Chị Nguyễn Thị Sáu hồi tưởng lại quãng thời gian tủi nhục xứ người |
Cách đây 7 năm, chị xin về quê thăm lại gia đình rồi trốn chạy khỏi "địa ngục trần gian", mặc cho chồng cũ sang tận nơi van vỉ nhưng chị kiên quyết không trở lại.
Mới đây Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã tổ chức lễ bàn giao nhà mái ấm tình thương cho chị Nguyễn Thị Sáu (46 tuổi), trú tại thôn Tam Hợp, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), trị giá 130 triệu đồng, được xây dựng trên diện tích 60m2.
Chị Sáu là trường hợp rất đặc biệt, 20 năm trước chị là nạn nhân của vụ mua bán người, lưu lạc trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) suốt 12 năm mới trở về nhà được. Là hộ nghèo, mẹ đơn thân, nhiều năm qua chị phải sống nhờ ở đậu, bệnh tật hành hạ. Từ nay, trong ngôi nhà ấm tình yêu thương, chị đã thực sự tìm lại được chính mình.
12 năm sống cảnh "địa ngục trần gian"
Chị Nguyễn Thị Sáu kể, chị sinh ra trong một gia đình kinh tế không đến nỗi nào, bố từng là chủ tịch xã, nhưng do đông con khi có tới 7 anh chị em, chị Sáu là con áp út, mẹ lại đau ốm liên miên nên chỉ học đến lớp 5, do không theo được với bè bạn, chị bỏ ngang chuyện học, bắt đầu lăn lộn mưu sinh.
Anh chị em lần lượt lấy chồng, sinh sống ở xa, một mình chị Sáu vẫn ở vậy, đi biển và chăm người mẹ liệt giường. Khi số tuổi của chị chạm ngưỡng một phần tư thế kỷ thì bố mẹ cũng qua đời.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, chị cũng đã đến tuổi "băm" nhưng chưa có mảnh tình nào vắt vai, chị bắt đầu những chuyến buôn cá xa nhà và định mệnh cuộc đời cũng bắt đầu ập đến từ những chuyến lang bạt kỳ hồ ấy.
Trong những lần dạt vào huyện Yên Thành buôn bán cá khô, chị gặp một nhóm người nói giọng Bắc. Khi biết hoàn cảnh đáng thương của chị, những người này đã bày tỏ tâm nguyện muốn "giúp đỡ" bằng cách rủ rê chị sang Trung Quốc làm thuê, công việc vừa nhàn thân lại ăn sung, mặc sướng.
Như bị bùa mê thuốc lú, chị đã giấu gia đình để lập bập theo chân những người này ra Quảng Ninh rồi đi thuyền theo đường tiểu ngạch để sang bên kia biên giới. Sau 3 ngày 3 đêm chui nhủi, chị cũng đến được "miền đất hứa" như viễn cảnh mà mấy người kia đã vẽ ra, tuy nhiên thực tế không như vậy.
Sau 2 ngày bị "giam lỏng", chị tiếp tục bị đưa lên thuyền để đi mà mãi sau này chị mới biết đó là vùng nông thôn hẻo lánh, thuộc huyện Miền Xiên, tỉnh Hải Nam, một hòn đảo cực Nam của Trung Quốc, nơi mà chị đã phải sống cuộc sống không mong muốn suốt 12 năm ròng.
Tại đây, chị bị bán cho một người đàn ông bản địa để làm vợ, một cuộc mua bán mà bản thân chị cũng như người thân ở Việt Nam không hề có được nửa đồng xu. Đó là thời điểm cuối năm 1996.
Chị Sáu kể, những ngày đầu, do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, phía gia đình chồng lại sợ chị bỏ trốn nên giam lỏng khiến cuộc sống rất tủi nhục, nhiều khi chỉ muốn chết quách đi. Thế nhưng, một năm sau đó, chị đã sinh hạ cho nhà chồng một đứa con trai là Hồ Xúy Căng, mọi người đã nhìn chị với ánh mắt thiện cảm hơn.
Chồng chị, anh Hồ Xúy Sinh (55 tuổi) là một nông dân cục mịch nhưng yêu chiều con cái nên chị cũng được thơm lây, không còn phải đầu tắt mặt tối và làm những việc nặng nhọc như trước.
Trong ký ức buồn của chị Sáu, gia đình chồng cũng thuộc diện bần nông, nhà có 4 anh em trai thì chỉ duy nhất chồng chị là may mắn "mua" được vợ, còn lại do nghèo đói nên phải sống độc thân.
Dù sống với chồng con, nhưng chị Sáu luôn có tư tưởng đào thoát để trở về nơi chôn nhau cắt rốn. "Dù ở làng có nhiều người Việt Nam bị lừa bán sang, nhưng chẳng ai dám bỏ trốn vì xung quanh toàn núi rừng, lại bị bao bọc bởi bốn bên là biển cả, có trốn cũng không thoát được. Chỉ còn cách duy nhất là vờ sống tốt lấy lòng gia đình chồng để tìm kiếm cơ hội", chị Sáu kể lại.
Thoắt cái tròn 10 năm chị sống ở xứ người, hàng trăm lần ấp ủ kế hoạch đào tẩu nhưng bất thành, khi chị sinh đứa con thứ hai Hồ Xúy Dũng (SN 2006), niềm tin từ chồng và gia đình chồng dành cho chị đã đủ lớn, song lúc này chị lại không nỡ dứt tình mẹ con.
Nấn ná mãi, đến lúc cháu Dũng được 3 tuổi, được sự đồng ý của gia đình chồng, chị quyết định trở về quê hương thăm anh em, họ hàng và ôm theo cháu Dũng.
