Thời của mỗi người
Các Website khác - 28/01/2005

“Bôn ba không qua thời vận”. Nhưng chúng ta không nên thụ động ngồi chờ thời mà nên tích cực hoạt động, để chuẩn bị khi thời cơ đến chúng ta không bỏ lỡ dịp may.

Nói về những người nổi tiếng, chúng ta thường hay có câu kết về cái thời của họ, chẳng hạn: “Ca sĩ X, nghệ sĩ Y “đang thời” quá xá. Đi đâu cũng thấy hình ảnh, chương trình live show của cô (anh) ta”. Hoặc “cầu thủ A dạo này chắc “hết thời”...

Đó là những người của công chúng, được đông đảo mọi người dõi theo từng bước “lên voi xuống chó” của cuộc đời họ, nên thấy rõ được cái “đương thời” và “hết thời” của họ. Còn người bình thường như chúng ta, chắc chắn là ai cũng có riêng cái thời của mình và có thể chỉ có người trong cuộc mới biết được những nỗi thăng trầm, chìm nổi của mình thôi!

Đang thời.- Anh T.N trầm ngâm nhớ lại thời hoàng kim của mình. Thời vận của anh đến khá sớm khi anh chỉ mới ngoài 30 tuổi, trong khi bạn bè đồng trang lứa còn đang lận đận loay hoay tìm việc. Anh nhớ lại ngày ấy sao mình lại có thể liều như thế. Thử thời vận với hai bàn tay trắng, anh đánh bạo mở một cửa hàng bán máy vi tính, dù chuyên ngành anh theo học chẳng dính dáng chi đến tin học. Theo cách “mượn đầu heo nấu cháo”, anh cứ lấy hàng về bán được mới gom tiền lại trả sau. Vậy mà lại bán được. Vào những năm sau 90, lãnh vực máy tính còn khá mới mẻ ở VN, vì anh đi tiên phong nên trúng đậm. Các hợp đồng dần dà theo thời gian cứ ngày càng nhiều lên. Bán lẻ cho tư nhân thì ít mà trang bị cho các công ty, công sở, trường học thì nhiều, mỗi lần bán mấy chục bộ thấy mà ham. Mà sao khi có thời rồi công việc nó trôi chảy đến thế: từ việc đặt hàng, nhận hàng, chuyển hàng, lắp đặt, bảo trì v.v... cứ khớp với nhau như những mắt xích trơn tru. Khi trong kho còn nhiều món phụ tùng nào thì ngoài thị trường lại hút hàng món đó, giá cả cứ thế mà lên, còn khi hàng chưa về kịp cũng là lúc anh không có hợp đồng nào nên cũng... đỡ tiếc. Công việc cứ đến với anh một cách xuôi chèo mát mái như thế, đụng đâu cũng có thể hái ra tiền. Thời giờ của anh khi ấy phải nói là “vàng ròng” nên anh không muốn “bỏ lỡ cơ hội” để kiếm tiền trong lúc mình đang gặp thời. Vì thế rất hiếm khi anh có thì giờ dành cho gia đình. Chẳng bao giờ anh có một bữa cơm gia đình, đến cả ngày nghỉ lễ Tết cũng không thể cùng vợ con đi chơi. Trong đầu anh lúc nào cũng chỉ có mấy con số, mấy bản hợp đồng, hàng nhập, hàng xuất... đến nỗi vợ anh chịu hết nổi nên mấy phen đã đòi chia tay, còn con cái anh vì không gần gũi nhiều nên cũng tỏ ra chẳng hề thương bố... Và rồi, cũng phải đến lúc...

Hết thời.- Đầu tiên, anh nhân viên tin cậy nhất xin nghỉ để ra mở cửa hàng vi tính riêng. Kế đến là cô thủ quỹ lấy chồng ở nhà nuôi con mọn. Rồi xung quanh cửa hàng của anh mọc thêm nhiều cửa hàng khác to hơn, bề thế hơn và giá thì cạnh tranh hơn khiến anh mất dần ưu thế trong khu vực. Sau đó là thêm hàng loạt những trục trặc, lủng củng khác: khi có hợp đồng thì không có hàng, đến khi hàng về đầy kho thì... giá xuống, lỗ. Nhân viên khi đi giao hàng thì bị đụng xe, đi xe gắn máy đến bảo hành máy thì bị... mất xe (xe của anh) v.v...

Anh biết cái thời của mình đã qua, phải nhường “cờ” cho tay người khác “phất”. Anh hiểu, nếu cứ bám víu lấy “ánh hào quang” cũ, có khi sẽ “từ chết đến bị thương” mà thôi. Anh bèn quyết định dừng đúng lúc, chứ không cay cú ăn thua, để “về nhà đuổi gà cho vợ”. Bây giờ, anh an phận với nghề chuyên môn cũ của mình, với đồng lương ba cọc ba đồng chỉ đủ đổ xăng, cà phê cà pháo, lâu lâu có thiếu hụt một chút thì đã có vợ “hân hạnh được tài trợ”. Không có tiền thì bù lại có “tình”: Vợ anh sung sướng ra mặt vì khỏi phải “kiểm soát anh từ xa” bằng di động, còn lũ con thì cuối tuần nào cũng rủ bố đi dã ngoại Đầm Sen, Suối Tiên. Sướng thì có sướng, nhàn cũng có nhàn, nhưng đôi lúc anh không khỏi chạnh lòng, chép miệng một mình: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”.

Kết luận.- Ai cũng có một thời và cái thời ấy ở mỗi người có thể xảy ra nhanh hay chậm, đến sớm hay muộn và dài hay ngắn khác nhau. Điều quan trọng là biết đó là thời của mình để mà “chộp lấy, nắm bắt và tận dụng” được nó. Và cũng xin mượn hai câu ca dao quen thuộc (chỉ đổi 1 từ), bởi “thời” hay “duyên” thì ý nghĩa của chúng cũng na ná như nhau:

Đang “thời” kẻ đón người đưa. Hết “thời” đi sớm về trưa một mình.

Huyền Ngân