Hạnh phúc của người lịch sự
Các Website khác - 25/01/2005
Một đứa trẻ cũng biết tỏ ra lịch sự

Hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một môi trường vô cùng hiện đại, tiện nghi sang trọng nhưng chung quanh bạn toàn là những con người thô lỗ, nói năng như ra lệnh, luôn luôn tranh giành, cau có, va chạm nhưng không biết xin lỗi ai bao giờ, xa lạ với những cử chỉ thân thiện, giúp đỡ dù là rất nhỏ… Hẳn bạn thấy rất khổ tâm giống như sống trong địa ngục, vì nơi ấy thiếu vắng một điều: Phép lịch sự.


Cho nên có thể nói, lịch sự là một biểu hiện không thể thiếu của một con người văn minh. Một cô gái dù mỹ miều đến đâu cũng không thể tạo ra mỹ cảm, để lại ấn tượng đẹp với người chung quanh nếu không biết tỏ ra lịch sự.

Lịch sự là điều ai cũng có thể đạt đến, một em bé hai, ba tuổi cũng có thể tỏ ra rất lịch sự nếu được giáo dục kỹ.

Phép lịch sự luôn biểu hiện trong giọng nói ôn tồn, lời nói đẹp đẽ, từ ngữ chọn lọc. Nét mặt người lịch sự luôn tươi tỉnh, tiếp xúc với ai luôn có nụ cười trên môi và nó còn biểu hiện trong cử chỉ nhẹ nhàng khi nói năng, đi đứng, đóng mở cửa, gõ cửa… Không làm việc gì đường đột khiến người khác phải bối rối, xấu hổ.

Người lịch sự đích thực luôn lịch sự với tất cả mọi người, dù là một em bé, với những người thân thiết nhất và cả với những người… bất lịch sự. Bởi họ là người lịch sự - Đỉnh cao của sự văn minh và tao nhã.

Kinh nghiệm:

Trang phục lịch sự

Cách trang phục thể hiện rất rõ người đó có lịch sự hay không. Không nên ăn mặc xuề xòa, giản dị khi đi dự một tiệc cưới hay những dịp vui khác nhưng cũng không nên ăn mặc quá lộng lẫy khi đi thăm người bệnh hoặc dự một đám tang. Cũng không thể mặc như trình diễn thời trang khi đi làm, đi học. Khi đi dã ngoại hay cắm trại thì nên mặc gọn gàng. Tuyệt đối tránh mặc váy ngủ, đồ bộ, pyzama khi ra đường, đến cơ quan hay nơi công cộng.

Mách nhỏ:

Tránh những câu nói cụt

Đó là những câu mà hầu hết mọi người đều không thích nghe, chẳng hạn khi đến nhà tìm bạn thì hỏi: "Có A ở nhà không bác?" thay vì nói: "Thưa bác, có A. ở nhà không ạ?" người nhà sẽ vui lòng hơn. Hoặc gọi điện thoại để gặp ai đó, có người nói cụt ngủn "Cho gặp B". Thay vì nói: "Thưa bác (hay anh chị) vui lòng cho gặp B. một lát ạ!" thì sẽ lịch sự hơn nhiều. Và cho dù không gặp được người ấy người gọi cũng phải nói lời cảm ơn rồi mới được cúp điện thoại.

Theo TGPN


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA