Tạo cơ hội cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững
Báo Tiếng Chuông - 11/09/2017
Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kêu gọi toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến người nghiện ma túy, xóa bỏ thái độ kỳ thị với người nghiện; chung tay hỗ trợ người nghiện cai nghiện, hòa nhập cộng đồng, bố trí việc làm phù hợp để giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

 

Mô hình tạo việc làm cho người sau cai nghiện

Người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa

Số liệu thống kê cuối năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có 2.103 người nghiện ma túy. Theo nhận định, người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Hiện nay, 80% người nghiện ma túy đang quản lý tại các địa phương được tiếp cận, vận động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tham gia Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. 100% người nghiện ma túy sau khi cai nghiện hòa nhập cộng đồng có hồ sơ quản lý; 30% được hỗ trợ, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện. Tiếp tục duy trì hoạt động của cơ sở điều trị Methadone.

Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tiếp tục tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện bằng các hình thức, tổ chức dạy nghề, tư vấn, truyền thông về pháp luật cho học viên tại cơ sở.

Các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tổ chức dạy nghề cho người tham gia cai nghiện, đồng thời phối hợp với các cơ sở sản xuất để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người sau cai nghiện. Từ đó, tạo điều kiện để người sau cai nghiện tiếp cận việc làm phù hợp với từng người nhằm giảm tình trạng tái nghiện, tái phạm.

Ngăn chặn tệ nạn ma túy trong giới trẻ

Nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy trong giới trẻ chính quyền và toàn dân đã phối hợp hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, cụ thể các cấp, các ngành, đoàn thể cùng đồng hành trách nhiệm tuyên truyền, vận động cộng đồng theo cách vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người nghiện.

Mặt khác, các cấp ngành tích cực động viên các đối tượng đi cai nghiện có hiệu quả; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn không để phát sinh người nghiện mới; xoá bỏ triệt để các đường dây, các tụ điểm buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý.

Để ngăn chặn tệ nạn ma túy, các cấp chính quyền, đoàn thể, xã hội cần thông tin đầy đủ các hình thức, dịch vụ điều trị, cai nghiện trên địa bàn; động viên, khuyến khích và tạo cơ hội cho người nghiện tham gia các hoạt động ở cộng đồng về văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; ủng hộ và tạo điều kiện cho người cai nghiện và gia đình họ được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn, việc làm trên địa bàn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cần tăng cường quản lý người nghiện, quản lý địa bàn, giúp đỡ người nghiện cai nghiện, tìm việc làm hòa nhập cộng đồng; mỗi đoàn thể xã hội cần xây dựng một chương trình về phòng, chống ma túy và giúp đỡ người nghiện ma túy...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức, tôn giáo tiếp tục tham gia ủng hộ, tạo nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống ma túy, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nghiện. người nghiện ma túy.