Các bị cáo nghe Viện kiểm sát luận tội |
Bà cũng không hòa vào đám đông những thân nhân đứng nhớn nhác và sụt sùi vẫy gọi ở hàng rào khi các bị cáo được dẫn giải ra xe. Bà có nhiều dáng vẻ của một người tò mò, tìm hiểu hơn là một người có quan hệ đến vụ án. Tôi hỏi và bà gật đầu: “Tôi sắp mất con vì heroin”.
Bà ngần ngại kể về gia đình mình. Cũng bình thường như bao gia đình khác: ba mẹ đi làm, con đi học, bao nhiêu hi vọng đổ dồn vào cậu con trai hoạt bát, thông minh, học giỏi. Rồi một hôm bà phát hiện nhóm bạn của con vẫn thường tụ tập học nhóm tại nhà mình chia nhau mấy điếu thuốc lá. Cứ nghĩ đám trẻ tập tành làm người lớn, ngờ đâu nhắc nhở, răn đe, rồi ngăn cấm mới thấy cậu con trai vật vờ, xơ xác khi thiếu thuốc. "Sét" nổ giữa nhà vào cái ngày bà cầm tờ giấy báo kết quả xét nghiệm mang tên con trai mình.
Bắt đầu những ngày sóng gió khi đưa con đi cai nghiện. Con không chịu nổi đau đớn, cha mẹ không chịu nổi lo lắng. Xót ruột nên lại đưa con về nhà. Lại đi học, gặp bạn bè và tái nghiện. “Chúng tôi đang cho nó áp dụng phương pháp cai nghiện mới, kết hợp giữa thuốc và liệu pháp tinh thần”. Một viên thuốc mỗi ngày cùng sự giám sát chặt chẽ của bố, không biết bao nhiêu lời khuyên răn và nước mắt của mẹ. Bà còn bỏ công sức, thời gian sưu tập hàng loạt tài liệu, sách báo về tác hại của heroin cho con xem. Việc xuất hiện ở tòa án hôm nay cũng không ngoài mục đích đó.
“Chắc bà đã thành một chuyên gia về heroin?”, bà lắc đầu trước câu hỏi của tôi. Bà chỉ hiểu rằng một chút bột heroin bằng đầu móng tay có thể tỏa ra làn khói mỏng manh đưa tương lai của một người đến vực thẳm, đưa sự bình an của một gia đình đến bão tố. Bà đã đọc tin tức và chứng kiến nhiều con nghiện bị biến thành kẻ buôn bán ma túy và phải vào tù, nhiều người phải chết vì bệnh AIDS, vì sốc thuốc, vì suy kiệt. Bà rất căm phẫn những kẻ buôn bán heroin, gieo rắc cái chết trắng. Và bà rùng mình, ứa nước mắt khi câu chuyện quay lại vụ án này:
heroin được tính bằng đơn vị bánh, lượng heroin tròm trèm một tấn. “Cả tấn heroin, nghĩa là bao nhiêu đứa nhỏ bị đưa đến vực tử thần như con tôi, bao nhiêu gia đình phải vật vã như gia đình tôi?”.
Tôi mang câu hỏi của bà từ ngoài sân vào trong phiên tòa. Hầu hết các bị cáo đều khai nhận và tường thuật tỉ mỉ việc vận chuyển, trao đổi, mua bán, sản xuất heroin. Thường xuyên, liên tục và đơn giản như bất kỳ một món hàng thông thường nào. Chỉ khác các vụ làm ăn bình thường ở chỗ diễn ra vào ban đêm, giờ giấc chính xác đến từng giây, và heroin giấu trong đống phế liệu. Bà mẹ của bị cáo Nguyễn Trọng Bình quay sang hỏi tôi: “Tại sao heroin giấu trong xe tải đơn giản thế mà qua được công an biên giới? Con tôi bị buộc tội mua bán, vận chuyển nhưng nó không nhận.
Tôi tin con tôi, nhưng nếu nó có tội thì nó phải chịu trừng phạt”. Những lời khai của các bị cáo khác chứng minh con trai bà đã một lần đi nhận heroin, một lần chuyển tiền và nhiều lần chứng kiến cảnh pha chế, nén ép heroin tại nhà anh vợ. Chỉ một lần thôi nhưng số lượng heroin Bình phải chịu trách nhiệm hình sự đã lớn gấp nhiều lần giới hạn của khung hình phạt cao nhất. Thế mà lượng heroin các bị cáo khác phải chịu trách nhiệm còn lớn gấp nhiều lần Bình.
Sự bàn luận giữa những người theo dõi phiên xử không xoay quanh mức án mà chỉ xoay quanh việc liệu có bị cáo nào có thể thoát được án tử hình. Câu chuyện giữa thân nhân các bị cáo cũng vậy. Những phụ nữ già có, trẻ có vừa căng mắt tìm bóng người thân trên màn hình, vừa tìm mượn cáo trạng để xem lại những con số về heroin.
