Thái Lan: Lo ngại tình trạng quan hệ tình dục không an toàn của thanh thiếu niên
Các Website khác - 14/06/2006

Bài báo của tác giả Kamol Sukin đăng trên trang National của báo điện tử The Nation mới xuất bản gần đây gây ấn tượng với tiêu đề: "Quan hệ tình dục không an toàn của thanh thiếu niên – nguy cơ lớn nhất của đại dịch AIDS".

Theo bài báo này, lực lượng đặc nhiệm Thai Women on AIDS cảnh báo, vì có các quan hệ tình dục không an toàn nên thanh thiếu niên hiện trở thành một trong những nhóm có nguy cơ nhiễm virus HIV cao nhất.

Chị Sureerat Treemanka, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm khẳng định: "Thanh thiếu niên chính là một nhóm nguy cơ mới nổi lên".

Theo chị Sureerat Treemanka, thanh thiếu niên đang trong độ tuổi có hoạt động tình dục mạnh mẽ nhưng chúng lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm virus HIV.

Xu hướng xã hội đối với "tự do tình dục" vẫn chưa đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục về "tình dục có trách nhiệm". Chị Sureerat cho rằng, vấn đề ở chỗ, quan điểm của họ về tình dục có thể dẫn tới những hành vi chứa nguy cơ cao.

Anh Phra Alongkot, thành viên của ngôi đền Wat Phrabaht Namphu ở Lopburi, một ngôi đền vốn là nơi các bệnh nhân AIDS bị bỏ mặc đến chết, phát hiện ra một thay đổi rất rõ rệt: "Tuổi của các bệnh nhân ngày càng trẻ hơn".

Theo lời các chuyên gia, hiện có khoảng 700,000 người dân Thái nhiễm HIV/AIDS nhưng hầu hết số này đều không biết mình nhiễm bệnh.

Chị Sureerat cũng là người đã làm việc về các vấn đề liên quan đến đại dịch AIDS trong hơn một thập kỷ, chị ước tính chỉ khoảng 200,000 người trong số 700,000 trường hợp đó biết về bệnh trạng của mình.

Cũng có khoảng một nửa trong số đó được tiếp cận với các loại thuốc điều trị bệnh AIDS, những thuốc này gồm có thuốc phòng chống các nhiễm trùng cơ hội, thuốc điều trị những bất ổn về thể chất và tinh thần và thuốc kháng virus giúp ngăn ngừa virus HIV phá huỷ hệ miễn dịch và chặn lây nhiễm virus HIV từ thai phụ sang con.

Theo chị Sureerat, nhìn chung, hệ thống dịch vụ trợ giúp các bệnh nhân HIV/AIDS đã cải thiện đáng kể nhờ hệ thống y tế toàn cầu. Chị nói: "Một khi bạn phát hiện bạn nhiễm HIV/AIDS, bạn có thể tới bệnh viện chỉ với 30 bạt và có quyền được hưởng chế độ điều trị thích hợp.

Đó là tin tốt lành, nhưng điều tồi tệ là không có nhiều bệnh viện cung cấp các dịch vụ mà bạn được quyền hưởng".

Theo chị Sureerat, rất nhiều bệnh bệnh lo ngại họ không nhận được tiền thanh toán khi điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Chị nói thêm: "Đó chính là vấn đề thuộc về quản lý trong quá trình chuyển đổi việc triển khai hệ thống mà chúng ta hy vọng sẽ được cải thiện trong vòng hai năm tới".

Theo chị Sureerat, có một trở ngại trông thấy là sự thoả thuận không rõ ràng giữa văn phòng chống AIDS của Bộ y tế cộng đồng (cơ quan đã từng điều trị hải ngoại) và Văn phòng phổ cập chăm sóc y tế (cơ quan chịu trách nhiệm làm công tác điều trị hải ngoại hiện nay).

Theo chị vấn đề chuyển đổi trách nhiệm tới văn phòng mới thuộc về chính trị, cũng như thực tiễn. Chị nói: "Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều bệnh viện hiện nay vẫn tỏ ra ngần ngại khi cung cấp các dịch vụ thích hợp với bệnh nhân HIV/AIDS".

Một báo cáo gần đây của UNAIDS đã đặt Thái Lan vào trong nhóm các nước đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong công tác kiểm soát quá trình lây lan của đại dịch AIDS.

Nhưng theo chị Sureeat, vẫn có khoảng 30,000 dân Thái nhiễm virus HIV mỗi năm, hầu hết trong số này là các thanh thiếu niên.

Tình hình hiện nay tại Thái Lan có vẻ như êm đềm như thể mọi thứ đang được cải thiện nếu so sánh với các quốc gia khác, song đại dịch AIDS vẫn là một thảm hoạ ở đây và đại dịch đang ngày một phức tạp hơn.

Chị Sureeat nói: "Vấn đề của chúng tôi là làm thế nào để giải quyết số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Khoảng 80% trong số họ vẫn đang sống và làm việc bình thường".

Anh Charin Khonman, một nhân viên tại đền Wat Phrabaht Namphu ước tính, cứ 10 người Thái nhiễm HIV/AIDS lại có 3 người giữ kín bí mật về bệnh tật và chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân được điều trị phù hợp.

Những người đang làm việc tại ngôi đền ở Lopburi như Sureerat đều đồng ý với quan điểm cho rằng, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để phòng chống các lây nhiễm. Anh Abbot Phra Alongkot cho biết, anh đang cố gắng hết sức để thực hiện công tác giáo dục cộng đồng, nhất là giới thanh thiếu niên về đại dịch AIDS.

Theo chị Sureerat, điều cần thiết bây giờ là một phương pháp giáo dục mới mẻ, một chiến dịch tuyên truyền về HIV/AIDS do chính thanh thiếu niên điều hành phục vụ thanh thiếu niên.

Theo UNAIDS, tốc độ lây lan của đại dịch HIV/AIDS có vẻ như đang chậm lại trên toàn cầu và ở một số khu vực còn báo cáo những tín hiệu đáng mừng khi kiểm soát được đại dịch này.

Nhưng ở một số nước khác vẫn không thể đạt được các mục tiêu chủ chốt trong công tác phòng và trị bệnh.

Vào thời điểm cuối năm ngoái, trên thế giới có khoảng 38.6 triệu người nhiễm virus HIV, trong đó có khoảng 4.1 triệu người nhiễm bệnh trong thời gian cuối năm.

Cũng theo UNAIDS thì năm ngoái, số bệnh nhân tử vong vì AIDS đã giảm xuống 2.8 triệu người so với 3.1 triệu người năm 2003.

Chị Sureerat khẳng định, xã hội Thái Lan sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với đại dịch AIDS cho tới chừng nào đất nước này chấp nhận thực tiễn, yêu cầu quan trọng nhất trong tình dục phải là an toàn.

Chị nói: "Chúng ta có thể đạt được thành công ở một vài mức độ nhưng vấn đề chính vẫn còn được nhìn nhận thiên lệch trong quan điểm với bệnh AIDS và nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là quan hệ tình dục.

Chừng nào mà ta còn tiếp tục lên mặt đạo đức để nói rằng quan hệ tình dục chỉ có thể chấp nhận được trong hôn nhân và cố gắng đẩy mọi người vào kiểu quan hệ tình dục đơn lẻ thì chừng đó đại dịch AIDS vẫn tiếp tục tồn tại cùng chúng ta.

Chúng ta cần biết chấp nhận các kiểu loại quan hệ tình dục đa dạng, kể cả những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhưng nhất thiết chúng phải là những quan hệ an toàn".

Dương Kim Thoa theo http://www.redorbit.com