Nước mắt trùng phùng
Tháng 7/2009, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Sáu được một người Việt đang làm ăn sinh sống ở Trung Quốc đưa về Việt Nam, đến tỉnh Thái Bình thì được anh trai từ Nghệ An ra đón. Tròn 12 năm biệt xứ, ngày về chị lạ lẫm với xóm làng, anh em nội tộc.
Bố mẹ không còn nữa, nhà cửa cũng đã bán hết, hai mẹ con phải nương nhờ anh em để sống. Anh Nguyễn Văn Tứ (51 tuổi), anh trai của chị Sáu kể: "Mười mấy năm trước, khi Sáu bỗng dưng mất tích bí ẩn, anh em trong gia đình đã cất công tìm kiếm trong vô vọng, báo cáo với chính quyền địa phương nhờ vào cuộc nhưng cũng bặt vô âm tín. Mãi đến hơn 10 năm sau ngày Sáu bị lừa bán, quê nhà mới nhận được thư của nó gửi về từ Trung Quốc, từ đó anh em mới biết Sáu còn sống. Đã nhiều lần chúng tôi toan sang đón về nhưng Sáu không chịu, vì còn nặng lòng với con cái. Khi thấy hai mẹ con trở về, mấy anh em đã họp lại, kiên quyết không để mất em lần nữa".
Ngày đi, chị Sáu tay không. Khi trở về, cũng chỉ hai bàn tay trắng. Quyết định ở lại Việt Nam, không sang đảo Hải Nam là một việc làm rất khó khăn, nhưng chị không muốn trở lại nơi "địa ngục trần gian" đó thêm một lần nào nữa, nên đã hạ quyết tâm.
Làm lại khai sinh cho con, chị chấp nhận làm người mẹ đơn thân, ở vậy nuôi con ăn học. 5 năm sau ngày mẹ con chị về Việt Nam, anh Hồ Xúy Sinh có sang thăm và năn nỉ chị đưa con về lại, nhưng chị đã không đủ can đảm để làm vậy.
"Những ngày đầu mới về lại quê nhà, hai mẹ con rất khó khăn để thích nghi. Khổ vì cơm áo gạo tiền không nói làm gì, nhưng khó chịu nhất là những ánh mắt gièm pha, dị nghị của xóm giềng. Dù vậy, tôi luôn nghĩ đến con để vượt qua tất cả. Giờ cháu đã học xong lớp 3, dù không giỏi giang như con nhà người ta nhưng đó cũng là chỗ dựa tinh thần lớn lao để tôi vững tin sống", chị Sáu tâm sự.
Sau gần 7 năm sống cảnh "ăn nhờ ở đậu", mẹ con chị đã có ngôi nhà mới, đó là món quà từ sự chung tay của xã hội. Không còn phải lăn tăn chuyện an cư, cũng như bao người phụ nữ khác ở miền biển này, chị trở lại cuộc sống của ngày xưa, phụ nữ đi biển và bốc vác cá thuê dưới bến thuyền.
Chị bảo, bản thân thường xuyên bị đau ốm, bệnh tật hành hạ (chị bị bệnh xơ gan), nhưng ngày ngày vẫn phải ra biển, xuống bãi cá làm thuê. Thu nhập rất phập phù, phụ thuộc vào thời tiết và tàu thuyền cập bến, hôm có hôm không, ngày nhiều thì từ 50.000 đồng - 100.000 đồng, có những hôm không may mắn thì chẳng có đồng nào.
Hỏi, chị có ý định lấy chồng nữa không, chị Sáu ôm đứa con vào lòng thủ thỉ: "12 năm sống kiếp làm vợ không tình yêu, đã đủ nếm trải mọi dư vị đắng chát của hôn nhân. Giờ chỉ có tình yêu duy nhất là con trai, tôi sẽ dồn hết mọi tình cảm để nuôi cháu lớn khôn".
Ông Trần Đức Linh, Trưởng Công an xã Quỳnh Lập cho biết: Hiện tại, trên địa bàn xã Quỳnh Lập vẫn còn một số phụ nữ mất tích bí ẩn đã nhiều năm, nghi bị bán sang Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Sáu là nạn nhân may mắn trở về sau nhiều năm.
Trong khi đó, ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập thông tin thêm, từ sau khi mẹ con chị Sáu trở về quê nhà, chính quyền đã tạo điều kiện để nhập hộ khẩu, hỗ trợ làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân và chỉ đạo hội phụ nữ giúp đỡ hai mẹ con ổn định cuộc sống.
Theo ông Vân, đây là trường hợp hy hữu, bởi phần lớn nạn nhân của tệ nạn mua bán người từ trước đến nay rất ít khi tự đào thoát để trở về được với quê hương sau nhiều năm biệt xứ.
▪ Hoa khôi chuyển giới và sự đấu tranh được là chính mình (28/05/2016)
▪ Thăm và tặng quà cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Sơn La (27/05/2016)
▪ Tâm sự của những người chấp nhận “cái chết giả” (25/05/2016)
▪ May mắn vì điều trị dự phòng HIV sớm (23/05/2016)
▪ Nỗ lực của “cô gái” Thái hơn 20 năm sống với kỳ thị (17/05/2016)
▪ Nỗi đau thầm kín mang tên “kỳ thị y tế” (16/05/2016)
▪ Xã hội đã “văn minh” hơn với người có giới tính thứ 3 (12/05/2016)
▪ Mô hình Đội tình nguyện giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng (10/05/2016)
▪ Đường hoàn lương gập ghềnh của chàng trai hai lần vào tù ra tội (09/05/2016)
▪ Tấm lòng với người sau cai nghiện (06/05/2016)