Từ ma tuý đến cái chết
Các Website khác - 15/11/2004

Lê Thanh Phong - Tạ Nguyên
Chúng tôi ngồi bên những bệnh nhân đã gần kề cái chết, giọng nói thều thào, mắt đục ngầu, da lở loét bọc lấy tấm thân khô kiệt. Bác sĩ trưởng khoa AIDS của bệnh viện thông báo những số liệu rùng mình: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai tiếp nhận 153 bệnh nhân tiêm chích ma tuý và mắc bệnh AIDS thì đã có 92 người chết. Họ chỉ ở độ tuổi từ 15 - 30. Trong bệnh viện, người chết không kịp chôn; bên ngoài, số người nghiện ma tuý ở Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng một cách đáng sợ, từ 1.397 người năm 2003 lên 1.706 người hiện nay.

"Bác sĩ ơi, khi nào con chết?"
Hai bệnh nhân AIDS chỉ mới 15-17.Trang Hùng T ngồi co ro trên giường bệnh, gập người ho như muốn trào phổi ra ngoài. T là con của một gia đình nghèo, ba chạy xe ôm, mẹ làm mướn. T chỉ học hết lớp 1. Mười ba tuổi, T đã chơi ma tuý và bị nhiễm HIV. Căn bệnh AIDS hành hạ T suốt năm nay. T nằm bệnh, nhưng có công an canh gác, hỏi ra mới biết cậu nhóc này còn vi phạm pháp luật. T nói tỉnh như ruồi: "Con chém thằng đó bị đứt gân liệt cả hai tay". Giờ T cũng không còn đủ sức để chịu hình phạt của pháp luật, em đã quá yếu.
Bi kịch hơn là anh trai của T, cũng vừa mới chết năm ngoái vì chích ma tuý và bị bệnh AIDS. Anh của T chết khi tròn 15 tuổi, năm nay T cũng ở tuổi 15.

Nguyễn Minh S - ở cùng phòng với T - nói : "Thằng T ho suốt đêm, con không ngủ được; hắn bị lao phổi quá nặng". Nói bạn nhưng S chẳng hơn gì. Mặt S sưng tấy lên vì mụn nhọt, chân bị lở loét hết cả rồi. S kể rằng mẹ em bỏ đi từ năm em 1 tuổi. Ba chạy xe bagác ở ngã ba Vũng Tàu. S có đi học nhưng học mãi cũng không biết được chữ gì nên bỏ học, theo bạn bè lêu lổng. Năm 14 tuổi, S chích ma tuý, rồi trộm cắp bị công an bắt đưa vào trường giáo dưỡng. Sau đó xét nghiệm và phát hiện bị nhiễm HIV, bây giờ bệnh nặng, mới 17 tuổi đời mà đã phải hỏi một câu đáng sợ nhất: "Bác sĩ ơi, khi nào con chết?".

Phòng bệnh nữ thì sạch sẽ tươm tất hơn. Bệnh viện trang bị TV cho bệnh nhân giải trí. Nằm co quắp trên giường là Thanh Th, theo bác sĩ thì em không còn được bao nhiêu ngày nữa. Hai mắt em trắng dã, chong lên tường nhà, không nói, không trả lời. Em cũng đủ ý thức để biết rằng mình sắp chết. Bác sĩ trưởng khoa đến khám cho em, em cũng không còn đủ sức để trở mình.

Lê Thị Ch thì đỡ hơn, em còn đi lại, chuyện trò vui vẻ. Mấy năm trước, em theo bạn bè đi vận chuyển ma tuý cho bọn buôn lậu, rồi tiêm chích, nghiện ngập và nhiễm HIV. Ch bị bắt và ở tù 3 năm tại Trại giam K4 Long Khánh. Năm 25 tuổi thì phát hiện bị bệnh AIDS.

