Phần mềm này "đã có" trong danh mục dùng chung của Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112, thành lập theo quyết định của Chính phủ và nằm trong kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước). Theo quy định, tất cả các phần mềm được sử dụng trong hệ thống phần mềm dùng chung đều thuộc quyền sở hữu của đề án và không được phép thương mại hóa. Chiều 28-9, Ban Điều hành Đề án 112 đã họp về vấn đề này với sự có mặt của ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký VAIP.
Cũng cần nhắc lại rằng, Net.Office được SELAB phát triển từ năm 2001, có tính năng là quản trị văn bản và giải quyết công việc qua mạng... phần mềm này đã đoạt được Giải nhất sản phẩm CNTT của VAIP và Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2001. Phần mềm đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT) cấp Giấy chứng nhận bản quyền số 416/2003/QTG ngày 26-5- 2003, chủ sở hữu là SELAB. Tới nay, Net.Office có khá nhiều phiên bản và đã được triển khai tại gần 500 đơn vị, trong đó có nhiều cơ quan bộ, UBND các tỉnh và sắp tới là Văn phòng Quốc hội.
Chiều 29-9, ông Lương Văn Thịnh, Giám đốc Công ty SELAB cho biết: Đầu năm 2005, Công ty có hợp tác với Công ty MISA để phát triển Dashboad dựa trên kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Dashboad đã được tham gia vào Đề án 112 và được triển khai đến một số địa phương. Dashboad không liên quan đến Net.Office do chúng tôi có bản quyền nên không có chuyện vi phạm như thông tin đã nêu...
Cùng ngày, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký VAIP cho biết: Ai, tổ chức nào tham gia đều trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ đầy đủ các tiêu chí quy định trước VAIP sẽ được xem xét trao giải. Trong hội đồng xét giải cho SELAB có cả thành viên của Đề án 112 và tất cả giám khảo không ai cho điểm 0.
Khi làm việc với Ban điều hành, VAIP đồng ý sẽ cung cấp tiêu chí chấm giải có minh chứng về việc ứng dụng rộng rãi và cung cấp thông tin chính xác về tên sản phẩm đoạt giải. VAIP cũng mong Ban điều hành cung cấp thông tin chính xác về tên sản phẩm được cho là "vi phạm bản quyền"... "Nếu SELAB vi phạm chắc chắn sẽ bị thu hồi giải thưởng vì hồ sơ tham dự giải, các đơn vị đều phải cam kết về tính trung thực. Tuy nhiên, việc trả lời Ban điều hành phải để sau khi Tuần lễ Tin học lần thứ 14 kết thúc (ngày 2-10)" - ông Long cho biết thêm.
Thành viên của Ban điều hành có tên trong Hội đồng chấm Net.Office đoạt Cúp Vàng chính là ông Lương Cao Sơn. Trao đổi với báo giới, ông Sơn cho biết: "Net.Office không có tên trong danh mục phần mềm dùng chung của Đề án 112 nhưng phiên bản của nó là có. Khi cho điểm Net.Office, tôi có phát biểu và ghi vào biên bản là theo cách đánh giá và tiêu chí của VAIP thì sản phẩm đó là tốt. Nhưng Ban tổ chức nên lưu ý vì phần mềm này đã được đăng ký bởi Đề án 112. Chúng tôi đang đợi VAIP gửi hồ sơ rồi mới có hướng giải quyết tiếp...".
Ông Sơn cho biết thêm: "Việc này cũng giống như Toyota đăng ký nhãn hiệu Altis và Camry (dòng xe sang trọng và đắt tiền hơn). Đăng ký bản quyền cho Altis nhưng lại mang Camry đi thi mà Camry thì đã được bán bản quyền cho người khác".
Căn cứ vào những thông tin trên, có thể thấy câu chuyện giữa SELAB và Ban điều hành đề án 112 chưa thể kết thúc. Ai đúng, ai sai sẽ được các bên làm rõ trong một vài ngày tới. Nhưng từ câu chuyện này (trước đó là cuộc tranh cãi về phần mềm kế toán MISA, Công ty Truyền thông Vinacom) có thể thấy rằng, bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực phần mềm đang rất nhạy cảm và cần có sự can thiệp rõ ràng, rành mạch của các cơ quan quản lý...
|