LGBT cần gì khi “come out”?
Báo Tiếng chuông - 03/06/2016
“Come out” (công khai giới tính thật) hay không là một quyết định khó khăn với tất cả những người đang trong giai đoạn chứng minh bản thân”, một thành viên trong cộng đồng LGBT cho biết

Come out không nóng được đâu!

Nhớ lại quá trình come out của mình, bạn Q.A-một đồng tính nam  chia sẻ, vì thiếu thông tin nên ngày đó mẹ mình nghĩ đồng tính là một căn bệnh bắt nguồn rối loạn về mặt tinh thần do thế lực thần bí nào đó chi phối. Mẹ đi bói khắp nơi. Mẹ tốn nhiều tiền để mời thầy về nhà “cắt duyên âm”, cầu cúng. Mẹ mang một lá bùa lén để dưới gối. Mẹ nấu các món ăn kỳ lạ cho mình ăn với hy vọng mình hết bệnh trong người. Mẹ sấp ngửa, hoảng loạn để “chữa bệnh” cho mình.

Q.A trải lòng, sau khi gia đình biết chuyện, không khí nhà mình lúc nào cũng nặng trịch. Cả nhà không ai nói với ai câu gì. Cuối cùng, mình đã nhờ một người bạn thân đã come out thành công đến trò chuyện với mẹ. Ra về, mình vừa nghiêm túc vừa hài hước nói: Đấy, bạn ấy là đồng tính nam đấy bố mẹ à, trông có giỏi giang và mạnh mẽ không? Mẹ cười cười: Ờ, nó trông vậy mà đồng tính à?  Điều đặc biệt, người bạn của mình sống tự lập và tích cực lại ăn nói khéo nên chỉ một thời gian ngắn mẹ mình bắt đầu “hạ nhiệt”. Come out không nóng được đâu, các bạn phản ứng thái quá với phụ huynh thì chỉ có thiệt, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn.

 

Trần An Vi-Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Cùng quan điểm đó, Trần An Vi –một người chuyển giới nữ (tên thật là Trần Anh Vũ, sinh năm 1992) cho rằng, khi mới come out đừng mong cha mẹ sẽ chấp nhận bản thân mình ngay lập tức. Hãy cho họ thời gian. Hãy dùng hành động để chứng minh cho họ thấy lựa chọn của bạn là đúng đắn. Hãy chứng minh và thuyết phục các bậc phụ huynh. May mắn khi come out,An Vi được gia đình đón nhận, mọi việc diễn ra nhẹ nhàng, mặc dù mẹ cô có vẻ buồn. Nhưng thời gian trôi qua, cô sống tự lập, lại thường xuyên tâm sự với mẹ nên hai mẹ con đã tìm được tiếng nói chung. An Vi cho biết, riêng các bạn chọn lựa phương án việc lập gia đình như một bình phong nhằm che đậy bản thân thì cô không ủng hộ. Phải cắn răng sống chung với một người dị tính là tự xúc phạm chính mình.

 

Sống tích cực, tự lập để come-out thành công.

Anh Huỳnh Anh (thường gọi Danny), một người đồng tính đã come out thành công, hiện có mạng lưới giới thiệu việc làm cho người LGBT ở Tp Hồ Chí Minh chia sẻ, điều cần thiết khi comeout đó là việc lên kế hoạch để chuẩn bị, quan trọng nhất là có được công việc ổn định, tự lo được cho chính mình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lương Thế Huy- Cán bộ kỹ thuật về quyền LGBT Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho biết, khi bố mẹ phát hiện ra là người đồng tính thì việc đoán biết biết xu hướng sử dụng bạo lực của bố mẹ là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi bố mẹ có những gợi ý hay bắt buộc như uống thuốc điều trị, quan hệ với người khác giới… thì tuyệt đối nói “Không”. Dù bất cứ điều gì xảy ra, hãy dặt sự an toàn của mình lên trên hết.

 

Lương Thế Huy-Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Đặc biệt, ông Huy gợi ý các bạn cần thu thập tin tức, ý kiến ủng hộ từ phía người khác. Mặt khác, hãy khéo léo cho ba mẹ biết các ý kiến ủng hộ LGBT từ nhà nước, nhà làm luật để ba mẹ thấy ngoài kia xã hội đã bớt định kiến.  Điều quan trọng là phải giữ được bản lĩnh vững vàng trước mọi tình huống.

Đồng thời, ông Huy cũng nhấn mạnh công khai giới tính là một hành trình dài, không thể thành công trong ngày một ngày hai. Phải có sự chung tay giúp sức của nhiều người. Không có một “giải pháp duy nhất”, mà là tổng hợp nhiều giải pháp để phù hợp với hoàn cảnh từng người. Đặc biệt, theo ông Huy giải pháp hiệu quả nhất là cần tự lập và độc lập về tài chính. Sống tích cực, xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt, tu dưỡng nhân cách là những bước đệm để come out thành công.