Cà phê ôm đang bùng nổ ở Bình Dương. Thật khó để tìm được một quán cà phê đúng nghĩa trên những cung đường “nóng”. Thay vào đó là các quán cà phê ôm mọc lên dày đặc như nấm gặp trời mưa, kéo theo nhiều hệ lụy rất đáng quan ngại đối với xã hội. Góc khuất sau những chòi lá
9 giờ sáng, chúng tôi vào quán cà phê Ph.Th. trên đường Lê Chí Dân thuộc xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đậu trước cửa ra vào là một chiếc xe hơi bốn chỗ đời mới sang trọng. Ngay ở chòi đầu tiên là một người đàn ông khoảng 50 tuổi và bốn cô tiếp viên đang nằm ngả ngớn trên võng. Thấy tôi, một cô gái khoảng hơn 20 tuổi chạy ra vồ vập: “Lâu rồi anh mới ghé quán em nha”, mặc dù đây là lần đầu tiên tôi đến quán cà phê này. Năm phút sau, ly cà phê được bưng ra kèm theo một chiếc khăn lạnh. Vừa đặt đồ uống lên bàn, cô gái nhảy tót lên đùi tôi ngồi, rất sỗ sàng. Phải nói mãi cô ta mới chịu xuống ngồi ở chiếc võng kế bên. “Đưa khăn lạnh ra để làm gì?”, tôi hỏi. “Tí nữa anh sẽ biết!”, cô gái trả lời lấp lửng, cùng cái nháy mắt đầy ẩn ý và nụ cười lẳng lơ. Vừa pha cà phê cô vừa nói: “Anh ra chòi phía sau ngồi nhé? Em út phục vụ cho, 80.000 đồng một suất bao cả tiền nước”. Tôi chưa kịp phản ứng thì cô ta đứng dậy bưng cà phê đi ra phía sau khiến tôi phải miễn cưỡng bước theo. So với những chòi ở phía trước thì những chòi phía sau kín đáo hơn nhiều. Các chòi được thiết kế theo kiểu hình đống rơm, lá dừa phủ xuống sát mặt đất kín mít. Cửa chòi là một tấm bạt che tạm bợ. Phía trong chỉ có một chiếc võng rách bươm và một cái bàn nhựa đen sì, cáu bẩn. Mùi ẩm thấp của nền đất bốc lên nồng nặc. Một mùi tanh khó tả xộc vào mũi khiến tôi muốn buồn nôn. Khó khăn lắm tôi mới ngồi được lên võng, chưa kịp quen với bóng tối trong chòi thì cô gái đã sà vào lòng, đưa khăn lạnh lên lau mặt khách. Không chịu nổi không khí ngột ngạt trong chòi và thái độ suồng sã của cô gái, tôi đứng dậy chạy ra phía trước ngồi, bỏ cô gái ngơ ngác một mình trong chòi. Cách quán Ph.Th. khoảng 30 mét là quán L.L. cũng có kiểu câu khách tương tự như vậy. Phía trước của quán này không có chòi như quán Ph.Th., thay vào đó là khoảng gần chục bộ bàn ghế đặt dưới gốc cây điều. Đây là nơi các tiếp viên mồi chài khách lạ, khách quen thì cứ việc chạy thẳng ra năm chòi lá nằm ở phía sau quán. Đường Lê Chí Dân đoạn từ ngã tư Sở Sao đến ngã tư Cây Me dài khoảng 3km thuộc xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, từ lâu đã nổi tiếng trong giới ăn chơi với các quán cà phê có em út biết chiều khách tới bến. Đây là một trong những cung đường “nóng” nhất về cà phê ôm ở thị xã Thủ Dầu Một. Ổ “nhền nhện” giữa rừng cao su
Thời gian gần đây, do liên tục bị kiểm tra, các quán cà phê ôm rút dần về vùng nông thôn. Xã Long Nguyên thuộc huyện Bến Cát là một trong những địa điểm lý tưởng cho loại tệ nạn này. Đi trên đường ĐT749, đoạn chạy qua xã Long Nguyên có thể dễ dàng nhận thấy các quán cà phê sân vườn, cà phê chòi nhiều hơn cả nhà dân! Hầu hết những quán cà phê này đều nằm giữa rừng cao su và rất tạm bợ. Thậm chí nhiều quán còn nằm sâu phía trong cách đường ĐT 749 hàng trăm mét. Hai bên đường dẫn vào quán rất hẹp, cây cối rậm rạp và hoang vắng, rất nguy hiểm. Các quán cà phê trá hình này còn kiêm luôn dịch vụ nhà nghỉ hoặc quán nhậu nếu khách có nhu cầu. Thức ăn và đồ uống ở đây cũng đắt vô cùng. Một chiều cuối tuần, chúng tôi ghé quán cà phê kiêm nhà nghỉ M.N. ở xã Long Nguyên. Lối dẫn vào quán là con đường đất ngoằn ngoèo dài khoảng hai trăm mét, hai bên đường cây cối um tùm. Quán nằm giữa rừng cao su bạt ngàn và không có tường bao. Tôi thấy khoảng 20 chòi lá nhếch nhác nằm rải rác khắp nơi. Nằm giữa các chòi này là hai căn nhà cấp bốn, một căn dùng làm nhà ở của chủ quán và tiếp viên, căn còn lại gồm năm phòng mới xây dùng làm nhà nghỉ. Theo H., một thổ địa ở đây thì quán cà phê này là một trong những quán nổi tiếng nhất ở xã Long Nguyên về khoản tiếp viên trẻ đẹp, sẵn sàng chiều khách từ A đến Z. Một suất ngồi chòi 80.000 đồng, vào nhà nghỉ 150.000 đồng. Chòi ở đây khá kín đáo và cách xa nhau nên hầu hết khách ngồi chòi để tiết kiệm.