Theo các bác sĩ thì những bệnh nhân này thiếu tình cảm, thiếu tiền, thiếu sự chăm sóc của gia đình, thiếu tất cả. Những người tiêm chích ma tuý phần lớn đã hại gia đình họ quá nhiều, nên khi bị bệnh nặng phải nhập viện, gia đình cũng quá mệt mỏi, chán nản nên bỏ rơi. Họ sống bằng trợ cấp của bệnh viện, một ngày tiêu chuẩn được 2.000 đồng và 3 lạng gạo. Họ không phải sống mà chờ chết, cái không khí chết chóc bao trùm lên bệnh viện.

Nhiều người chết, bệnh viện báo nhưng thân nhân không đến. Chỉ ra đi với cái hòm xã hội nghèo khổ. Vì thế mới có trường hợp biết mình sắp chết, liên hệ với gia đình xin một lần cuối cùng, đó là mua cho cái hòm tốt để chết cho đàng hoàng.

Cũng có trường hợp hiếm hoi như Nguyễn H, mẹ từ bên Mỹ về thăm, thấy con đã gần kề cái chết nên vào bệnh viện xin bác sĩ trải chiếu nằm cạnh giường con. Thấy mẹ sống với mình trong bệnh viện khổ quá, H nói: "Mẹ về đi, mẹ đừng ở với con trong bệnh viện, mẹ sẽ bị lây bệnh đó". Tình mẹ dành cho H không đủ sức níu giữ cuộc sống của em. H chết cũng chỉ ở tuổi 17.

"Hãy viết về tôi để giới trẻ biết mà tránh xa ma tuý"
Ở Trung tâm cai nghiện ma tuý Xuân Phú có một đội văn nghệ, trong đó có người bị nhiễm HIV. Sau thời gian bị hoảng loạn tinh thần, họ gượng đứng dậy, và cái họ có thể làm được là cất tiếng hát để bớt đau buồn. Đội văn nghệ đi lưu diễn khắp tỉnh Đồng Nai, biểu diễn kiêm tuyên truyền phòng chống ma tuý, và HIV/AIDS. Chính họ là những người nói những lời gan ruột nhất, đau đớn nhất và thuyết phục nhất. Mỗi một người lên sân khấu cất tiếng ca là một thông điệp đầy nước mắt, ai ca xong cũng khóc. Xem họ diễn, khán giả như đọc thấy họ đang cố sống từng ngày, đầy tiếc nuối. Như nữ ca sĩ trẻ N, hát "Cuộc đời vẫn đẹp sao" mà giàn giụa nước mắt.

Y sĩ Dương Văn Đông - người gắn bó với công tác chữa trị ở trung tâm - nói: "Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển bệnh AIDS, tôi mới hiểu được con người cần và khát khao được sống như thế nào. Có những người thường ngày sống vô tư, nhưng đến giai đoạn chuyển bệnh, họ mới bộc bạch sự ân hận và hối tiếc. Nhưng đã quá muộn". Một nữ học viên biết mình không còn sống được bao lâu, thương cho cuộc đời còn quá trẻ, đã viết lại những dòng chữ trăng trối thật đáng thương: "Em bước đi mà như đứng lại bên đời suy ngẫm. Hôm nay, những con đường giờ trở thành kỷ niệm, những góc phố hàng cây giờ trở thành nỗi nhớ. Và em lần đầu tiên thấy xót đau...".

Trong số bệnh nhân của trung tâm, có một người thuộc hạng cao tuổi - ông Phạm X (53 tuổi) nhà ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Mọi người nể mặt ông vì dù nhiễm bệnh khá lâu nhưng ông vẫn chống chọi được với thần chết. Gặp nhà báo, ông toét miệng cười và cho rằng lứa tuổi nghiện ma tuý như ông giờ đã "quy tiên" hết rồi. Ông X kể về đời mình. Năm 11 tuổi đi du học ở Mỹ. Năm 19 tuổi về nước làm phiên dịch cho lực lượng biệt kích Mỹ đóng ở Củ Chi - TPHCM. Học đòi theo lính Mỹ, ông chơi ma tuý và trở thành con nghiện nặng. Sau giải phóng, ông đi cải tạo. Gia đình tưởng rằng đó là cơ hội để ông làm lại cuộc đời và cai nghiện được ma tuý. Ai ngờ cải tạo xong, ông lại sa chân lần nữa, mặc cho lời can ngăn, oán trách của vợ và 7 người con. Kể đến đây thì ông khóc, thương nhớ vợ con và thấy chán ghét bản thân mình, ông nói: "Các anh hãy viết về tôi để giới trẻ biết mà tránh xa ma tuý. Nó sẽ biến các bạn thành nô lệ. Nó sẽ đốt cháy cuộc đời bạn".

