Số người nhiễm HIV toàn cầu đã trở nên rất nghiêm trọng, đáng báo động khi có khoảng 40,3 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong khi đó, gần 5 triệu người bị mới nhiễm căn bệnh thế kỷ này riêng trong năm 2005. Việt Nam hiện có khoảng 265.000 người nhiễm HIV.
![]() |
Một bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị. (BBC) |
Theo bản báo cáo hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Chương trình Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS công bố nhân Ngày Thế giới Phòng chống AIDS hôm 1/12, căn bệnh AIDS cũng đã làm 25 triệu người bị chết kể từ khi nó được phát hiện năm 1981, trở thành 1 trong những căn bệnh chết người nhất trong lịch sử loài người.
Năm 2005, căn bệnh AIDS cũng đã làm ít nhất 3,1 triệu người chết, trong đó có khoảng 570.000 trẻ em dưới 15 tuổi.
Theo bản báo cáo này, con số người nhiễm HIV trong năm 2005 đã tăng 6,5% so với năm 2003, trong đó hơn 1/2 là phụ nữ và cũng hơn một nửa số người nhiễm mới nằm trong độ tuổi 15-24. Trong vòng 20 năm tới, số người nhiễm HIV/AIDS có thể sẽ tăng lên con số kỷ lục là 70 triệu người nhiễm và khoảng 90 triệu người sẽ chết vì căn bệnh này vào năm 2010 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn cao như hiện nay.
Khu vực Sahara ở châu Phi vẫn là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất trên thế giới với 3,2 triệu người nhiễm mới trong năm 2005, chiếm 60% dân số, nâng tổng số người nhiễm HIV ở đây lên con số 25,8 triệu người. Tuy nhiên khu vực có tốc độ lây nhiễm khủng khiếp nhất thế giới lại thuộc Đông Âu và Trung Á, nơi có số người nhiễm đã tăng 25% và số người chết vì AIDS tăng 100% so với năm 2003. Đông Á cũng là một nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao, tăng 20% so với năm 2003. Ấn Độ là nước có 5,14 triệu người nhiễm HIV, đứng thứ 2 trên thế giới sau Nam Phi.
Toàn bộ khu vực châu Á hiện có 8,3 triệu người nhiễm HIV và khoảng 1,1 triệu người nhiễm mới năm 2005, chiếm 65% số người nhiễm HIV toàn cầu, và tăng 10% so với 10 năm trước.
Bản báo cáo chỉ ra khả năng tiếp cận tới các biện pháp phòng ngừa HIV vẫn còn rất hạn chế tại rất nhiều nước trên thế giới. Chỉ có 1/10 người nhiễm HIV ở châu Phi và 1/7 ở châu Á tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa. Điều đáng buồn là chỉ có 10% hay 4,3 triệu người trong tổng số 40,3 triệu người nhiễm HIV hiện nay được xét nghiệm và biết là họ mắc bệnh.
Tuy nhiên tại một số nước như Kenya, Barbados, Bahamas, Bermuda và Zimbabwe, tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm nhờ vào các biện pháp tuyên truyền sử dụng bao cao su, thái độ của người dân đối với vấn đề quan hệ tình dục và số bạn tình.
Trong năm 2005, thế giới đã chi hơn 8 tỷ USD trong việc giải quyết vấn đề lây nhiễm HIV tại các nước đang phát triển, tăng 2 tỷ USD so với 6 tỷ USD của năm 2004 những vẫn quá ít so với yêu cầu. WHO dự tính thế giới sẽ chi khoảng 9 tỷ USD cho việc chống nhiễm HIV năm 2006 nhưng con số cần thiết phải là 15 tỷ USD.
HIV là một loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm nhiễm HIV và có thể kéo dài từ 5-10 năm mới phát bệnh.
Tại Việt Nam, căn bệnh chết người HIV/AIDS cũng đã lan ra khắp 64 tỉnh thành trong cả nước với khoảng 265.000 người nhiễm, tăng gấp đôi so với năm 2000, trong đó khoảng 55,2% số bệnh nhân này là nghiện ma tuý, 2,8% là gái mại dâm và 1.67% lây qua đường tình dục. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một đợt bùng nổ về bệnh nhân HIV/AIDS trong tương lai gần với khoảng 40.000 người nhiễm mỗi năm nếu không có kế hoạch phòng chống hiệu quả.
Nguyên Hưng (Theo Xinhua, BBC)
▪ Báo động nạn lây nhiễm HIV do truyền máu ở Trung Quốc (01/12/2005)
▪ LHQ: Indonesia đang bắt đầu đại dịch (01/12/2005)
▪ WHO: Có thể 10 triệu người ở Trung Quốc nhiễm HIV/AIDS vào năm 2010 (29/11/2005)
▪ Nguy cơ lây nhiễm HIV của đồng tính nam rất cao (28/11/2005)
▪ Zambia: HIV/Aids vẫn đang hoành hành dữ dội (29/11/2005)
▪ "90 triệu bé gái trên thế giới không được đi học" (26/11/2005)
▪ Dịch HIV/AIDS ngày càng nghiêm trọng (26/11/2005)
▪ AIDS vẫn hoành hành tại châu Phi (25/11/2005)
▪ Ấn Độ: Số nạn nhân của HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng (25/11/2005)
▪ Hơn 40 triệu người nhiễm HIV/AIDS trên khắp thế giới (23/11/2005)