Chưa có cách ngăn chặn nạn dùng kim tiêm tống tiền
"Tối hôm qua, bọn chúng lại vứt ống chích vào nhà em... Chúng còn hăm dọa vợ chồng em. Khi báo công an thì họ chỉ cười, bỏ qua...” - cô Lữ Thị Thanh Thanh kể với nét mặt đầy lo âu.
Suốt hơn một tháng nay, cô Thanh và chồng là Anthony A. Pollock, người Australia, bị các con nghiện khủng bố ngay tại nhà của họ (đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, TP HCM). Theo ông Pollock (giáo viên Anh ngữ tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP), mọi chuyện bắt đầu khi ông đuổi các con nghiện trong xóm tụ tập mua bán, chích hút heroin trước nhà. Những người này đã quay lại đe dọa gia đình ông.
Nhiều người đang làm việc tại các ngân hàng ở khu vực Cầu Mống, quận 1 cho biết, ở đây có hiện tượng con nghiện cầm kim chích đi lang thang, hăm dọa những người đến đây rút tiền để “xin đểu”, thậm chí chặn cả đường ra nếu họ không cho.
Chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu
Đại úy Nguyễn Công Đáng - Phó Trưởng Công an phường Bến Nghé, quận 1 nói: “Về mặt tâm lý thì ai mà không ớn khi phải đối đầu với các đối tượng này, nhưng trách nhiệm thì mình phải làm”. Trước Tết, trong khi dẹp các đối tượng tệ nạn xã hội ở phường này, một cảnh sát khu vực đã bị kim của một kẻ nghiện đâm trúng tay.
Thiếu tá Nguyễn Thái Hòa - Trưởng Công an phường Nguyễn Thái Bình, quận cho biết: “Anh em chúng tôi đi làm nhiệm vụ gần như không có đủ phương tiện bảo hộ. Không phải là không thể dẹp được các đối tượng này nhưng nhiều khi tổ chức thu gom rồi lại không có đơn vị nào nhận cả. Hiện nay, biện pháp của chúng tôi chỉ là lập chốt, đuổi...”.
Bộ luật Hình sự mới đã quy định 2 điều về tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117) và tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118) với hình phạt khá nặng, có thể tới chung thân. Nhưng thực tế các điều luật này chưa hề được áp dụng. Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Viện trưởng VKS xét xử phúc thẩm tại TP HCM nói: “Từ trước đến nay, các cấp tòa án chưa xét xử trường hợp nào như vậy”.
Làm gì khi bị chọc kim chích
Bác sĩ Ngô Thị Kim Cúc - Phó Khoa Nhiễm E, Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP cho biết, khi bị kim tiêm dơ bẩn đâm rách da, chảy máu thì người đó không chỉ có nguy cơ lây nhiễm HIV mà còn những mầm bệnh khác như siêu vi B, C, viêm gan... Vì vậy, người bị nạn cần rửa sạch vết thương bằng cồn trên 70 độ và nặn máu ra bớt. Phải đưa người đó đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trước 72 giờ sau khi bị tai nạn để làm xét nghiệm. Nếu nghi nhiễm HIV thì bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn uống thuốc ngừa.
Điều đáng lo ngại là hiện chưa có thuốc uống ngừa chính thức (trừ thuốc dành cho nhân viên y tế và đối tượng phòng lây HIV từ mẹ sang con). Thuốc trôi nổi ngoài thị trường thì không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Bác sĩ Cúc cho rằng, Nhà nước nên nhập AZT và 3TC, là 2 loại thuốc đã được sử dụng có hiệu quả trên thế giới trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng đang sử dụng những loại này.
(Theo Thanh Niên, 22/3)
▪ AI GIEO NỖI BẤT HẠNH (25/03/2004)
▪ Hà Nội: Công an bị đối tượng HIV tấn công bằng... răng (25/03/2004)
▪ Nạn tấn công bằng máu nhiễm HIV ở Trung Quốc (25/03/2004)
▪ Truy tố 4 cha con dùng HIV “xin đểu” (25/03/2004)
▪ 10 -20 người Ukraina nhiễm HIV tại một bệnh viện (25/03/2004)
▪ Bắt hai tên cướp dùng bơm tiêm đâm cảnh sát (25/03/2004)
▪ Nghi vấn trong vụ cháu bé 5 tuổi bị nhiễm HIV (25/03/2004)
▪ Libya tiếp tục xử vụ 6 người Bulgary gây dịch HIV (25/03/2004)
▪ Giáo viên khốn đốn vì hiệu trưởng công bố mắc AIDS... nhầm (25/03/2004)
▪ Dùng kim tiêm cướp 40.000 đồng, nhận 90 tháng tù (03/02/2004)