- Thưa Thứ trưởng, theo kế hoạch ban đầu, cuối tháng 12-2005, quy chế sẽ được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có. Vì sao lại có sự chậm trễ này?
- Thực ra, các vấn đề cơ bản đã được ba bộ thống nhất khá sớm, tuy nhiên trong quá trình soạn thảo đã phát sinh nhiều vấn đề khá mới mẻ, cần thảo luận và nghiên cứu kỹ hơn, nên chúng tôi mới xin phép Chính phủ được lùi lại. Hiện nay, bản dự thảo quy chế thứ 5 đã được hoàn thiện và trình lên Chính phủ xem xét.
- Khi nào quy chế này được ban hành?
- Chắc chắn là trong tháng 2 tới. Bây giờ không phải là cố gắng hay tạm thời nữa mà nhất định là sẽ có quy chế chính thức. Không thể để chậm hơn nữa! Để có được bản dự thảo cuối cùng này, chúng tôi đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này và những người tham gia trò chơi.
- Liệu có việc cấm hay hạn chế thời gian đối với game online không?
- Tôi khẳng định rằng không hề có việc cấm đối với game online. Đây là một loại hình trò chơi giải trí, mà đã là giải trí thì không hề có chuyện cấm, bởi đó là quyền tự do của mỗi cá nhân. Tuy nhiên do game online là loại hình giải trí có tính đặc thù cao, tính tương tác lớn và chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa, tư tưởng nên chúng ta cần xem xét để quản lý nó một cách hợp lý nhất. Việc giới hạn giờ chơi đối với game online có thể được áp dụng, nhưng cụ thể như thế nào thì tôi chưa thể trả lời vào lúc này vì đây là vấn đề đang được tiếp tục xem xét.
Tôi cho rằng, bản thân game online không có gì xấu. Chúng ta tiến hành quản lý loại hình trò chơi này là nhằm không để game online phát sinh sự lạm dụng quá đáng về thời gian và những mặt tiêu cực của chúng như tính bạo lực, đồi trụy… Đây là một loại hình kinh doanh, tuy nhiên là kinh doanh có điều kiện.
- Mới đây, có doanh nghiệp đã tuyên bố là sẽ bảo hộ tài sản của các game thủ ở trên mạng. Trong bản dự thảo nói trên có đề cập đến vấn đề này không, thưa Thứ trưởng?
- Đó là sự cam kết của các doanh nghiệp với các cá nhân hoặc là giữa các cá nhân với nhau. Nhà nước không thể bảo hộ và pháp luật hiện nay cũng không công nhận những tài sản ảo đó. Bởi nếu làm vậy là trái với Bộ luật Dân sự hiện hành. Nếu xảy ra tranh chấp về vấn đề tài sản ảo này, các doanh nghiệp và cá nhân tự giải quyết với nhau, chứ pháp luật không bảo đảm về vấn đề này. Tôi cho rằng khi một doanh nghiệp tuyên bố bảo hộ những tài sản ảo đó, họ cần phải xem xét lại mọi vấn đề, bởi vì chính họ đang làm trái với pháp luật của Việt Nam hiện nay.
- Thưa Thứ trưởng, chúng ta đã tính đến việc sản xuất và xây dựng các kịch bản, nội dung game online mang thương hiệu Việt Nam chưa?
- Game online là một loại hình khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đối với thế giới thì không phải là quá mới. Với những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc thì ngoài việc có kinh nghiệm quản lý, họ cũng đã sản xuất rất thành công những trò chơi có tính phổ biến rộng rãi. Trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ của Trung Quốc do VinaGame đang phát hành ở Việt Nam là một thí dụ điển hình. Sỡ dĩ nó thu hút được nhiều người Việt Nam chơi, nhất là lớp trẻ là vì kịch bản và nội dung của nó dễ hiểu, có nhiều điểm tương đồng với nhận thức văn hóa của người Việt Nam.
Tôi cho rằng, Việt Nam với mấy nghìn năm lịch sử, có rất nhiều giai thoại, truyền thuyết sử thi, những sự kiện lịch sử hào hùng… sẽ cung cấp đủ chất liệu để xây dựng kịch bản, nội dung cho các game online một cách hấp dẫn. Chúng tôi khuyến khích và ủng hộ các nhà sản xuất game Việt Nam nghiên cứu, đầu tư và sản xuất những game online như vậy.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
|