Bài học giới tính chưa "lớn" cùng giới trẻ
Các Website khác - 29/11/2008
 

Số học sinh lãnh hậu quả vì “ăn trái cấm” xảy ra ngày càng nhiều. Trường học, môi trường giáo dục chính thống vẫn còn né tránh. Việc giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), được đánh giá là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.





Những câu hỏi "đau đầu"

Một học sinh lớp 12 (Hà Nội) phân trần: “Ở trường em, chưa bao giờ có buổi học riêng về giáo dục giới tính mà chỉ xen kẽ trong các giờ sinh học. Nhưng các thầy cô giáo cũng chẳng nói nhiều. Trường thì chật chội, không có khuôn viên rộng, nếu muốn tổ chức các hoạt động văn nghệ lớn một chút cũng phải chạy đi mượn địa điểm thì làm sao mà mời các chuyên gia tư vấn tâm lý về nói chuyện được. Chúng em muốn biết thì phải tìm sách mà đọc hoặc hỏi bạn bè, xem phim thôi”.

Nếu trước đây chục năm, vị thành niên thường hỏi những câu hỏi về SKSS đơn giản như: Tại sao lại thủ dâm, thủ dâm có hại hay không? Sao 16 tuổi chưa có kinh? Ngực hai bên không bằng nhau ảnh hưởng gì tới sau này? Chỉ ôm nhau, hôn nhau thì có thai không?... thì bây giờ những thắc mắc của các em “nặng ký” hơn. “Các em thường hỏi nhiều câu về quan hệ tình dục (QHTD)".

Được đối thoại thẳng thắn và cởi mở về SKSS ngay trong trường học luôn là mong muốn của học sinh phổ thông.
 
Tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh (Hà Nội) cho biết: “Những thắc mắc của thanh thiếu niên gọi về tổng đài chúng tôi những câu hỏi như: Ngày nào thì không có thai, làm thế nào để đạt được khoái cảm? QHTD nhiều lần có hại gì không? Chậm kinh mấy ngày thì nên đi khám? Thuốc tránh thai khẩn cấp mua ở đâu? Nên uống thế nào? QHTD với hai bạn trai liền nhau thì khi có thai, cái thai là con ai?”...

Các trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm trung bình mỗi ngày nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các bạn trẻ là các em học sinh với những câu hỏi tương tự. Thậm chí, có những câu hỏi của các em còn gây sốc cho các chuyên gia tư vấn. TS Đinh Đoàn kể: “Có em nữ hỏi chúng tôi là vá màng trinh ở đâu? Giá bao nhiêu? Hoặc có trường hợp thắc mắc: Hai anh em con chú con bác, anh em ruột mà có QHTD thì khi có thai, có sinh ra quái vật không?”.

Theo một cán bộ Quỹ Dân số thế giới, hiện nay, thanh thiếu niên Việt Nam đang thiếu sự giáo dục cơ bản về tình dục và sức khỏe sinh sản nhưng lại đang tăng cường những trải nghiệm thực tế về tình dục. Nhiều nhà nghiên cứu hoặc nhà hoạt động xã hội học cho rằng tự do hóa tình dục trong thanh thiếu niên có thể là một xu hướng. Xu hướng này gần giống với cuộc cách mạng tình dục ở thế kỷ trước ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, vì có sự níu giữ của những giá trị truyền thống nên đó chỉ là "xu hướng" chứ không tự do hoàn toàn như các nước phương Tây.

"Các em có hiểu, có biết nhưng hiểu biết chưa tới nơi". TS Đinh Đoàn khẳng định: “Hiểu biết về SKSS của các em còn ít và thiếu nhưng lại thừa thực tế QHTD”.

Nhà trường còn "rào trước, đón sau"

Những cuộc điện thoại dồn dập hàng ngày ở các trung tâm tư vấn nói lên một thực tế: Trẻ vị thành niên quan tâm nhiều đến những chuyện xung quanh QHTD nhưng các em chưa được trang bị đủ thông tin. Hiện nay, việc giáo dục SKSS trong trường phổ thông được tiến hành qua giờ học chính khóa và các buổi ngoại khóa. Ở hình thức chính khóa, hiện nay các nhà trường đang áp dụng theo kiểu lồng ghép vào các môn khác chứ không có một môn học riêng.

