh phúc.
Nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định, đó là thế mạnh của các chàng trai trẻ. Họ có tư tưởng tiến bộ hơn những anh “phi công già”, dễ tiếp cận cái mới hơn. Trong khi các anh chồng già luôn sợ vợ mình giỏi hơn và khó chịu khi vợ thành đạt, bận bịu, thì các chàng trai trẻ lại ngưỡng mộ hình ảnh những phụ nữ năng động như vậy.
Ông Hòa còn cho biết thêm, ở góc độ vợ già chồng trẻ, chị em đã “nhìn” xa hơn, lấy chồng kém tuổi sẽ không phải chịu cảnh goá bụa khi về già. Vì trung bình hiện nay tuổi thọ phụ nữ hơn nam giới 7 năm, nên có khả năng hai người sẽ “đi đến tận cùng trái đất” cùng nhau.
Nhà nghiên cứu Trịnh Trung Hòa nhận định: không phải tất cả các chàng trai đều thích lấy vợ hơn tuổi, chỉ nằm ở một số người. Và trong quan hệ nam nữ, cái gọi là tình yêu thì không có công thức.
Khi thấy “máy bay bà già” thích “phi công trẻ”, nhiều người nghĩ ngay rằng họ thích sức trẻ và khả năng “bản lĩnh đàn ông” của các chàng trai. Họ sợ các chàng trai sẽ mau chóng thất vọng vì người vợ lớn tuổi sẽ chỉ như ngọn lửa rơm, cháy nhanh mà cũng nhanh lụi hơi ấm, qua giai đoạn hồi xuân họ sẽ như “cánh đồng khô cạn”, sự lệch pha là không thể tránh khỏi và bi kịch sẽ nảy sinh.
Song khoa học đã chứng minh rằng đó là quan niệm sai lầm. Người phụ nữ lớn tuổi vẫn có thể đạt đến xúc cảm yêu đương, thậm chí còn lâu dài nếu họ thực sự được sống trong tình yêu. Trong khi những người phụ nữ trẻ, nếu bị ngược đãi, bạo hành và bị đánh cắp tình yêu có thể bị giết chết cảm xúc đó.
(Theo GĐ&XH)
▪ Nếu mình chia tay (14/08/2008)
▪ Chồng muốn 'ngủ chay' (09/08/2008)
▪ Dằn vặt trước... bản năng sex (09/08/2008)
▪ Bi kịch của những cô nàng 'dại trai' (07/08/2008)
▪ 365 ngày kinh hoàng trên giường ngủ (07/08/2008)
▪ Tôi hối hận vô cùng... nhưng tất cả đã quá muộn! (01/08/2008)
▪ Tâm sự của một gái gọi (31/07/2008)
▪ Tâm sự của một gái gọi (30/07/2008)
▪ Đòi "yêu" sau khi xem phim "nóng" (30/07/2008)
▪ Học cách tha thứ (28/07/2008)