VINASAT - 1, bước tiến của ngành công nghệ thông tin
Các Website khác - 12/03/2008
 
Mô hình vệ tinh Vinasat (ảnh do Ban Vinasat VNPT cung cấp).

KTNT - Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư. Dự kiến, ngày 28/3/2008, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh VINASAT - 1 với hai trạm điều khiển mặt đất tại Việt Nam gồm: Trạm chính tại Hà Tây và trạm dự phòng tại Bình Dương. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm thông tin Vệ tinh (Công ty Viễn thông Quốc tế - VTI).

Vệ tinh VINASAT - 1 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam, thưa ông?

Vệ tinh VINASAT - 1 là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước đối với nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới thông tin quốc gia, hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin vệ tinh trong nước, có tác động tích cực đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... Trên thế giới, vệ tinh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng vào sự phát triển của nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và truyền hình.

Khi nào vệ tinh VINASAT - 1 chính thức được đưa vào khai thác thương mại và điều này sẽ đem lại cho người dân những lợi ích gì?

Ngày 28/3/2008, vệ tinh VINASAT - 1 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Khi đó, Hãng Lockheed Martin (Mỹ) - đơn vị trúng thầu cung cấp vệ tinh sẽ thực hiện việc kiểm tra đo thử vệ tinh trên quỹ đạo trong vòng 01 tháng. Như vậy, ngày 27/4/2008, vệ tinh sẽ được chính thức bàn giao cho VNPT để đi vào giai đoạn khai thác thương mại. Vệ tinh VINASAT -1 khi được phóng lên sẽ là nền tảng để cung cấp các dịch vụ công nghệ cao. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, theo đó sẽ có cơ hội được sử dụng nhiều dịch vụ hiện đại thông qua Dịch vụ cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh hoặc thuê lẻ dung lượng sử dụng để kinh doanh) và Dịch vụ trọn gói: kênh thuê riêng cho các doanh nghiệp, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu cho các ngân hàng... Đặc biệt, thành tựu này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT đến những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Vệ tinh VINASAT - 1 khi đưa vào khai thác liệu có đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng không, thưa ông?

Khi xây dựng dự án phóng vệ tinh, chúng tôi đã tính đến cũng như khảo sát toàn diện các yêu cầu của khách hàng rồi mới xây dựng cấu hình của vệ tinh. Đặc thù của vệ tinh là không phụ thuộc biên giới quốc gia mà vùng phủ của vệ tinh bao trùm đến đâu thì khả năng cung cấp dịch vụ có thể thực hiện đến đó. Vệ tinh VINASAT - 1 của Việt Nam có thể truyền tải toàn bộ các tín hiệu thoại, số liệu, internet và các tín hiệu phát thanh, truyền hình trong vùng phủ của nó, cụ thể là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, các quần đảo của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, một phần phía Đông châu úc.

Việc phóng vệ tinh ước tính sẽ tiết kiệm được bao nhiêu cho Việt Nam, thưa ông? Liệu chi phí hơn 300 triệu USD cho 15 năm sử dụng phóng vệ tinh có rẻ hơn việc thuê băng tần của nước khác?

Mỗi năm, ước tính các đơn vị trong nước mất 10 - 15 triệu USD để thuê băng tần của nước ngoài. Mặc dù vệ tinh của Việt Nam có chi phí khá lớn và chỉ khai thác được trong vòng 15 - 20 năm nhưng nếu thuê băng tần của nước ngoài, khả năng phát triển dịch vụ của chúng ta sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, việc sở hữu vệ tinh của chính mình sẽ thúc đẩy các dịch vụ phát triển và đem lại các nguồn thu lớn trong tương lai. Các dịch vụ đa dạng, hiện đại mà vệ tinh cung cấp sẽ khiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường sử dụng và khai thác dịch vụ. Mặt khác, lợi ích về chính trị, xã hội, văn hóa mà vệ tinh VINASAT - 1 đem lại là vô cùng to lớn chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố kinh tế. Hiện nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước khu vực châu á đã phóng vệ tinh của riêng mình như Trung Quốc, Thái Lan. Có thể khẳng định chất lượng của vệ tinh VINASAT - 1 không thua kém bất cứ vệ tinh nào của các nước trên thế giới hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Bích Thủy