Ví dụ: Ở tiểu học, nội dung này được lồng ghép vào môn khoa học, lên cấp hai, nội dung này có ở môn Sinh học lớp 8, cấp ba cài vào môn Giáo dục công dân, môn Địa lý. Lên đại học có rải rác ở các môn: Kinh tế chính trị, Địa lý, Tâm lý... và tên gọi không phải là SKSS mà là dân số. Lồng ghép như vậy dẫn đến thực trạng là môn nào giảng thì nội dung này sẽ được viết và dạy theo cách của môn học đó. Ví dụ, ở môn Địa lý sẽ chú trọng vào vấn đề dân số và sự khác biệt về địa lý, môn Kinh tế chính trị nhấn mạnh vào việc di cư, nhập cư và những ảnh hưởng của nó đến dân số… Không có một môn học riêng biệt, độc lập nên không có sự toàn diện, có tính hệ thống. Cũng vì lý do này mà giáo viên kinh tế chính trị cũng phải dạy về sức khỏe sinh sản, giáo viên địa lý cũng phải dạy về SKSS.

Quỹ Dân số thế giới trước khi thực hiện các dự án đều khảo sát và điều tra tình hình giáo dục SKSS tại các trường phổ thông. Kết quả khảo sát đã phát hiện nhiều câu chuyện "cười như mếu": Một cô giáo dạy giáo dục công dân khi dạy về SKSS, phải nhận những câu hỏi đại loại: “Thưa cô, sử dụng bao cao su như thế nào” hay là “Tính vòng kinh ra sao?”…

Thực tế, vẫn chưa có giáo viên có thể đứng lớp với tư cách một chuyên gia về lĩnh vực này để giải đáp những thắc mắc cho học sinh. Các trường khắc phục thiếu sót này bằng việc mời chuyên gia uy tín về nói chuyện để “mở mang” cho các em. Đây được xem là biện pháp tích cực nhưng không phải trường nào cũng làm được và làm đều đặn. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới, Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS… các trường mời chuyên gia, trung tâm y tế dự phòng hoặc trung tâm phòng chống AIDS đến nói chuyện cho vài trăm học sinh một khối lớp. Tuy nhiên, biện pháp tích cực này vẫn bị hạn chế, một phần vì sự “rào trước, đón sau” của chính các thầy cô.

TS Đinh Đoàn sau một số lần được các trường phổ thông mời về nói chuyện với học sinh về vấn đề SKSS đã chia sẻ: “Khi xuống các trường nói chuyện về chủ đề “Tình bạn – Tình yêu – Sức khỏe sinh sản”, tôi vẫn thường được nhắc nhở rằng: Đừng nói chuyện tình dục với các em, chỉ nên khuyên bảo các em cố gắng học, học, học!”.

Bài học giới tính dành cho học sinh hiện nay chưa lớn kịp sự trưởng thành của thanh thiếu niên. Và vì lẽ đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia, nên chăng các trường cần thay đổi quan điểm về việc đưa tài liệu cũng như phương pháp giảng dạy các kiến thức về SKSS cho học sinh

Lục Anh Thư, HS lớp 12G1, trường THPT Marie curie (Hoàn Kiếm, HN)
 
“Cần có trung tâm tư vấn ngay trong trường”
 
Lâu nay, trong giờ học chính, chúng em được học rất ít về điều này. Vì chương trình học bây giờ của chúng em rất nặng. Sách thì ngày càng dày thêm, học thêm cũng nhiều nên không có thời gian để các thầy cô dạy nhiều về SKSS.
 
Thế mà chúng em có bao nhiêu là vấn đề cần hỏi, cần biết về SKSS. Em nghĩ rất nên thành lập hẳn một trung tâm tư vấn về tâm lý cũng như là về SKSS cho học sinh ngay trong mỗi trường. Chúng em sẽ được tư vấn ngay mà không phải tìm và hỏi khắp nơi như trước nữa.
                                                                                                                                   Theo Kenh14.vn