Vợ Dũng "lừng", bị cáo phải chịu trách nhiệm về số lượng heroin lớn nhất trong tất cả, suốt buổi này đến buổi khác ngồi nuốt nước mắt, trước giờ Viện kiểm sát đề nghị mức án đột nhiên quay sang nói với tôi: “Cầu mong đừng có án tử hình. Tịch thu hết nhà cửa cũng được, ở tù 100, 200 năm cũng được nhưng đừng tử hình”.
Thân nhân các bị cáo theo dõi phiên xử |
Trên màn hình tivi, những bị cáo trên hàng đầu đứng lặng, các bị cáo ở hàng cuối ngơ ngác ngoái tìm người thân. Giờ phút này, có lẽ những bánh heroin, những xấp đôla, những phi vụ mạo hiểm trong bóng tối đã lùi khỏi cuộc đời. Ba bà mẹ ngồi bên cạnh tôi ứa nước mắt nghe con trai mình bị đề nghị tù chung thân. Chị vợ của Dũng "lừng" an ủi: “Như vậy là con bác còn ngày về. Hai đứa con trai cháu thì… Cha đứng kia mà bỗng mồ côi”.
Ra sân, tôi lại thấy bà mẹ có đứa con nghiện đang đứng chờ, bà muốn theo dõi sát từng diễn tiến vụ xét xử. Biết Viện kiểm sát đề nghị 16 án tử hình, 11 án chung thân, mặt bà bỗng thất sắc, nhìn với theo những thân nhân bị cáo đang tụm lại với nhau thành từng nhóm. Bà thì thầm: “Đã có nhiều án tử hình lắm rồi mà sao họ không sợ? Con tôi mới nghiện heroin, gia đình tôi đã rơi vào bi kịch, khủng hoảng. Vậy mà sắp phải có những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha...”. Giọng bà nghẹn lại trong nỗi đau xót thật sự, khác hẳn âm sắc hôm trước khi kể về sự căm hận của mình với heroin.
Rồi bà lật mở cáo trạng, thành thạo chỉ vào từng đoạn đã được chính mình tô màu: “Các bị cáo đầu vụ đều đã có lệnh truy nã, nhiều đồng bọn đã bị bắt và kết án tử hình nhưng vẫn tiếp tục móc nối, tổ chức vận chuyển, mua bán ma túy ngày càng nhiều, càng táo bạo… Bị cáo bị truy nã mà tổ chức chế biến heroin ở địa phương cả một thời gian dài. Chở ma túy bằng xe tải mà qua cửa khẩu hết lần này đến lần khác...”. Bà lẩm bẩm: “Có lẽ phải có những cách khác, hữu hiệu hơn để người ta sợ đến với ma túy...”.
Bà cầm cuốn cáo trạng tiếp tục ngồi ngẫm nghĩ trong sân tòa để tìm giải pháp của riêng mình, trước hết là giật đứa con trai ra khỏi làn khói trắng. Mấy bà mẹ của các bị cáo quây lại dưới một bóng cây, hỏi nhau xem có thể hi vọng gì vào bài bào chữa của luật sư. Mấy cô vợ ra đến sân vẫn còn quặn người vì cơn nức nở. Tôi thoáng nghe thấy trong đám đông một giọng đàn ông Nghệ An nằng nặng: “Cuộc chơi đã kết thúc”.
Chưa có bản án và phiên xử bắt đầu giai đoạn tranh luận nhưng quả là cuộc chơi với heroin đã kết thúc với các bị cáo. Nhưng mẹ, chị, vợ, con họ vẫn phải sống với nỗi đau đè nặng, đeo mang. Nhưng đâu đó ngoài kia vẫn còn những chàng trai, cô gái và gia đình họ đang phải vật vã trong cơn nghiện heroin, những tép, chỉ heroin được phân phối, nén ép trong bàn tay của họ vẫn đang được mua đi bán lại…
Cuộc chơi và nỗi đau vẫn chưa hề kết thúc.
PHẠM VŨ
▪ 'Chợ tình' trên lề đường (21/01/2005)
▪ Hà Nội: Hàng ngàn gái mại dâm nghiện ma tuý và nhiễm HIV (20/01/2005)
▪ Đào vàng mang tai ách về làng (18/01/2005)
▪ Bài thơ tuyệt mệnh của người thanh niên bị AIDS (11/01/2005)
▪ “Bán mình” qua webcam (10/01/2005)
▪ Mẹ mang ma túy vào cho con! (10/01/2005)
▪ Anal sex - hành vi tình dục có hại cho sức khoẻ (08/01/2005)
▪ Lừa bán… người yêu sang Trung Quốc (03/01/2005)
▪ Bãi rác cũ Thành Công - nơi buôn bán ma túy công khai (31/12/2004)
▪ "Chợ người" ở Đông Hưng (28/12/2004)