Châu Á: Thành kiến xã hội cản trở công tác phòng chống AIDS
Các Website khác - 01/07/2005

Ngay trước khi diễn ra một diễn đàn lớn về đại dịch HIV/AIDS, các chuyên gia đã cho rằng, hiện nay, đại dịch này đã và đang lây lan với tốc độ cực nhanh ở khu vực châu Á, tuy nhiên, những thành kiến khắc nghiệt thâm căn cố đế trong tâm lý người dân nơi đây đã là sức mạnh vô hình cản trở việc người bệnh tiếp cận với thông tin liên quan tới căn bệnh.

Ông Hiroshi Hasegawa, nhà hoạt động kỳ cựu trong lĩnh vực phòng chống AIDS tại Nhật Bản cho biết: "Với việc sản xuất các loại thuốc phòng chống virus cùng loại, chi phí điều trị cho bệnh nhân châu Á cũng đã giảm bớt. Thế nhưng để giúp cho hàng triệu người nhiễm bệnh hiện nay có điều kiện tiếp cận với các loại thuốc điều trị và các dịch vụ y tế, theo ông, điều cần thiết là chúng ta phải cố gắng xoá bỏ những thành kiến xã hội với những người chẳng may nhiễm HIV".

Theo ông, ở nhiều nơi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn tỏ ra dè dặt, thiếu cởi mở và tự nhiên khi bàn về những vấn đề như quan hệ tình dục và các sử dụng thuốc. Ông nói: "Phụ nữ ở Nam Á, những người đồng tính ở Đông Bắc Á và cả những người nghiện thuốc phiện ở Đông Nam Á chính là những đối tượng dễ lây nhiễm HIV nhất, nhưng họ cũng lại là những người có hiểu biết xã hội hạn chế nhất. Và vì thế họ không có cơ hội nhận được sự ủng hộ và tiếp cận được với các phương pháp điều trị mới".

Hasegawa là một trong 3000 thành viên đến từ 60 quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về AIDS tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương được tổ chức tại Kobe (một thành phố ở phía tây Nhật Bản) từ ngày 1-5/6.

Hội nghị lần này có chủ đề "Liên kết giữa khoa học và cộng đồng", đây là một chủ đề tiếp nối với một diễn đàn đã diễn ra năm 2001 tại Melbourne, Australia. Tại đây, các chuyên gia sẽ giới thiệu một số bài giảng và tổ chức các diễn đàn trao đổi trực tiếp, các hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và các nhà hoạt động xã hội sẽ san sẻ kinh nghiệm cũng như cùng nhau thảo luận về các tiến bộ y học gần đây.

Ông Masayoshi Tarui, phó tổng thư ký tại văn phòng của hội nghị đồng thời cũng là giáo sư triết học thuộc đại học Keio nói: "Liệu chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của những đối tượng có nguy cơ cao như thế nào? Chúng ta sẽ xem xét những vấn đề của họ khi hoạch định chính sách xã hội ra sao? Đó chính là những điều những người tham gia cần phải quan tâm tại diễn đàn lần này. Điều mà tất cả những người nhiễm HIV quan tâm chính là việc, sẽ có bao nhiêu người có thể được tiếp cận với các phương pháp trị liệu và bằng cách nào họ có thể hoà nhập với cộng đồng xung quanh mình".

Theo các chuyên gia, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tỉ lệ nhiễm bệnh thấp, chỉ khoảng 0,4% trong tổng số người trưởng thành mắc bệnh, nhưng nơi đây lại có nhiều đối sách phòng chống HIV hơn cả những vùng đang chịu sự hoành hành của đại dịch như châu Phi.

Theo thống kê của tổ chức UNAIDS, nếu trong năm 2002, số người nhiễm HIV tại khu vực này dao động trong khoảng từ 4,6 đến 10,5 triệu người thì sau hai năm, đã nhích lên một chút là khoảng từ 5,4 đến 11,8 triệu trường hợp. Các chuyên gia về AIDS khẳng định, châu Á đang được tiếp cận nhiều với các phương thức điều trị, nhưng đáng lo ngại là một số chính phủ lại tỏ ra thiếu quyết tâm thực hiện thật hiệu quả công tác này ở trong nước và trên phạm vi khu vực.

Ông Masayoshi Tarui khuyến nghị: "Cuối cùng thì chúng ta đã có thể tiếp cận được với các phương pháp điều trị căn bệnh thế kỷ, kể cả những nước đang phát triển. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi các chính phủ phải nắm vai trò lãnh đạo điều phối trong công cuộc phòng chống lây nhiễm HIV trên toàn khu vực".

Các chuyên gia cũng cảnh báo vấn đề cần thiết phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, quảng bá rộng rãi thông tin về HIV/AIDS ở châu Á bởi lẽ, có một thực tế là, những người nhiễm bệnh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn khi muốn được hỗ trợ hay giúp đỡ do quá e ngại trước thái độ miệt thị của cộng đồng.

Ông Takashi Sawada, chuyên viên HIV kiêm bác sĩ tại Trung tâm y tế dành cho công nhân Kanagawa nói: "Tôi nhận thấy ở Đông Nam Á chẳng hạn, các chính phủ tỏ ra xông xáo một cách miễn cưỡng khi tham gia giải quyết đại dịch này. Ở vùng này, chúng tôi không thấy có bất cứ một trung tâm y tế nào có thể tạo điều kiện cho những người dân thường được tư vấn về căn bệnh".

Ông cũng cho biết, đến dự hội nghị lần này, các nhà hoạt động xã hội ở châu Á cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình. Chẳng hạn, một nhóm bệnh nhân ở Thái Lan đã có sáng kiến tự giúp đỡ chính những người cùng cảnh ngộ qua hoạt động thông tin đến họ các kiến thức về căn bệnh và thuốc điều trị. Ông nói: "Chúng ta nên học tập cách làm này của họ".

Đỗ Thuỳ Dương dịch từ

http://news.yahoo.com/s/afp/20050630/wl_asia_afp/healthaidsjapanasia/nc:1422%3b_ylt=A9FJqaOsbcNCmewAwgCWSbYF%3b_ylu=X3oDMTBiMW04NW9mBHNlYwMlJVRPUCUl