Khi trẻ em bị xem là một món hàng
Các Website khác - 03/11/2004

Cô bé Campuchia Khon Srey No (ảnh) được tìm thấy đang khóc nức nở tại một thị trấn tồi tàn sát biên giới Thái Lan. Srey No 16 tuổi, mù chữ, phải làm việc cật lực tại một nhà máy dệt ở Bangkok.

Cô phải dùng hồng phiến để ngăn chặn những cơn buồn ngủ hành hạ và không cảm thấy mệt mỏi. Tháng trước, cô lăn ra ốm do kiệt sức, chủ nhà máy đưa cô đến biên giới và bỏ mặc cô ở đó.

Không tổ chức quốc tế nào xác nhận được con số chính xác về nạn buôn bán người trên thế giới. Hằng năm ước tính khoảng 800.000 người bị bán qua biên giới, với số lãi lên đến tỉ USD. Đa số những người này bị bóc lột trầm trọng và bị lạm dụng tình dục. Châu Á, đặc biệt khu vực Đông Nam Á, đang là đầu mối cho những cuộc mua bán này. Đa số thanh thiếu niên nghèo được bán đến những vùng giàu có của Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác. Theo thống kê của năm 1998, 880.000 phụ nữ Campuchia bị bán đến Thái Lan, 500 trẻ em Campuchia buộc phải tham gia các băng đảng ở Thái Lan. Nhiều trẻ em bị bán vào Thái Lan từ Myanmar. Tiến sĩ David Feingold, cố vấn của LHP về nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, xác nhận: “Đây là một loại hình tội phạm vô tổ chức nhất. Thường thì một bọn người trong đường dây buôn người ở Trung Quốc bán một bé gái qua biên giới nhưng sau khi bé bị bán không ai biết được tên thật của những kẻ đó, khác kiểu tổ chức của bọn buôn ma túy”.

Ngày 29-10, tại Yangon, dưới sự bảo trợ của LHQ, Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar đã ký một hiệp định khung chống buôn người như nô lệ thời hiện đại trong khu vực. Hiệp định trên sẽ được triển khai ngay quý đầu của năm 2005. Một hội nghị bàn về các biện pháp chống buôn người sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 hoặc tháng 5 năm tới.

Ngọc Linh (Theo TST, AFP)