Công nghệ thông tin tràn ngập World Cup
Các Website khác - 16/06/2006
Công nghệ thông tin tràn ngập World Cup

Bóng đá vốn là một trò chơi đơn giản, với 22 cầu thủ, hai cầu môn và một quả bóng - về bản chất của nó hầu như chúng ta khó có thể liên hệ tới CNTT. Thế nhưng World Cup 2006 lần này thực chất lại là dịp để CNTT thể hiện rực rỡ những tiến bộ mới nhất: Từ ứng dụng RFID tới các công nghệ hình ảnh, âm thanh hiện đại...

Hình ảnh, âm thanh vượt trội

Máy quay siêu hiện đại
HBS, được chọn là tổ chức phân phối chính nội dung cho truyền hình và phát thanh của World Cup 2006, sử dụng loại máy quay Thomsom LDK 6000, mỗi máy có 3 ống kính CCD 9.3 triệu pixel có thể lưu lại mọi chi tiết đi qua.

Máy cho ra tín hiệu HD 1080i và 720p có thể lưu trữ 60 hình ảnh kèm âm thanh/giây và ngay lập tức chuyển hoá thành dạng TV chất lượng cao. Mỗi máy quay này chỉ nhẹ 4,3kg nên rất dễ dàng mang vác mọi nơi để ghi lại các cú sút hay bàn thắng đẹp. Âm thanh được thu trực tiếp từ 16 micro đặt quanh sân bóng.

Các hình ảnh, âm thanh đó ngay lập tức được chuyển về Trung tâm dữ liệu Extended Basic International Feed (EBIF) để lựa chọn ra các hình ảnh rõ nét nhất, phát lên vệ tinh các quốc gia khác. Nhờ hệ thống cáp quang do T-Systems cung ứng có dung lượng 155 Mb/giây, bạn có thể ung dung ngồi nhà xem tường thuật trực tiếp không khí trên sân bóng sống động y như thật trên TV, bất chấp việc bạn đang ở Anh, Mỹ hay Việt Nam....

World Cup 2006 là dịp đầu tiên tín hiệu truyền hình từ sân vận động được dẫn qua cáp quang học đến trung tâm phát sóng IBC (International Broadcasting Center) tới vệ tinh của hơn 180 quốc gia trên thế giới và cũng là sự kiện đầu tiên cho phép hình ảnh được truyền đi dưới định dạng kỹ thuật số DHTV (High Definition Television) với tỷ lệ 16:9.

World Cup 2006 chính là chất xúc tác cho các dịch vụ truyền hình trên điện thoai di động khởi sắc. Hiện tại ở Đức đã có T-Mobile cung cấp dịch vụ này cho các khách hàng của mình sử dụng điện thoại thế hệ 3G. Debitel triển khai hệ thống T-DMB và chạy thử nghiệm trên dòng điện thoại Samsung P900. Hiện nay hầu hết các dịch vụ xem truyền hình trên ĐTDĐ mới chỉ dừng ở mức tải các đoạn băng xuống (không phải trực tiếp), song mức doanh thu dự kiến lên tới 300 triệu USD trong một tháng diễn ra World Cup.

Đảm bảo an ninh

Hệ thống soát vé kiểu mới
sử dụng công nghệ RFID.
Không một sự kiện thể thao lớn nào trên thế giới có thể diễn ra suôn sẻ nếu thiếu những biện pháp thắt chặt an ninh. Ngoài 2.000 lính quân đội và hơn 150 nghìn cảnh sát luôn sẵn sàng túc trực ngày đêm, Đức còn áp dụng vô vàn các ứng dụng CNTT như cài đặt các thiết bị cảm ứng báo lửa, khói và chuyển động trên các đường phố quan trọng, lắp máy quay nhận dạng sinh trắc học nét mặt tại sân vận động và thậm chí cả máy chỉ huy và hướng dẫn đường vào ra cho khán giả nhằm tránh ùn tắc.

Các hệ thống dẫn giao thông "thông minh" trong thành phố giúp người lái xe tìm đường đi đến sân vận động nhanh nhất và chỗ đậu ôtô còn trống gần nhất. Hệ thống hoa tiêu COX (Communication and Orientation eXpert) hoạt động trên điện thoại và các thiết bị di động có khả năng nhận tín hiệu GPS, GMS, GPRS, WLAN và Bluetooth, giúp người đến sân vận động có thể chọn lộ trình đẹp nhất, nhanh nhất và rẻ tiền nhất.

Để loại trừ khả năng giả mạo và vé chợ đen, toàn bộ hơn 3 triệu vé của World Cup được gắn chip RFID (công nghệ nhận dạng bằng sóng radio) của Philips. Mỗi chip chứa một dạng mật mã riêng, ký hiệu tên, địa chỉ, ngày sinh... của người mua. Khi vào cửa, thiết bị đọc sẽ gửi mật mã lưu trong chip về một máy tính trung tâm để so sánh với cơ sở dữ liệu. Vì thế, chỉ trong vài phần giây, hệ thống đã có thể khẳng định được là vé có giá trị và đúng chủ hay không, tránh mất nhiều thời gian kiểm tra thủ công từng vé. Hiện tất cả cửa vào của 12 sân vận động diễn ra các trận bóng World Cup tại Đức đều được trang bị thiết bị đọc.
Anh Huy tổng hợp