Cách quán này không xa là quán Th.X. cũng nổi tiếng không kém. So với các quán cà phê ôm ở xã Long Nguyên thì quán này khá đặc biệt. Năm chòi lá được đắp bằng đất sét nằm ở giữa rừng tre, cửa ra vào của các chòi là một tấm bạt màu xanh lúc nào cũng được thả xuống. Khách đến quán muốn ngồi chòi thì phải trả cho chủ quán 30.000 đồng một ly cà phê nhạt như nước ốc. Ngoài ra còn phải bo cho tiếp viên tùy theo nhu cầu muốn phục vụ tới đâu... Xã Long Nguyên là một vùng quê nghèo, khá yên tĩnh với những ngôi nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng nép mình dưới rừng cao su. Từ khi các quán cà phê ôm chuyển về đây hoạt động thì tình hình trở nên phức tạp. Trong xã thỉnh thoảng lại xảy ra trộm cắp. Một số thanh niên địa phương bị cuốn vào vòng xoáy của nạn hút chích. Tiếp viên quán cà phê còn lợi dụng sự chân chất của một số nông dân nhiều tiền ham của lạ để chiếm đoạt tài sản, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bến đỗ của những mảnh đời Khi loại hình mại dâm đứng đường đã có phần lạc hậu bởi sự rủi ro rất cao thì các quán cà phê trá hình được xem là bến đỗ khá an toàn đối với gái bán dâm. Nhiều tiếp viên ở các quán này cho biết trước đây họ đứng đường để đón khách phải chịu rất nhiều thiệt thòi, tiền đi khách phải chia năm xẻ bảy cho ma cô, còn bị công an hốt bất cứ lúc nào. “So với đứng đường thì làm tiếp viên cho các quán cà phê ôm nhàn nhã hơn nhiều”, Tr. một tiếp viên của quán C.Q. nhận xét. Không chỉ là bến đỗ của gái mại dâm, các quán này còn là nơi dừng chân kiếm sống của nhiều mảnh đời khác nhau. Từ những cô công nhân tranh thủ làm thêm trong thời gian thất nghiệp, những phụ nữ chồng bỏ không nơi nương tựa từ miền Tây lên, đến những cô gái tuổi vị thành niên nhưng nhà nghèo phải đi kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình. Trong những lần đi thực tế, chúng tôi gặp vô số những mảnh đời như thế. P., quê ở Cần Thơ, năm nay 18 tuổi nhưng đã có hai năm làm việc trong quán cà phê ôm K.D. trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. P. kể năm cô vừa tròn 16 tuổi, do nhà nghèo nên theo một người chị họ lên Bình Dương làm tiếp viên cho quán cà phê ôm kiếm tiền. Tôi hỏi sao không chọn nghề khác, P. trả lời tỉnh bơ: “Làm nghề này vừa khỏe lại vừa nhiều tiền. Mấy người chị họ ai cũng làm nghề này cả có sao đâu”. Các cơ quan chức năng cố tình làm ngơ?
Hầu hết các quán cà phê ôm ở Bình Dương có những đặc điểm rất dễ nhận biết. Tiếp viên tiếp khách ở những chòi lá kín mít, buổi tối điện không đủ sáng theo quy định và tiếp viên không có hợp đồng lao động. Nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không phát hiện được những vi phạm rõ như ban ngày này hay phát hiện nhưng cố tình làm ngơ? Nhiều lần chúng tôi hỏi các tiếp viên trong những quán cà phê ôm để tìm hiểu nguyên nhân thì được trả lời là “chủ quán đã mua hết rồi nên không có gì phải sợ”. H., một tiếp viên kỳ cựu ở quán K.D. cho biết hàng tháng cô và bốn tiếp viên nữa phải đóng cho chủ quán mỗi người 100.000 đồng. Riêng chủ quán phải nộp mỗi tháng 500.000 đồng. Tuy nhiên, các quán này thỉnh thoảng vẫn bị công an kiểm tra và phạt “nóng”. Anh T. từng làm công an xã Long Nguyên cho biết, việc triệt phá các quán cà phê ôm ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Khi đi kiểm tra thì đã có người báo trước nên các quán đều chuẩn bị sẵn phương án đối phó. Khi đoàn kiểm tra đến thì nhìn có vẻ là một quán cà phê sân vườn bình thường nhưng khi đi khỏi thì tiếp viên lại phục vụ khách xả láng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp thật sự đủ mạnh và nghiêm túc, nhanh chóng loại bỏ tệ nạn này khỏi đời sống xã hội nhằm đề phòng những hiểm họa về lâu dài đối với cuộc sống của người dân, nhất là đối với giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. | ||||||||
NGUYỄN VŨ - |
▪ Gái mại dâm 'tay ga' tung hoành ở Sài Gòn (30/07/2008)
▪ Hai nữ sinh trượt ngã vì ma túy (28/07/2008)
▪ Mại dâm núp bóng quán cà phê - giải khát (25/07/2008)
▪ Cảnh báo kiểu "yêu" kỳ dị (25/07/2008)
▪ Trốn trại ra "chợ tình" hành nghề (24/07/2008)
▪ Lò luyện gái nhảy sexy ở HN (24/07/2008)
▪ Tự bán mình vào chốn lầu xanh (24/07/2008)
▪ Chuyện về những cô gái tự bán mình vào chốn lầu xanh (23/07/2008)
▪ Muôn vẻ mại dâm Sài Gòn (22/07/2008)
▪ Mưu sinh bằng "vốn tự có" (19/07/2008)