Cả nước còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm
Báo Tiếng chuông - 17/08/2016
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2016 có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được thống kê, nâng tổng số cơ sở loại hình này lên hơn 126.000 cơ sở với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc, có nguy cơ cao nếu không được quản lý chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên.
Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Bên cạnh đó còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 của các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 8.577 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 3.068 cơ sở vi phạm (tăng 1.068 lượt cơ sở và 365 cơ sở vi phạm so với cùng kỳ năm 2015). Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 616 cơ sở; phạt tiền 1.899 cơ sở với số tiền phạt hơn 18 tỷ 823 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 158 cơ sở và 395 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm; tịch thu số tiền góp vốn để sử dụng mục đích mua bán dâm).

Đấu tranh, truy quét 732 lượt tại các địa điểm công cộng, (tăng 216 lượt so với cùng kỳ năm 2015), triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 377 vụ với 1.432 đối tượng (tăng 34 vụ và giảm 1.017 đối tượng so với cùng kỳ năm 2015), trong đó người bán dâm là 834 người, mua dâm 294 người, chủ chứa, môi giới 304 người.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với 547 vụ/736 bị can, so với cùng kỳ năm 2015 số vụ án giảm là 08 vụ (tỷ lệ 1,46 %), nhưng tăng 117 bị can (tỷ lệ 15%).

Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 491 vụ với 644 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm (tăng 49 vụ, 41 bị can so với cùng kỳ năm 2015); đã giải quyết, xét xử 404 vụ với 520 bị cáo, đạt tỷ lệ 82,3%.

Về công tác phòng, chống bạo lực giới, giảm hại và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm, tiếp tục xây dựng và duy trì 428 mô hình hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, số người được hưởng lợi từ mô hình: 2.066 lượt người bán dâm, 10.286 lượt người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng, chú trọng các hỗ trợ xã hội, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…) còn đang trong giai đoạn thí điểm, triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực nên số người được tiếp cận còn rất ít so với thực tế, chủ yếu tập trung hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục.

Mặt khác, thời gian thí điểm ngắn, chưa đủ cơ sở thực tiễn để xây dựng các chính sách, pháp luật cho phù hợp; trong 08 tháng đầu năm 2016 có 485 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng, trong đó: 224 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 153 lượt người được tư vấn trợ giúp pháp lý; 37 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 71 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh 456 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ kinh phí trong và ngoài nước. Có khoảng 880 người bán dâm tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm tại các tỉnh, thành phố.