Điểm tựa tinh thần giúp những người lầm lỡ làm lại cuộc đời
Báo Tiếng Chuông - 12/10/2017
Chúng ta đều biết, cai nghiện ma túy là một việc hết sức khó khăn. Có những người cả đời không thoát ra được sự cám dỗ của "nàng tiên nâu". Nhưng cũng có không ít người đã bản lĩnh vượt qua ma túy nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân trong gia đình. Những ông bố, bà mẹ, người vợ đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp những người một thời lẫm lỡ lại lại cuộc đời.

Anh Nguyễn Quang Nhựt (quận 4, TPHCM) kể, trở về từ trung tâm cai nghiện, cảm giác thèm sử dụng ma túy thi thoảng lại trỗi dậy trong tâm trí anh.

“Những lúc như vậy tôi lại cố gắng bình tĩnh, hướng lòng mình nghĩ đến người vợ đã bỏ qua quá khứ của tôi từng là một người nghiện ma túy, chấp nhận làm vợ tôi ngay trong thời điểm mà xã hội vẫn còn rất nhiều định kiến, kỳ thị với người nghiện ma túy. Tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt của cha mẹ tôi trong những lần lên thăm tôi ở trung tâm cai nghiện. Nghĩ đến cảnh mẹ tôi còm cõi bóc vỏ từng cân tỏi thuê, còn ba tôi quanh năm suốt tháng vất vả với công việc thông bồn cầu và đường cống cho người ta, tích góp chắt chiu số tiền công ít ỏi lên thăm nuôi tôi. Tôi lại nhớ đến những lời động viên của các anh chị ở trung tâm cai nghiện, của các cô bác đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương nơi tôi sống. Và nhớ đến sự cực khổ chống chọi với ma túy của tôi 4 năm ở trung tâm cai nghiện… Nhớ về tất cả những điều đó để cơn thèm ma túy trong tôi dịu lại”, anh Nhựt chia sẻ.

 

Khát vọng hòa nhập cộng đồng. Ảnh PSD

 

Câu chuyện của chị Trần Thị Hồng (Chiềng Lề, Sơn La) cũng là một minh chứng nữa cho thấy sức cảm hóa của lòng yêu thương đến người nghiện. Nhớ lại trước đó, khi chồng chị là anh Vũ Mạnh Cường mắc nghiện ma túy thì gánh nặng mưu sinh lại càng đè nặng lên đôi vai chị. Vừa phải bươn chải mưu sinh kiếm tiền nuôi hai con ăn học, vừa phải đối mặt với người chồng nghiện ngập, gia cảnh nhà chị vốn đã khó khăn lại càng thêm túng bấn. Nhiều lần tuyệt vọng, chị Hồng đã định mang hai con dứt áo ra đi vào miền Nam sinh sống. Nhưng rồi tình nghĩa vợ chồng bao năm, lời khuyên của người mẹ đã gần 80 tuổi, sự động viên của bạn bè, bà con lối xóm, chị quyết định ở lại giúp chồng cai nghiện ma túy.

Chứng kiến cảnh anh vật vã đấu tranh chống lại ma túy mỗi lần lên cơn, chị lại càng xót thương, thương chồng, thương mình. Cố nén nỗi đau xót vào trong lòng, chị nhẹ nhàng khuyên nhủ động viên chồng rằng cứ quyết tâm, cứ kiên trì nỗ lực rồi sẽ có ngày anh cai nghiện được thành công. Tình thương yêu của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Vũ Mạnh Cường. Với mong muốn thoát khỏi ma túy, anh xin vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện của tỉnh. Trở về nhà, dù đã cắt cơn nghiện nhưng cảm giác nhớ nhung, vương vấn ma túy vẫn còn đeo bám anh. Nghĩ đến gia đình, anh lại cố gạt đi cám dỗ, lao vào công việc. Giờ đây gia đình anh chị đã thoát nghèo, bản thân anh Cường cũng đã thoát khỏi cám dỗ của ma túy.

Với anh Lê Trung Tuấn (Hà Nội), hình ảnh người cha cựu chiến binh rơi nước mắt vì đứa con trai nghiện ma túy luôn nhắc nhở anh phải luôn cảnh giác với ma túy.

Nhớ lại 6 năm trời vùng vẫy để thoát khỏi ma túy anh Lê Trung Tuấn cho biết, bố anh-một người lính-một cựu chiến binh đã đi qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc, đã phải từ chức Phó chủ tịch hội cựu chiến binh do sự kỳ thị từ chính những người đồng đội của mình. Họ nói: “Ông có con nghiện ma túy nên không đủ tư cách lãnh đạo chúng tôi”…

“Hình ảnh người lính kiên trung ngấn lệ vì con trong nắng chiều cách đây 20 năm là hình ảnh mà mãi mãi sau này tôi chẳng thể nguôi quên. Hình ảnh đó đã luôn nhắc tôi nhớ trong mọi thời khắc phải luôn cảnh giác với ma túy”, anh Lê Trung Tuấn xúc động nói.

Có thể nói, hành trình cai nghiện ma túy có thành công hay không tùy thuộc vào nhận thức, hoàn cảnh riêng của mỗi người. Tuy nhiên, điều quan trọng là trên hành trình đầy khó khăn này rất cần tình yêu thương từ người thân, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội.