Bệnh viện Mulago kỳ thị đối xử các sản phụ nhiễm HIV
Các Website khác - 05/04/2006

Các thai phụ nhiễm HIV đang phải chịu đựng thái độ kỳ thị phân biệt đối xử và bị nhục mạ tại bệnh viện Mulago, một bệnh viện lớn nhất Uganda. Thông tin được trích dẫn theo báo cáo đăng tải của tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Foundation for Human Rights Initiative (FHRI).

Các nhà nghiên cứu đã dẫn chứng bằng lời khai nhận của tất cả những phụ nữ, buộc tội nhóm y tá và hộ lý ở phòng sản tại bệnh viện Mulago đã không những không cấp thuốc cho họ mà còn nhục mạ họ vì việc họ bị nhiễm virus HIV.

Các phụ nữ trên đều là những thành viên của tổ chức hỗ trợ tâm lý xã hội có tên Mama Club do Tổ chức hỗ trợ người nhiễm AIDS (TASO) thiết lập. Đây là một tổ chức phi chính phủ của địa phương, tập hợp tất cả những phụ nữ có chung hoàn cảnh bị phân biệt đối xử do nhiễm virus HIV.

Chính quyền của ông Yoweri Museveni, tổng thống Uganda từ trước tới nay vốn được dư luận quốc tế khen ngợi vì thái độ lập trường rất hăng hái trong công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS, ngay ở thời điểm khi đại dịch vẫn còn là một trong những vấn đề cấm kỵ nhất ở châu Phi.

Chiến lược tiên phong “tiết chế, chung thuỷ và sử dụng bao cao su – ABC” đã một thời là mô hình được triển khai rộng rãi trên toàn châu lục và được tán dương nhờ thành tích làm giảm tỉ lệ lây nhiễm đại dịch của Uganda từ 20% xuống còn 6%, đây chính là mức hiện tại. Tuy nhiên, theo báo cáo của FHRI thì tổ chứcnày khẳng định, đại dịch vẫn còn gắn với rất nhiều kỳ thị, phân biệt đối xử.

Bệnh viện Mulago ở Kampala là bệnh viện chuyên trách chăm lo đời sống sức khoẻ cho các cư dân Uganda sống tại khu vực thủ đô và những vùng ven, hầu hết những người phải đến đây đều là những người không có đủ tiền trả cho các dịch vụ y tế tư nhân.

Anne, một phụ nữ 40 tuổi, mẹ của cháu bé 5 tuổi cho FHRI biết, cô cho rằng, con cô bị nhiễm HIV chính là vì sự thờ ơ của một hộ lý của bệnh viện Mulago. Cô lý giải: “Khi tôi sinh cháu, nó bị ngã vào một vũng máu. Khi một hộ lý bước tới chăm sóc tôi, đôi găng tay chị ta đang đeo đã được dùng với một bệnh nhân khác, nhưng người y tá nói rằng, vì tôi đã nhiễm virus HIV rồi nên cô ta sẽ chẳng làm lây bệnh khác nào nữa cho tôi được”. Và khi đó, số phận của Anne đã bị “đóng dấu”.

Mary năm nay 28 tuổi là một người mẹ khác, cô cho biết, các y tá trong phòng đẻ đã lăng mạ cô sau khi từ chối giúp đỡ cô lúc phát hiện cô nhiễm virus HIV.

Cô Anne Kaddmukasa, phát ngôn viên của tổ chức TASO tỏ ý lo lắng, những kỳ thị và phân biệt đối xử như đã xảy ra với các bà mẹ nhiễm HIV dương tính ở Mulago rất có thể sẽ còn tiếp tục lan rộng.

Cô nói: “Hiện tại, các nhân viên y tế vẫn còn thiếu nhận thức về cách thức lây nhiễm virus HIV. Chúng ta sẽ cố gắng để giúp họ hiểu điều này, để họ nhận thức được rằng, phân biệt đối xử với những phụ nữ nhiễm HIV là rất không công bằng”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ y tế Mike Mukula gạt bỏ ý kiến cho rằng, các y tá và hộ lý không được đào tạo đầy đủ kiến thức về những con đường lây nhiễm virus HIV.

Ông nói: “Tất cả các hộ lý và y tá đều hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, và một số còn được đào tạo cả về cách tư vấn với những bệnh nhân nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải được đối đãi công bằng như với tất cả những người bình thường, không những thế, họ còn phải được chăm sóc nhiều hơn là đằng khác”.

Cô Wendy Kasujja, một phát ngôn viên của FHRI khẳng định, hành động phân biệt đối xử của đội ngũ nhân viên y tế ở bệnh viện Mulago chính là sự xâm phạm nhân quyền cơ bản. Cô còn viện dẫn một chứng cứ khác là, bệnh viện Mulago thường bắt những sản phụ nhiễm HIV phải mang theo 4 đôi găng tay phẫu thuật thay vì một đôi như vẫn yêu cầu với các sản phụ khác.

Cô nói: “Bệnh viện Mulago là một bệnh viện trung ương và chúng tôi hy vọng việc cung cấp găng tay của các giới chức y tế sẽ là điều kiện tất yếu. Không thể cấp đủ găng tay thì nguy cơ đe doạ tính mạng của bà mẹ và trẻ em là vẫn còn và đó là điều không chấp nhận được”.

Ông Mukula cho biết, Bộ y tế đã yêu cầu giám đốc điều hành bệnh viện Mulago là bác sĩ Dumba xem xét kỹ hơn về tình trạng nêu trên.

Còn FHRI thì cho rằng, nhân sự y tế trong các bệnh viện trung ương ở Uganda nói chung và ở bệnh viện Mulago nói riêng cần phải được tư vấn và đào tạo về điều trị người bệnh nhiễm HIV, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề chăm sóc, điều trị sản phụ.

Dương Kim Thoa theo

http://allafrica.com/stories/200603310547.html