Cần tạo áp lực xã hội để lên án các hành vi lệch chuẩn
Báo Tiếng chuông - 10/06/2016
Mại dâm là một hiện tượng xã hội, không thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính mà cần phối hợp tổng thể giữa biện pháp xã hội-kinh tế, trong đó có việc tạo áp lực, dư luận để lên án các hành vi lệch chuẩn.

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) tỉnh Nam Định về công tác phòng, chống mại dâm hiện nay.

 

Ông Đỗ Đức Nguyên. Ảnh Nhật Thy

 

Ông Đỗ Đức Nguyên cho biết, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ người bán dâm thay đổi công việc, ổn định cuộc sống. Trong vòng 5 năm (2011-2015), hơn 600 lượt người bán dâm đã được hỗ trợ trực tiếp bằng nhiều hình thức. Chi cục PCTNXH tỉnh cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tư vấn, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho gần 25 nghìn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Đỗ Đức Nguyên, mặc dù hành vi mại dâm là vi phạm pháp luật, nhưng theo quan điểm mới, Nam Định coi những phụ nữ mại dâm là những nạn nhân của bạo lực, của các băng nhóm tội phạm và của hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, sự kỳ thị của xã hội đối với người bán dâm trong thời gian qua đã giảm đáng kể.

Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Nam Định cho biết, trong công tác phòng, chống mại dâm, Nam Định tập trung vào việc giảm hại cho 3 nhóm đối tượng chính.

Thứ nhất là người bán dâm đến từ các địa phương khác. Vì những đối tượng này không có hộ khẩu thường trú, nên việc tiếp cận và hỗ trợ chỉ giải quyết được trong giai đoạn ban đầu khi mà họ có các hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi nguy cơ vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Những phụ nữ bán dâm đến từ các tỉnh khác sẽ  được  tư vấn về pháp luật, y tế, tư vấn về phòng chống bạo lực...

Đối với những đối tượng bán dâm là người Nam Định, trên cơ sở hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh cũng như trao đổi hồ sơ với các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội, Huế, sẽ được hỗ trợ như dạy nghề, đưa vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm…

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Nguyên cho biết, người bán dâm thường trở về địa phương trong một thời gian không dài, sau đó họ lại chuyển đến nơi khác. Chính vì vậy, sự hỗ trợ mang tính lâu dài bền vững cho nhóm đối tượng này rất khó thực hiện.

Nhóm thứ ba nhận được hỗ trợ là gia đình, con cái của những người bán dâm. Nhiều phụ nữ mại dâm có con nhỏ được tư vấn pháp lý để khai sinh cho con hay chồng của họ được đưa vào các chương trình tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm.

Ông Đỗ Đức Nguyên cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Nam Định sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Cựu chiến binh và Hội phụ nữ triển khai các mô hình giảm hại cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Phối hợp các nguồn lực tập trung vào các địa bàn trong điểm: Thị trấn Thịnh Long, Quất Lâm, Yên Bằng, 6 phường của TP Nam Đinh.

Chi cục PCTNXH cũng sẽ phối hợp với bộ đội biên phòng để triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ tại các địa bàn khó khăn,vùng sâu vùng xa. Phối hợp với công an tỉnh để thực hiện đánh mạnh đánh triệt để vào các đường dây buôn người, hoạt động mại dâm. Đồng thời, phối hợp liên ngành triển khai mô hình quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Tư vấn cho chủ các cơ sở những thông tin pháp luật về phòng, chống mại dâm để giảm tối đa đầu vào của nhóm đối tượng có liên quan, sau đó là phòng ngừa xã hội.

“Phòng, chống mại dâm không thể bằng biện pháp hành chính. Phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, huy động nguồn lực xã hội cũng như tạo được áp lực dư luận, lên án các hành vi lệch chuẩn xã hội”, ông Đỗ Đức Nguyên nói.