Siêu máy tính Blue Gene/L lập kỷ lục tính toán mới
Các Website khác - 29/10/2005
Hệ thống siêu máy tính
Blue Gene/L.
Hệ thống siêu máy tính Blue Gene/L đã tự phá vỡ kỷ lục của chính nó khi đạt được tốc độ tính toán lên tới 280,6 teraflop (tức khoảng 280,6 nghìn tỷ phép tính mỗi giây), gấp đôi so với trước đây.
Ngày 28-10, ông Linton F Brook thuộc Cơ quan An toàn Hạt nhân quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) đã chính thức giới thiệu hệ thống siêu máy tính này tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Hoa Kỳ Lawrence Livermore.

Hệ thống siêu máy tính này do IBM chế tạo và đã được chính thức công nhận là hệ thống máy tính mạnh nhất hành tinh từ hồi tháng 6. Cứ sáu tháng một lần, các chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá các hệ thống siêu máy tính mạnh nhất để đưa vào danh sách Top 500.

Hiệu suất của Glue Gene, hiện vẫn đang trong quá trình lắp đặt, đã tăng lên gấp bốn lần chỉ trong một năm qua. Nếu mỗi người trên thế giới sử dụng một chiếc máy tính cầm tay để thực hiện các phép tính thì cũng phải mất đến hàng thập kỷ mới có thể thực hiện được số phép tính mà Blue Gene hiện có thể làm trong một giây.

Blue Gene/L sẽ kết hợp với một siêu máy tính khác có tên là ASC Purple để thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho các hầm chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ. Hệ thống Purple có hiệu suất đạt 100 terflop khi nó thực hiện mô phỏng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ông Brooks nói: "Khả năng tính toán chưa từng có mà hai hệ thống siêu máy tính này đạt được rất quan trọng trong việc đáp ứng các vấn đề khẩn cấp liên quan tới việc duy trì các kho vũ khí hạt nhân đã già cỗi của Hoa Kỳ mà không cần tới những thử nghiệm thực tế".

Blue Gene sẽ thực hiện tính toán sự lão hóa của vật liệu, động lực học phân tử, lập mô hình vật liệu cũng như sự hỗn loạn và tính không ổn định trong thủy lực học. Còn Purple sau đó sẽ sử dụng các thông tin này để chạy các mã vũ khí ba chiều cần thiết để nhanh chóng mô phỏng hiệu suất các vụ nổ vũ khí hạt nhân. Những phân tích này trước đây thường phải thực hiện bằng các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất.


Các siêu máy tính còn giúp
dự báo sự thay đổi của khí hậu.

Khi hoạt động cùng nhau, hai hệ thống máy tính này có thể đạt tới hiệu suất 0,5 petaflop, tức là tương đương khoảng 500 nghìn tỷ phép tính mỗi giây.

Các siêu máy tính đóng vai trò ngày một quan trọng trong việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề phức tạp. Gần đây chúng đã trở thành một công cụ chính trong hàng loạt các ứng dụng sinh học tiên tiến, từ việc kết hợp các chuỗi thông tin DNA tới giúp thiết kế các phân tử thuốc mới. Các nhà thiên văn học cũng đã sử dụng chúng để tìm cách tái tạo quá trình hình thành của vũ trụ. Ngoài ra, các hệ thống này còn được sử dụng để cải thiện độ chính xác của việc dự báo thời tiết, giúp thiết kế xe hơi và phân tích thảm họa.

Theo Theo BBC