Nhiều người tiếp tục lao vào ma tuý
Người nghiện ma tuý đưa đi tập trung cai nghiện ngày càng đông, người bị chuyển bệnh AIDS chết liên tục ở Bệnh viện Da liễu hình như cũng chẳng đánh động được gì. Hằng ngày, bọn buôn bán ma tuý vẫn tuồn hàng về các tụ điểm của thành phố Biên Hoà và nhiều huyện khác để cung cấp cho con nghiện, đồng thời "chiêu dụ" thêm "khách hàng" mới. Thật nguy hiểm khi bọn buôn bán ma tuý nhắm vào đối tượng còn rất trẻ, là sinh viên, học sinh. Nhiều em là con của gia đình khá giả, con của cán bộ, công chức, người có chức vụ cao trong tỉnh.

Chúng tôi tiếp xúc với một cán bộ cấp trưởng phòng của một sở, có đứa con trai là sinh viên, sa ngã theo bạn bè hút chích. Hậu quả là cả gia đình tan nát, nhà lúc nào cũng buồn như có đám tang. Còn cậu con trai duy nhất của một ông cấp phó sở, chơi ma tuý bị bệnh AIDS bị đưa vào bệnh viện. Đau đớn không gì bằng. Thương con, thi thoảng ông vào bệnh viện giặt áo quần giúp cho nó. Bác sĩ thấy trái mắt trách ông đến nước này mà vẫn còn chiều chuộng. Ông gạt nước mắt, cho rằng nó còn sống được bao lâu nữa đâu mà không sống với nó cho trọn tình cha con.

Báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, từ năm 1993 đến nay, phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 3.598 trường hợp nhiễm HIV, riêng 9 tháng đầu năm 2004, phát hiện thêm 611 trường hợp. Đối tượng tiêm chích ma tuý cũng tăng lên không ngừng, chỉ riêng năm nay, lập hồ sơ thêm trên 300 người nghiện ma tuý, đó là chưa kể con số thực trên toàn địa bàn mà chính quyền chưa nắm hết được.

Ngoài "trung tâm" Biên Hoà, những huyện có khu công nghiệp mọc lên như Long Thành, Nhơn Trạch thì hiện tượng người tiêm chích ma tuý tăng cao.. Chỉ riêng hai huyện này, trong 9 tháng năm nay đã có thêm 117 con nghiện. Đánh giá về thực trạng trên, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh nhấn mạnh công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng của một số xã, thị trấn còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức nên để đối tượng nghiện ma tuý tăng mới cao hơn so với năm 2003. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa sâu, chưa rộng; công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính chưa thật chủ động, còn trông chờ ỷ lại cấp trên làm hạn chế đến kết quả công tác cai nghiện phục hồi và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý.

Thực tế thì như vậy, nhưng đi đâu cũng thấy treo bảng khu phố, xã, phường văn hoá. Dưới chân của những tấm bảng văn hoá hoành tráng đó là ngổn ngang kim tiêm, là những con nghiện như ma trơi giữa ban ngày. Mỗi một con người có trách nhiệm đối với bản thân mình, họ chọn lựa cái chết và họ chịu chết. Nhưng toàn xã hội hãy cùng có trách nhiệm ngăn cản đại hoạ, đừng để ập xuống trên đầu giới trẻ khi trong các em một số chưa đủ sức chống lại cám dỗ.